An Giang: Liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu, cây ăn trái

03/01/2023 - 07:08

 - Với kết quả tích cực của mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau màu, tỉnh An Giang quyết định mở rộng sản phẩm rau màu trong năm 2013.

Sản xuất, chế biến đậu nành rau xuất khẩu

Vừa qua, UBND huyện Chợ Mới phối hợp Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) ký kết hợp tác xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu, cây ăn trái. Theo thỏa thuận hợp tác, giai đoạn 2023-2025, đôi bên liên kết sản xuất và tiêu thụ dự kiến 25.690ha bắp non, đậu nành rau và các loại rau, quả khác, sản lượng dự kiến gần 49.000 tấn/năm.

Cùng với đó, hỗ trợ nguồn lực thực hiện chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất rau màu; hỗ trợ mới doanh nghiệp (DN) hợp tác chế biến sản phẩm từ rau màu có thế mạnh phù hợp đặc thù của huyện. Hợp tác với DN tiêu thụ bò thịt, bò giống để phát triển đàn bò, tăng thêm thu nhập cho nông dân và ổn định diện tích bắp non trên địa bàn…

Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Vũ Minh Thao khẳng định, đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng với huyện có diện tích rau màu và cây ăn trái lớn như Chợ Mới. Huyện sẽ tạo mọi điều kiện để Antesco tổ chức sản xuất theo kế hoạch tại vùng nguyên liệu. Đồng thời, chỉ đạo ngành chuyên môn, UBND địa phương vận động nông dân hợp tác thí điểm chuỗi liên kết bền vững ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất rau màu đã liên kết và có thế mạnh tại địa phương; hỗ trợ thủ tục cho DN mở rộng diện tích, nâng cấp hệ thống dây chuyền sản xuất hiện có.

Tiếp đó, Công ty Antesco ký kết biên bản ghi nhớ với UBND huyện Phú Tân. Cụ thể, vụ đông xuân 2022-2023, tiếp tục phối hợp liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu 102,8ha, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo nhu cầu DN, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất, tăng thu nhập nông hộ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Quốc Bảo cho rằng, địa phương sẽ tiếp tục phát triển mới, củng cố tổ hợp tác hiện có, tiến tới thành lập hợp tác xã nông nghiệp rau màu ở vùng liên kết với Antesco, gắn với mở rộng diện tích và DN tham gia hợp tác xã. Trong khuôn khổ liên kết, Công ty Antesco hỗ trợ huyện Phú Tân đầu tư hạ tầng thủy lợi gắn với giao thông nội đồng, phục vụ nhu cầu sản xuất rau màu.

Trước đó, Công ty Antesco triển khai ký kết tiêu thụ xoài keo cho nông dân huyện An Phú. Dự kiến, công ty tiêu thụ khoảng 10.500 tấn xoài trên diện tích 350ha. Ở huyện An Phú, Antesco triển khai được 70ha, tổng sản lượng khoảng 2.100 tấn, số còn lại thực hiện trong vụ đông xuân 2022. Mức giá bao tiêu được đề xuất 5.500 đồng/kg (đối với xoài trái vàng); 4.500 đồng/kg (xoài trái xanh). Nếu giá thị trường cao hơn giá ký kết, công ty sẽ thỏa thuận mua theo giá thị trường. Trường hợp giá thấp hơn giá ký kết, công ty sẽ mua bằng giá đã ký kết.

Tuy nhiên điều kiện đặt ra là, nông dân sẽ thực hiện theo quy trình canh tác, hướng dẫn của công ty, nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, rau màu, xoài phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và đạt trọng lượng quy định.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ: “Năm 2022, công ty đầu tư 130 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng Nhà máy Mỹ An (huyện Chợ Mới), nâng cấp Nhà máy Bình Long (huyện Châu Phú) và cải tạo Nhà máy Bình Khánh (TP. Long Xuyên). Năm 2023, công ty đầu tư 175 tỷ đồng để nâng cấp các nhà máy này. Công ty cam kết liên tục xây dựng, phát triển diện tích vùng trồng và đầu ra cho bà con nông dân; làm cho nông dân đạt lợi nhuận trên mảnh đất mình đang canh tác”.

Thời gian qua, mô hình chuỗi liên kết giúp DN, công ty đầu tư có được vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng, đồng đều về sản phẩm, có điều kiện kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm và đáp ứng được yêu cầu thị trường. Nông dân tham gia chuỗi liên kết, được hưởng lợi từ chi phí đầu tư giảm, do áp dụng quy trình gieo trồng của công ty, được hỗ trợ khâu vận chuyển, giống...

Nông dân chủ động hơn khi biết trước và được thỏa thuận về giá bán với người tiêu thụ, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích của 2 bên; bảo đảm tính an toàn bằng hợp đồng nguyên tắc. Thực hiện chuỗi liên kết, nông dân dần chuyển từ tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô, định hướng theo thị trường, góp phần cho sản phẩm rau, màu của tỉnh ổn định đầu vào và đầu ra, giải được bài toán “trúng mùa, mất giá”.

Theo kế hoạch năm 2023, diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ của Antesco trên địa bàn tỉnh đạt 7.000ha bắp non, 500ha đậu nành rau, 300ha xoài keo, 100ha bắp ngọt; 60ha đậu bắp Nhật, ớt và khoai môn.

HẠNH CHÂU