An Giang kết nối giá trị sản phẩm OCOP

04/04/2024 - 06:05

 - Nếu như xây dựng nông thôn mới (NTM) góp phần rút ngắn khoảng cách thành thị - nông thôn thì Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giúp nâng giá trị đặc sản miền quê, khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa. Khi sản phẩm OCOP khẳng định được uy tín, thương hiệu trên thị trường thì ở những vùng nông thôn, việc làm tại chỗ cũng được tạo ra nhiều hơn, đời sống người dân được nâng lên.

Sản phẩm OCOP tạo sức hút lớn

Nhiều kênh lan tỏa

Trong khuynh hướng sống xanh của thế giới, những sản phẩm khai thác từ nguyên liệu tự nhiên, gắn câu chuyện sản phẩm với tài nguyên bản địa có sức hút lớn. Điển hình như tại Diễn đàn Mekong Connect 2023 do TP. Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức vào cuối năm ngoái, sản phẩm trà kim ngân hoa đến từ vùng cù lao Ông Chưởng của bác sĩ y học cổ truyền Vũ Minh Tú (Giám đốc Công ty TNHH MTV TM&DV Thái Minh Nguyên, huyện Chợ Mới) tạo được ấn tượng với khách tham quan. Dược tính kháng sinh tự nhiên của cây kim ngân hoa trở thành câu chuyện hấp dẫn, thu hút bởi ngoài tác dụng giải nhiệt, tăng sức đề kháng cho cơ thể, tinh chất từ trà kim ngân hoa có thể hỗ trợ điều trị một số căn bệnh thời đại, như: Ung thư, viêm gan, viêm cầu thận cấp, sỏi thận, giảm đau đầu...

Câu chuyện và đường đi của sản phẩm trà kim ngân hoa cũng như nhiều sản phẩm OCOP khác từng bước khẳng định được giá trị, chất lượng trên thị trường. Tại Diễn đàn sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL tổ chức tại tỉnh Cà Mau (tháng 12/2023), 2 sản phẩm OCOP 4 sao của An Giang là đường thốt nốt bột Palmania và trà kim ngân hoa được chọn là 2 trong số 43 sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh An Giang Phạm Thái Bình cho biết, đối với các sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao trở lên, được lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị, hội thảo quan trọng và các chuyến công tác trong, ngoài tỉnh. Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành chú trọng quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương đối với các sản phẩm OCOP, thông qua các hoạt động, như: Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh, thành năm 2023; Ngày hội mắm Châu Đốc An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2023 tại TP. Châu Đốc, hoạt động kết nối giữa 4 tỉnh ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp)...

Các sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP của tỉnh, như: Đường thốt nốt, sản phẩm từ cây thốt nốt, khô cá lóc, khô bò, mắm cá mè vinh, trà thảo dược, rượu trái cây... được hỗ trợ trưng bày, quảng bá tại các kỳ hội chợ triển lãm, sự kiện quan trọng ở tỉnh Sóc Trăng (tháng 9/2023), tỉnh Hậu Giang (tháng 10/2023), TP. Hồ Chí Minh (tháng 11/2023). Đối với các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, được hỗ trợ tham gia xúc tiến tại các tỉnh: Bến Tre, Quảng Ninh, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, TP. Đà Nẵng, Festival hoa Đà Lạt, Tuần Văn hóa trà và tơ lụa Lâm Đồng tại TP. Bảo Lộc...

Nhiều hoạt động hỗ trợ

Ông Phạm Thái Bình cho biết, nhằm khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho các chủ thể kinh tế, như: Hỗ trợ 5 nhãn hiệu cho 5 chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, tổng kinh phí 60 triệu đồng; trao quyền sử dụng và gia hạn quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận An Giang cho 11 tổ chức, cơ sở. Tỉnh còn hỗ trợ 80.000 tem nhãn hiệu chứng nhận An Giang cho: Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Việt Hà (15.000 tem), Hộ kinh doanh Phương Giàu (5.000 tem), Hộ kinh doanh lạp xưởng bò Anas (20.000 tem), Hộ kinh doanh hiệu mắm Út Nhanh (30.000 tem), Hộ kinh doanh Hòa Kiều (10.000 tem). Thông qua dán tem lên sản phẩm, giúp người tiêu dùng nhận biết nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp chủ lực của An Giang.

Năm 2023, Sở Công Thương đã triển khai thực hiện đề án khuyến công địa phương, hỗ trợ cho các chủ thể kinh tế 15 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, với số tiền hỗ trợ trên 3,56 tỷ đồng (năm 2022 hỗ trợ 13 đề án, số tiền 3,2 tỷ đồng); hỗ trợ 1 doanh nghiệp tham gia đề án khuyến công quốc gia; hỗ trợ cho 7 sản phẩm OCOP, gồm: Chả cá thát lát rút xương tẩm gia vị; chả cá thát lát tẩm gia vị; bộ sản phẩm mật thốt nốt (sệt Palmania, bột Palmania); trà kim ngân hoa; xoài cát Hòa Lộc sấy dẻo; đũa ăn gỗ thốt nốt.

 “Các địa phương thấy được tiềm năng, thế mạnh để có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương. Chương trình OCOP được tổ chức, triển khai tương đối đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu và góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng NTM. Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm, vùng nguyên liệu và lao động địa phương; tạo được lợi thế, cơ hội để phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông thôn, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân” - ông Phạm Thái Bình đánh giá.

Đến nay, toàn tỉnh An Giang đã thực hiện đánh giá, phân hạng và công nhận được 125 sản phẩm OCOP của 86 chủ thể kinh tế. Đến năm 2025, An Giang phấn đấu có thêm 170 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có thêm 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao - cấp quốc gia.

NGÔ CHUẨN