Phát triển ổn định
Phần lớn các làng nghề hoạt động sản xuất quanh năm, một số ít làng nghề sản xuất mang tính thời vụ, như: Lọp lươn Cần Đăng, lọp cua Mỹ Đức... thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu trong nước. Một số cơ sở tích cực tìm kiếm thị trường thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm, như: Đường thốt nốt, rèn, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ…
4 lĩnh vực ngành nghề nông thôn: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, cơ khí nhỏ; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn cũng đạt nhiều kết quả.
Năm 2022, doanh thu của các cơ sở ngành nghề nông thôn đạt 810 tỷ đồng (năm 2021 là 690 tỷ đồng), gồm 6 doanh nghiệp (DN), 2 hợp tác xã và 2.801 hộ SXKD, giải quyết việc làm cho 9.110 lao động; thu nhập bình quân từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Làng nghề lò trấu xã Long Điền B và làng nghề đóng xuồng ghe xã Mỹ Hiệp
Điển hình như làng nghề mộc chợ Thủ ở xã Long Điền A (huyện Chợ Mới), được mệnh danh "đệ nhất làng mộc" bởi có nhiều nghệ nhân với kỹ thuật điêu khắc tinh xảo. Ông Trần Minh Đoàn (đại diện làng nghề) cho biết: “Năm 2006, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận với hơn 1.000 cơ sở, khoảng 2.000 thợ. Từ cái nôi này, nghề mộc phát triển ra 4 xã lân cận của huyện Chợ Mới, với hơn 1.700 hộ, gần 3.000 lao động”.
Những người theo nghề hơn 40 - 50 năm chia sẻ, nếu có đôi tay khéo léo sẽ học và làm chạm trổ, còn không sẽ làm thợ mộc, làm ra những vật dụng sinh hoạt thường ngày. Hàng chục công đoạn được các gia đình chia nhau làm, thu nhập ổn định, khá cao. Hiện, nghề mộc được máy móc hỗ trợ rất nhiều nhất là các kỹ thuật khắc CNC (khắc máy) từ 3D đến 4D. Vì thế, sản phẩm của làng nghề chợ Thủ có độ tinh xảo pha lẫn nét mộc và truyền thống, không lạm dụng khắc máy như các nơi khác.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, các lĩnh vực ngành nghề nông thôn, làng nghề được duy trì hoạt động ổn định và có sự phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo ở nông thôn. 19/29 làng nghề thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường, 12/29 làng nghề đưa nội dung bảo vệ môi trường làng nghề vào hương ước, quy ước của địa phương.
Việc thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường tại các làng nghề được thu gom, xử lý tốt. Công tác xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu được một số cơ sở làng nghề quan tâm, thực hiện, như: Sản phẩm tơ lụa Tân Châu, sản phẩm dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo, sản phẩm tinh dầu chúc Yến Hương...
Một số cơ sở mạnh dạn đầu tư máy móc, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, các sản phẩm thuộc nhóm ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường như chế biến các sản phẩm từ thủy sản: Khô, mắm, nước mắm, bún, rượu... đã quan tâm đến việc xử lý chất thải để bảo vệ môi trường, tiến tới tham gia sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) nhằm tăng khả năng cạnh tranh.
Việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu được một số cơ sở làng nghề quan tâm; hoạt động truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề được liên kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề với DN. Sự phát triển của du lịch làng nghề là yếu tố quan trọng góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề được thực hiện thông qua các hoạt động hỗ trợ đào tạo tập huấn; ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Công tác xúc tiến thương mại cũng góp phần duy trì và phát triển làng nghề.
Khôi phục và phát triển
Để duy trì SXKD và nâng cao chất lượng sản phẩm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống giai đoạn 2023 - 2025. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư: “Tỉnh sẽ khôi phục, phát triển, công nhận ít nhất 1 làng nghề, làng nghề truyền thống; thực hiện tốt các dự án phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống theo từng ngành nghề, lĩnh vực”.
Hỗ trợ cơ sở ngành nghề, làng nghề xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại... Hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phát triển sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề phù hợp thị trường tiêu thụ gắn với phát triển du lịch. Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích thành lập mới các DN, hợp tác xã, tổ hợp tác để nâng cao năng lực sản xuất...
HẠNH CHÂU