An Giang khai thác lợi thế xuất khẩu

22/08/2024 - 06:32

 - Mặc dù còn những thách thức nhất định nhưng theo dự báo, tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của An Giang từ nay đến cuối năm 2024 tiếp tục khả quan. Bên cạnh các thị trường lớn, truyền thống, những thị trường mới, giá trị cao cũng đang mở rộng nhờ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết.

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp Philippines khảo sát ngành hàng lúa gạo An Giang để xúc tiến hợp tác

Sức hút mặt hàng gạo

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh thu hoạch gần xong 228.139ha lúa vụ hè thu 2024. Dù tình hình thời tiết, dịch hại có một số bất lợi nhưng năng suất lúa vẫn đảm bảo. Điều quan trọng là giá lúa hè thu được duy trì ở mức khá cao và có chiều hướng tăng khi vào thu hoạch chính vụ.

Giá lúa một số giống chủ lực ghi nhận vào giữa tháng 8/2024, như sau: Đài Thơm 8 từ 8.300 - 8.400 đồng/kg, OM5451 từ 8.000 - 8.150 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800 - 8.000 đồng/kg, IR50404 từ 7.500 - 8.000 đồng/kg; riêng OM18 từ 8.300 - 8.400 đồng/kg, tăng khá so đầu tháng 8.

Trong khi đó, gạo thường bán lẻ có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm Thái hạt dài từ 20.000 - 21.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine từ 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 20.000 đồng/kg...

Tiếp đà thuận lợi của lúa gạo, ngành nông nghiệp đang tập trung xuống giống vụ thu đông 2024, với kế hoạch sản xuất 148.976ha lúa. Dự báo, lúa thu đông có thể đóng góp sản lượng khoảng 1 triệu tấn, đưa tổng sản lượng lúa năm 2024 đạt khoảng 4 triệu tấn, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu.

Theo Sở Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của An Giang đạt 642,9 triệu USD, tăng 6,45% so cùng kỳ. Trong đó, mặt hàng gạo tiếp tục khẳng định thế mạnh sản lượng xuất khẩu đạt trên 231.000 tấn, tương đương 143,3 triệu USD, tăng 4% về lượng và tăng 14% về kim ngạch.

Giá xuất khẩu tiếp tục được duy trì cao, với loại gạo 5% tấm đạt 569 USD/tấn; gạo 25% tấm xuất khẩu giá 547 USD/tấn; riêng gạo Nhật giá xuất khẩu hơn 920 USD/tấn. Thị trường xuất khẩu gạo của các DN trong tỉnh chiếm tỷ trọng cao nhất là thị trường Châu Á (Indonesia, Singapore, Philippines, Malaysia...) chiếm hơn 90%; thị trường Châu Âu chiếm khoảng 4% (Anh, Đức, Phần Lan...); Châu Phi khoảng 4% (Ghana, Mozambique...) và Châu Đại Dương.

Các mặt hàng đều tăng

Bên cạnh “phong độ” của mặt hàng gạo, một sản phẩm chủ lực khác của An Giang là cá tra cũng có bước phục hồi. Ghi nhận 6 tháng đầu năm, thủy sản xuất khẩu đạt gần 81.000 tấn (chủ yếu là cá tra), tương đương 152,7 triệu USD, tăng 1,2% về sản lượng và tăng 2,1% về kim ngạch.

Các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu vào thị trường cao nhất là Châu Á, chiếm tỷ trọng 60% (Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Ấn Độ...), Châu Mỹ gần 20% (Colombia, Brazil, Hoa Kỳ...), Châu Âu khoảng 17% (Nga, Ukraine, Tây Ban Nha...), còn lại là Châu Đại Dương và Châu Phi.

Trong khi đó, xuất khẩu rau quả 6 tháng đạt trên 68.000 tấn, tương đương 34,9 triệu USD, tăng 14,7% về kim ngạch so cùng kỳ. Tín hiệu tích cực là sản lượng xuất khẩu của DN chỉ 13.800 tấn nhưng kim ngạch đạt 22,6 triệu USD, tăng gấp 2,3 lần so cùng kỳ, tập trung vào các thị trường Malaysia, Đài Loan, Ba Lan, Bỉ, Hồng Kông...

Ghi nhận từ đầu năm đến nay, các DN may mặc hồi phục nhanh, có nhiều hơn đơn đặt hàng từ Hoa Kỳ và các nước Châu Âu. Ước xuất khẩu may mặc 6 tháng đạt 118,2 triệu USD, tăng 10,3% so cùng kỳ. Sản phẩm hàng may mặc xuất khẩu vào thị trường Châu Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 56% (Hoa Kỳ, Mexico...), Châu Âu khoảng 36% (Nga, Đức, Bỉ, Anh...), còn lại là Châu Á (Trung Quốc, Hồng Kông...). Với mặt hàng giày dép, xuất khẩu đạt gần 97 triệu USD, tăng 12,3%; thị trường chủ yếu là Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Nhật, Hà Lan...

Thị trường lúa gạo có nhiều thuận lợi

Cơ hội thị trường

Cùng xu hướng với thị trường trong nước, các thương nhân cho biết, gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức 565 USD/tấn, tăng so với mức 560 USD/tấn đầu tháng 8/2024. Với diễn biến thời tiết, thiên tai phức tạp, sản lượng lương thực nhiều nước giảm, tình hình bất ổn chính trị một số khu vực trên thế giới tiếp tục căng thẳng, dẫn đến nhu cầu lương thực tăng.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, Philippines vừa ký lệnh giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 15%, nhằm hỗ trợ các nhà nhập khẩu tăng cường nhập khẩu gạo. Từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu gạo vào Philippines và Indonesia tiếp tục tăng.

“Dự báo xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh từ nay đến cuối năm 2024 tiếp tục khả quan, bởi các thị trường lớn, như: Trung Quốc, Indonesia, Philippines; các thị trường có lợi thế với các hiệp định thương mại tự do (FTA), như: Liên minh Châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nhật Bản; các thị trường phát triển có nhiều tiềm năng, như: Hoa Kỳ, các quốc gia Trung Đông vẫn có nhu cầu lớn” - ông Nguyễn Minh Hùng đánh giá.

Trước nhiều cơ hội và cả thách thức đan xen, để tận dụng thời cơ xuất khẩu, Sở Công Thương sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, phối hợp các sở, ngành đề xuất UBND tỉnh về chương trình hợp tác với Tập đoàn Logistics của Dubai nhằm hỗ trợ DN xuất của An Giang khai thác các dịch vụ logistics, giảm chi phí, tăng xuất khẩu.

Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ DN xuất khẩu giữ vững thị trường truyền thống, khai thác, mở rộng thị trường tiềm năng trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết; đề xuất Bộ Công Thương rà soát các FTA, điều chỉnh, bổ sung danh mục chủng loại gạo Việt Nam có giá trị, chất lượng cao vào danh mục sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan.

Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình chính sách biên mậu; kịp thời dự báo, nhận định và triển khai các giải pháp kịp thời để hỗ trợ, đồng hành, định hướng cho DN thích ứng linh hoạt, ổn định và phát triển hoạt động thông quan hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, thường xuyên trao đổi thông tin tình hình hoạt động thông quan hàng hóa tại các chi cục hải quan từng cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, nhằm hỗ trợ DN thông quan nhanh, không để ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu...

Sở Công Thương phối hợp với sở, ngành liên quan, kiến nghị UBND tỉnh xem xét, quyết định thành lập Tổ công tác kinh tế đối ngoại tỉnh An Giang, làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo, nhất là kế hoạch đoàn ra - đoàn vào... nhằm hỗ trợ DN tiếp cận và phát triển thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.

NGÔ CHUẨN