An Giang phát triển nông nghiệp xanh, bền vững

15/09/2023 - 06:46

 - Trong định hướng phát triển “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Chương trình hành động 23-CTr/TU, ngày 5/5/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang, UBND tỉnh xác định: “Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, để thực hiện giải pháp này, tỉnh tập trung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp.

An Giang cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, phù hợp với Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về trồng trọt, An Giang định hướng phát triển theo hướng hữu cơ, bền vững, phát triển các vùng trọng điểm, chuyên canh sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái; tổ chức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Tỉnh tham gia có hiệu quả Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL của Bộ NN&PTNT, nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân, tạo ra sản phẩm an toàn, cải thiện môi trường, sức khỏe của người dân, tăng tính cạnh tranh và thương hiệu gạo An Giang. Tổng diện tích của tỉnh An Giang đăng ký đề án đến năm 2025 là 103.668ha, đến năm 2030 là 152.985ha.

Nhằm đảm bảo an ninh lương thực, tỉnh sẽ duy trì ổn định diện tích đất canh tác lúa mỗi năm ít nhất 200.000ha, sản lượng ít nhất 3,5 triệu tấn lúa, đảm bảo nông dân chuyên canh lúa có lợi nhuận bình quân trên 35% so với giá thành sản xuất.

An Giang hướng đến nền nông nghiệp bền vững

Về chăn nuôi, tỉnh mở hướng và tạo nền tảng phát triển các sản phẩm chăn nuôi, gắn với công nghệ chế biến thịt, sữa và các sản phẩm từ thịt, sữa; nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Đồng thời, nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi được giết mổ tập trung công nghiệp, chế biến, chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Toàn tỉnh triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2045, nhằm phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, phấn đấu đưa chăn nuôi An Giang đạt tầm tiên tiến trong khu vực ĐBSCL vào năm 2030.

Cùng với đó, triển khai các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bò thịt, phát triển mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản cung cấp con giống trên địa bàn tỉnh; phát triển hệ sinh thái chăn nuôi heo gắn với chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; phát triển hệ sinh thái chăn nuôi bò sữa gắn với chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Về thủy sản, phấn đấu tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, xúc tiến xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ cá tra xuất khẩu. Thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh đặt mục tiêu là tăng trưởng thủy sản ít nhất trên 6%/năm, tăng trưởng tập trung chủ yếu nhóm sản phẩm chủ lực cá tra, cá giống và một số đối tượng có tiềm năng. An Giang nâng cấp, mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra thương phẩm theo hướng hoàn thiện liên kết chuỗi giá trị, từ con giống, nuôi thương phẩm, chế biến, tiêu thụ; xây dựng chuỗi liên kết cá tra 3 cấp vùng ĐBSCL...

UBND tỉnh phối hợp Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án phát triển trung tâm đầu mối ở An Giang gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt, nhằm tranh thủ các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng từ sản xuất, chế biến, lưu thông đến tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh hỗ trợ cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, từng bước tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp ở những vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Cùng với đầu tư mạnh cho thủy lợi vùng đồng bằng và vùng Bảy Núi, tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, tạo ra một hệ thống đồng bộ và liên hoàn, có khả năng phát triển bền vững, liên kết các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực sản xuất tập trung, các trung tâm hành chính và các cụm dân cư.

Từ đó, đảm bảo liên thông hệ thống giao thông phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh và chuyển dịch cơ cấu sản xuất hiện đại. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu 100% các tuyến đường huyện, đường thôn, xóm, đường trục chính ra đồng được cứng hóa bằng nhựa, bê-tông hoặc ít nhất là cấp phối đá dăm.

Đến năm 2027, hoàn thành đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1). Định hướng đến năm 2030, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông cơ bản hoàn thiện theo quy hoạch, đảm bảo kết nối thuận tiện, an toàn, thông suốt với các địa phương trong khu vực.

HOÀNG XUÂN