An Giang tăng cường phòng, chống dịch bệnh, bình ổn thị trường

05/08/2021 - 06:27

 - Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, đặc biệt là thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành công thương An Giang đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung-cầu, phòng chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại... Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chủ động phòng, chống dịch bệnh tại nơi sản xuất.

Nguồn hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm mua sắm dồi dào, đảm bảo nhu cầu của người dân

Đảm bảo nhu cầu hàng hóa

Để đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngành công thương An Giang đã triển khai kịp thời các chỉ đạo của bộ, ngành Trung ương và địa phương. Trong đó, tập trung triển khai các giải pháp ổn định sản xuất công nghiệp, bình ổn thị trường trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.

Theo đó, Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành và DN xây dựng chương trình bình ổn thị trường nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường; phòng, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 20 DN đăng ký tham gia bình ổn thị trường với 94 điểm bán hàng bình ổn được bố trí khắp các địa bàn.

Trong đó có 7 siêu thị, 60 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 14 cửa hàng Vinmart+, 4 cửa hàng chuyên kinh doanh gạo và 11 cửa hàng bán thịt heo của Công ty C.P. Các điểm bán hàng này cung cấp các mặt hàng thiết yếu, như: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, khẩu trang, dung dịch rửa tay sát khuẩn... Ngoài ra, còn có trên 300 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) tham gia bình ổn thị trường.

Nguồn hàng thiết yếu trong kho tại các điểm kinh doanh của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh phong phú. Lượng hàng hóa có thể cung ứng cho người dân mua hàng liên tục từ 7-10 ngày. Các đơn vị này chủ động điều tiết nguồn hàng về mỗi ngày, đảm bảo cung ứng cho người dân trước mọi tình huống của dịch bệnh COVID-19 trong thời gian từ 1-2 tháng. Đặc biệt, các đơn vị đẩy mạnh chương trình bán hàng qua điện thoại, trực tuyến và giao hàng tận nơi cho khách hàng. Tại các chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm còn tổ chức triển khai phát phiếu mua hàng 2-3 lần/tuần theo chỉ đạo của UBDN tỉnh.

Để tránh xảy ra gián đoạn, đứt gãy nguồn cung, khan hiếm hàng hóa cục bộ, Sở Công thương còn làm việc với các sở ngành và đề xuất UBND tỉnh xem xét ưu tiên tạo “luồng xanh” cho các phương tiện phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu...

Phòng,chống dịch trong doanh nghiệp

Thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, đặc biệt là thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg đã khiến hoạt động sản xuất của các cơ sở, DN gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Sở Công thương đã tăng cường tổ chức các hoạt động giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, DN trong thực hiện các giải pháp nhằm duy trì sản xuất - kinh doanh ổn định, an toàn.

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, đơn vị đã rà soát, nắm tình hình hoạt động của DN đảm bảo thực hiện giảm quy mô hoạt động, thực hiện theo nguyên tắc “3 tại chỗ”. Hiện nay, tổng số DN trong và ngoài khu, cụm công nghiệp là 325. Trong đó, có 207 DN đang hoạt động đảm bảo thực hiện nguyên tắc “3 tại chỗ”, 109 DN ngưng hoạt động.

Sở Công thương còn xây dựng kế hoạch kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19 tại một số DN trong và ngoài cụm công nghiệp; kiểm tra các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra đã hướng dẫn các DN thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế, thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch. Đồng thời, hướng dẫn các DN khắc phục những hạn chế để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Ngoài các biện pháp hỗ trợ sản xuất, bình ổn thị trường, ngành công thương còn tuyên truyền thực hiện thông điệp “5K”, cài đặt và sử dụng các ứng dụng khai báo điện tử tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các DN sản xuất… để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại những nơi tập trung đông người.

Thời gian tới, ngành công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động bình ổn thị trường đến người dân, tiếp tục phối hợp sở, ngành liên quan hỗ trợ các DN vận chuyển hàng hóa thiết yếu, đảm bảo hàng hóa thông suốt và quy định phòng, chống dịch. Đồng thời, xem xét hỗ trợ các DN thực hiện cấp giấy nhận diện cho phương tiện, tạo “luồng xanh” cho các phương tiện vận chuyển được ưu tiên khi lưu thông qua các khu vực kiểm soát dịch...

Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên chỉ số ngành công thương tháng 7-2021 đạt 97,65% so với tháng trước và tăng 5,95% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.956 tỷ đồng (đạt 93,42% so tháng trước, tăng 2,6% so cùng kỳ); tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 95,01 triệu USD (bằng 93,52% so tháng trước và tương đương so cùng kỳ).


ĐỨC TOÀN