An Giang phát triển sản phẩm chủ lực, đặc thù

05/07/2024 - 06:58

 - An Giang xác định phát triển sản phẩm chủ lực, đặc thù, có lợi thế của tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) giai đoạn 2016 - 2024. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, đặc thù, có lợi thế của địa phương, góp phần phát triển KTXH, nâng cao đời sống người dân.

Sản phẩm OCOP

Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại

 Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, với mục tiêu của tỉnh là xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, phát triển bền vững, góp phần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời, phát triển nông nghiệp hàng hóa, tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, đề án về thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực, đặc thù, có lợi thế của địa phương để phát triển các sản phẩm chủ lực (lúa, xoài, rau màu, cá tra…) và các ngành hàng có tiềm năng tại các địa phương.

Cùng với đó, phát triển tài sản trí tuệ, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm chủ lực và đặc thù của địa phương, phát triển KTXH toàn diện và bền vững.

Giai đoạn 2016 - 2024, tình hình sản xuất - kinh doanh các sản phẩm chủ lực của địa phương được tỉnh đặc biệt quan tâm và đạt những kết quả nhất định. Trong đó, lúa gạo thu hoạch gần 4,1 triệu tấn lúa, tăng 3,58% so cùng kỳ. Năng suất bình quân cả năm hơn 6,6 tấn/ha.

Một số địa phương chuyển sang trồng nếp và các giống lúa chất lượng cao, như: Đài Thơm, lúa Nhật, DS1, Nàng Hoa, Jasmines... thay cho các giống lúa thường. Tình hình tiêu thụ lúa gạo có nhiều thuận lợi, giá lúa, nếp ở mức cao, năng suất lúa cao hơn cùng kỳ, nông dân được mùa, trúng giá… Song, tỷ lệ sản xuất theo liên kết và sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn vẫn còn khá thấp so tổng diện tích sản xuất.

Tổng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh hiện có khoảng 21.700ha. Trong đó, diện tích cây ăn trái chiếm ưu thế với diện tích 19.700ha (chiếm 90,54% tổng diện tích cây lâu năm). Trong tổng diện tích cây lâu năm hiện có, diện tích cho sản phẩm hơn 17.200ha, gồm: Xoài 12.303ha (chiếm 56,64% tổng diện tích cây lâu năm), diện tích cho sản phẩm 10.606ha; chuối 656ha (chiếm 3% tổng diện tích cây lâu năm), diện tích cho sản phẩm 540ha; cây nhãn 522ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 381ha...

Tình hình chăn nuôi tương đối ổn định và có tăng trưởng nhẹ. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt, tạo yên tâm cho người chăn nuôi. Hình thức nuôi gia công cho DN ngoài tỉnh ngày càng phổ biến nên quy mô đàn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, do nguồn cỏ tự nhiên giảm nên quy mô đàn trâu, bò có xu hướng giảm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 40.100 tấn. Trong đó, sản lượng thịt hơi trâu, bò xuất chuồng khoảng 7.000 tấn; thịt gia cầm khoảng 14.800 tấn.

Diện tích nuôi cá tra đạt 2.010ha. Trong đó, diện tích thu hoạch 1.856ha, giá bán cá tra nguyên liệu dao động từ 28.000 - 30.000 đồng/kg, với mức giá bán này đối với hộ nuôi có lợi nhuận, riêng các DN có chu trình sản xuất khép kín sẽ lợi nhuận cao hơn. Đồng thời, diện tích nuôi cá tra hiện nay hầu hết thuộc các vùng nuôi của DN.

Đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ

“Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã đóng góp tích cực trong phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, năng suất cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, đưa An Giang trở thành một trong những tỉnh có lượng lúa gạo, cây ăn trái, cá tra... đứng hàng đầu trong cả nước. Đồng thời, duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành, tạo việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn, đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng nông thôn mới” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đánh giá.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc thù, có lợi thế theo hướng tập trung hiệu quả, bền vững gắn với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Gắn sản xuất với phát triển chế biến, ứng dụng khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, phương thức tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trên cơ sở bám sát nhiệm vụ phát triển KTXH của tỉnh, ưu tiên các đề tài, dự án phục vụ các chương trình, đề án trọng tâm phát triển sản phẩm chủ lực, đặc thù, có lợi thế tại địa phương. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tổ chức, đơn vị nghiên cứu khoa học; chủ động phối hợp các viện, trường nghiên cứu đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, góp phần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đổi mới công nghệ trong sản xuất nhằm thúc đẩy phát triển KTXH của địa phương. Thúc đẩy hoạt động đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp và tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục duy trì và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được chứng nhận, phát triển sản phẩm chủ lực, đặc thù, có lợi thế của tỉnh.

THU THẢO