An Giang tăng cường phòng, chống tham nhũng

03/05/2022 - 08:10

 - Những tháng đầu năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng đã được các cấp ủy Đảng, các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm và có sự chuyển biến tích cực. Việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai toàn diện và tích cực hơn; công tác thanh tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng được duy trì; vai trò, trách nhiệm của xã hội trong đấu tranh phòng ngừa tham nhũng ngày càng thực chất hơn.

Nhiều kết quả tích cực

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, thời gian qua, các cơ quan, tổ chức, địa phương tăng cường thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, nhất là triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống tham nhũng; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng.

Các cấp, ngành và địa phương thường xuyên niêm yết công khai, minh bạch kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị; dự toán, quyết toán kinh phí, ngân sách nhà nước; đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công; công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đào tạo, bồi dưỡng; công tác thi đua, khen thưởng; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở… Nhất là, công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhằm ngăn chặn tiêu cực, nhũng nhiễu.

Hội nghị tổng kết công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2021

Các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm tác phong, đạo đức, trang phục, giờ giấc; có thái độ ứng xử giao tiếp lịch sự, nhất là cán bộ thường xuyên tiếp xúc, giải quyết hồ sơ, công việc với người dân và doanh nghiệp... Thực hiện Nghị định 59/2019/NĐ-CP, ngày 1/7/2019 của Chính phủ, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và địa phương đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 42 người thuộc thẩm quyền quản lý, nhằm phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Toàn tỉnh An Giang có 4.065 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập tại 48 đơn vị. Kết quả, có 4.032 người kê khai thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra tỉnh và 33 người thuộc thẩm quyền kiểm soát Thanh tra Chính phủ, đã công khai 100% bản kê khai theo quy định. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện kịp thời. Cơ quan điều tra các cấp thụ lý 3 vụ, liên quan 3 bị can, số tiền trên 5,1 tỷ đồng, về dấu hiệu “Tham ô tài sản”, “Vi phạm trong mua sắm tài sản công, xây dựng và đào ao nuôi cá trái phép” và hành vi “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

UBND tỉnh An Giang và các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các quy chế phối hợp; phát huy vai trò của các tổ chức này thông qua việc thực hiện chức năng giám sát hoạt động của địa phương, khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để quần chúng, tổ chức đoàn thể tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng. MTTQ các cấp thường xuyên giám sát việc tiếp dân của chủ tịch UBND cùng cấp, việc thực hiện công khai hoạt động của cơ quan nhà nước. Tiếp nhận và phân loại đơn thư của công dân chuyển tải, kiến nghị kịp thời tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết và giám sát việc giải quyết.

Qua công tác giám sát, MTTQ các cấp, Ban Thanh tra nhân dân, ban giám sát cộng đồng cơ sở đã kịp thời phát hiện, kiến nghị UBND các cấp và cơ quan có thẩm quyền thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng. Qua đó, góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời và làm giảm hành vi tham nhũng trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường phòng ngừa

“Việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thời gian qua đã góp phần ngăn chặn, từng bước loại bỏ dần điều kiện, cơ hội làm phát sinh tham nhũng trên tất cả lĩnh vực và trong các ngành, các cấp, đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách, đất đai, đầu tư công, giải quyết thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp. Từ đó, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, bộ máy trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả” - ông Trần Anh Thư cho biết.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, các ngành, địa phương tăng cường xử lý, ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; tăng cường phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt...

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Coi trọng công tác phòng ngừa trên cơ sở kết hợp chặt chẽ với xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, tham nhũng. Thực hiện tốt nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ. Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát đối với những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với hành vi tiêu cực, tham nhũng và trách nhiệm của người đứng đầu. Phối hợp tốt với các cơ quan của Đảng, cơ quan tư pháp; phát huy vai trò, trách nhiệm, sự tham gia, ủng hộ tích cực của toàn xã hội. Khi có thông tin của xã hội và người dân, cơ quan đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng có nhiệm vụ xác minh đầy đủ và kịp thời nguồn tin; có trách nhiệm trong việc bảo vệ bí mật đối với người tố cáo, tố giác tội phạm.

THU THẢO