An Giang tăng cường liên kết, hướng đến chăn nuôi lớn

25/01/2024 - 06:14

 - Những mô hình chăn nuôi tập trung theo hình thức gia trại, trang trại, liên kết nuôi gia công cho thấy hiệu quả tốt hơn chăn nuôi nhỏ lẻ, bởi dễ ứng dụng công nghệ quản lý tiên tiến, kiểm soát tốt dịch bệnh, tiết kiệm chi phí, chất lượng đồng đều. Chăn nuôi tập trung cũng là khuynh hướng mà An Giang đang khuyến khích.

An Giang từng có tổng đàn bò tương đối lớn ở vùng Bảy Núi, vùng cù lao Chợ Mới nhưng thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ tỏ ra “đuối sức” trước sự cạnh tranh của bò ngoại nhập vốn được chăn nuôi tập trung với quy mô lớn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY An Giang), trên địa bàn tỉnh hiện không có trang trại bò quy mô lớn (trên 300 con/trại); có được 53 trang trại quy mô vừa (từ 30 - 300 con/trại), số lượng 2.765 con (chiếm 5,5% so tổng đàn); 584 trang trại quy mô nhỏ (từ 10 - 30 con/trại), số lượng 7.597 con (chiếm 15,2%); còn lại là 12.692 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (dưới 10 con/hộ), số lượng 39.638 con (chiếm 79,3% so tổng đàn). Tính chung, tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh hiện có 50.000 con, giảm 500 con so cùng kỳ.

Ngược lại với khuynh hướng giảm của đàn bò, quy mô đàn heo tăng trưởng tốt. Ước đàn heo toàn tỉnh có khoảng 136.537 con (bao gồm heo con chưa tách mẹ), tăng 9.937 con so cùng kỳ, trong đó đàn heo thịt 85.000 con, tăng 20,57% (tương đương tăng 14.500 con). Kết quả này có được nhờ những doanh nghiệp (DN) lớn như Tập đoàn Trường Hải đẩy mạnh đầu tư các trại heo giống, heo thịt chăn nuôi tập trung; Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam tăng cường liên kết theo hình thức nuôi gia công, kiểm soát quy trình nuôi theo tiêu chuẩn chất lượng.

Theo Chi cục CN&TY An Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 trang trại heo quy mô lớn (trên 1.500 con/trại), số lượng 22.752 con (chiếm 16,7% so tổng đàn); 10 trang trại quy mô vừa (từ 150 - 1.500 con/trại), với 3.264 con (chiếm 2,4%); 127 trang trại quy mô nhỏ (từ 50 - 150 con/trại), số lượng 8.602 con (chiếm 6,3%); 2.612 hộ chăn nuôi nông hộ (dưới 50 con/hộ), với 101.919 con (chiếm 74,6%).

Với chăn nuôi gia cầm, khuynh hướng cũng đang dịch chuyển sang trang trại tập trung. Đối với chăn nuôi gà, có 2 trang trại quy mô lớn (trên 60.000 con/trại), số lượng 135.000 con (chiếm 4,9% so tổng đàn); 6 trang trại quy mô vừa (trên 6.000 con/trại), 143.000 con (chiếm 5,2%); 4 trang trại quy mô nhỏ (từ 2.000 - 6.000 con/trại), 12.000 con (chiếm 0,4%); 6.491 hộ chăn nuôi nông hộ (dưới 2.000 con/hộ), số lượng 2.454.800 con (chiếm 89,4%).

Đối với chăn nuôi vịt, có 22 trang trại quy mô vừa (trên 6.000 con/trại), 231.800 con (chiếm 5,5%); 163 trang trại quy mô nhỏ (từ 2.000 - 6.000 con/trại), 476.728 con (chiếm 11,4%); 1.326 hộ chăn nuôi nông hộ (dưới 2.000 con/hộ): có / 3.491.472 con (chiếm 83,1%). Tính chung, đàn gia cầm hiện có khoảng 6,9 triệu con, tăng 16,95% so cùng kỳ (tăng 1 triệu con), trong đó đàn gà 2,25 triệu con, tăng 18,42%, tương đương tăng 350.000 con (chủ yếu do tăng đàn gà của các DN và hộ nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam).

Chi cục trưởng Chi cục CN&TY An Giang Trần Tiến Hiệp cho biết, trên địa bàn tỉnh có 8 xã ở các huyện Thoại Sơn, Châu Phú, Tri Tôn, TX. Tịnh Biên và TP. Châu Đốc liên kết nuôi gia công heo thịt, gà thịt và vịt thịt cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, gồm: Nuôi heo thịt 10.050 con/3 trại gà thịt 295.000 con/6 trại; vịt thịt 90.000 con/3 trại.

Năm 2024, ngành CN&TY tiếp tục duy trì, phát triển các trại chăn nuôi heo thịt, gà thịt, vịt thịt có thực hiện liên kết sản xuất với các DN tiêu thụ; xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ bò thịt, bò sinh sản, bò sữa, heo. Đồng thời, triển khai thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 - 2025.

Việc phát triển chăn nuôi tập trung đã đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng chăn nuôi (GO) năm 2023 của ngành chăn nuôi, với mức tăng khoảng 203,4 tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó, chăn nuôi heo thịt tăng 54.000 con (trại heo Thagrico tăng 7.000 con heo thịt và thả nuôi 2.000 heo hậu bị, cung cấp khoảng 44.000 con heo giống/năm; trại heo Xanh Việt tại huyện Thoại Sơn thả nuôi 3.000 con heo thịt), kéo GO tăng 162 tỷ đồng; chăn nuôi vịt thịt tăng khoảng 105.000 con (trại vịt tại Lương Phi lứa 1 thả nuôi 15.000 con, 3 lứa còn lại thả nuôi 30.000 con/lứa, tổng vịt thịt xuất chuồng 105.000 con), kéo GO tăng 8,51 tỷ đồng.

Với gà thịt, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Châu Phú thả nuôi lứa 1 là 20.000 con, 3 lứa còn lại thả nuôi 40.000 con/lứa, tổng gà thịt xuất chuồng 140.000 con, kéo GO tăng khoảng 7,73 tỷ đồng. Với gà đẻ trứng, trại gà đẻ An Tâm (huyện Châu Phú) quy mô 5.000 con gà đẻ, khoảng 750.000 quả trứng, kéo GO tăng khoảng 2,55 tỷ đồng. Trong khi đó, tăng đàn trong dân khoảng 200 con bò thịt, GO tăng khoảng 7 tỷ đồng; sản phẩm tổ chim yến tăng khoảng 1,2 tấn, GO tăng 15,6 tỷ đồng.

Năm 2024, tỉnh An Giang tiếp tục phát triển chăn nuôi quy mô tập trung, trang trại, nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn dịch bệnh để tăng hiệu quả chăn nuôi. Trong đó, chăn nuôi heo đạt khoảng 120.000 con, tăng 0,57% so năm 2023; đàn gà đạt khoảng 2,2 triệu con (giữ ổn định), đàn thủy khoảng 4,6 triệu con (tăng 2,22%); đàn bò thịt khoảng 55.000 con, tăng 11,56% (tăng 5.700). Từ đó, đưa tăng trưởng chăn nuôi năm 2024 tăng khoảng 244,3 tỷ đồng so năm 2023.

NGÔ CHUẨN