Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, sở, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ những chủ trương của Đảng, chính sách nhà nước về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Công tác tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức, giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của các hộ vay vốn đối với khoản vay và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ khi vay vốn; sử dụng vốn đúng mục đích.
Cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương tích cực, chủ động chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình và kế hoạch hoạt động thường xuyên hàng năm. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác xác định đối tượng vay vốn, gắn vay vốn với các hoạt động đào tạo nghề, tạo việc làm…
Các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp các cơ quan khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp… cho các hộ dân, nhằm trang bị kiến thức và kỹ thuật mới để người dân áp dụng vào quá trình sản xuất - kinh doanh. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý đối với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn, từng bước đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng tại địa phương.

Thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội giúp người dân phát triển kinh tế. Ảnh: THANH HÙNG
Để đưa vốn tới người dân, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ban đại diện Hội đồng quản trị các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, xã, phường, thị trấn thực hiện hiệu quả việc ủy thác cho vay vốn. Đồng thời, chỉ đạo phòng giao dịch tích cực phối hợp các địa phương rà soát đối tượng có nhu cầu, tuyên truyền về chính sách đến người dân, nhanh chóng xem xét, thẩm định, giải ngân cho hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn.
Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 3.200 tổ tiết kiệm và vay vốn. Doanh số cho vay trong năm 2021 đạt 957 tỷ đồng, với 30.376 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay hộ nghèo 54,8 tỷ đồng, hộ cận nghèo 259,4 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 151 tỷ đồng, học sinh-sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 114 tỷ đồng; nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 169 tỷ đồng; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 106 tỷ đồng; hộ sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn 88 tỷ đồng; nhà ở xã hội 2,8 tỷ đồng; người sử dụng lao động vay trả lương 11 tỷ đồng; xuất khẩu lao động 1 tỷ đồng. Doanh số thu nợ trong năm 2021 đạt 636 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng 3.700 tỷ đồng, với 147.000 hộ có dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội, tăng 309 tỷ đồng so cuối năm 2020 (tăng 9,11%), bình quân 1 hộ có dư nợ 25,2 triệu đồng.
Nhìn chung, nguồn vốn tín dụng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; đặc biệt đã tập trung vốn vay tại các vùng khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Lãi suất ưu đãi tín dụng chính sách xã hội về cơ bản giữ được ổn định hoặc được điều chỉnh giảm, tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng yên tâm vay vốn. Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương, tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với các ngành hữu quan triển khai hiệu quả chiến lược phát triển KTXH địa phương, kế hoạch phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.
Tiếp tục phát triển hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo hướng ổn định, bền vững, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Phấn đấu hàng năm, dư nợ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 10%; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,5% tổng dư nợ. Đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn đều được vay vốn các chương trình tín dụng và tiếp cận các dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp. Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo, ổn định xã hội và phát triển KTXH của tỉnh.
Tín dụng chính sách xã hội là công cụ kinh tế hữu hiệu của nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều nhanh, bền vững; góp phần tích cực thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
|
THU THẢO