Tích cực nạo vét kênh mương phục vụ sản xuất
Thời điểm này, đơn vi thi công đang khẩn trương nạo vét tuyến kênh 24, là tuyến nối quan trọng dẫn nước từ kênh Vĩnh Tế, phục vụ tưới cho 1.264ha đất nông nghiệp đồng bằng và triền núi của xã Lê Trì (Tri Tôn, An Giang). Quan sát lòng kênh cho thấy, mực nước xuống thấp, nếu không nạo vét kịp thời, khó đảm bảo đủ nước tưới cho vụ hè thu 2021 và các trạm bơm cấp 1, 2, 3. Ở các vùng ruộng co bưng, gò cao và gần triền núi của các xã An Tức, Ô Lâm, Châu Lăng, Lương Phi, thị trấn Tri Tôn, những tuyến kênh Sườn 2, Sườn 8, Châu Lăng, Sà Lôn, kênh 16 cũng đã được nạo vét, cung cấp nước tưới mùa khô.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, về cơ bản, hệ thống kênh, đê bao, trạm bơm điện và bơm dầu ở các tiểu vùng trên địa huyện Tri Tôn đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ở những vùng đất gò cao, gần triền núi, khả năng thiếu nước phục vụ cho sản xuất và dân sinh nên huyện đã chủ động nạo vét kênh, mương, đầu tư thêm nhiều tuyến ống cấp nước trong mùa khô năm nay.
Với diện tích đất ruộng trên vùng Bảy Núi, phần nhiều chỉ sản xuất mỗi năm được 1 vụ, lệ thuộc vào nước mưa. Những năm gần đây, nhờ được đầu tư trạm bơm cấp 2, 3, đặc biệt là các hồ chứa nước vùng cao, nhiều diện tích có nước phục vụ sản xuất quanh năm, giúp nâng cao thu nhập cho người dân có đất ở vùng dự án, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.
Ông Văn cho biết, trên địa bàn huyện Tri Tôn hiện có 4 hồ chứa nước vùng cao đã được đầu tư với tổng dung tích chứa 1.453.000m3, gồm: hồ Soài So (270.000m3), hồ Soài Chek (293.000 m3), hồ Ô Tà Sóc (620.000m3) và hồ Ô Thum (270.000m3).
Trong đó, hồ Soài Chek và Ô Thum đang được tập trung nạo vét nhằm đảm bảo khả năng trữ nước tốt khi mùa mưa đến. Hiện nay, đơn vị quản lý đang vận hành các mô hình hồ chứa nước vùng khô hạn cung cấp nước sinh hoạt, nhu cầu sản xuất với năng lực phục vụ của hồ Ô Tà Sóc là 150ha, hồ Ô Thum 200ha, hồ Soài Chek 140ha.
Huyện Tri Tôn đã dự phòng xây dựng các đập tạm phòng, chống xâm nhập mặn vào sâu các kênh, rạch nội đồng vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang. Nếu mặn xâm nhập sâu, sẽ có 31 công trình đập tạm được xây dựng với tổng chiều dài 1.580m, khối lượng 80.500m3, đảm bảo phục vụ 8.453ha đất.
Chủ động các phương án
Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, ngay từ đầu mùa khô 2021, huyện Tri Tôn đã xác định tổng diện tích có khả năng bị ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn trên địa bàn huyện là 11.742ha, trong đó, các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn là 8.453ha (khu vực giáp với Kiên Giang), các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của hạn hán là 3.289ha (các khu vực ven triền núi).
Đối với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi, huyện yêu cầu thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, mực nước kênh, các hồ chứa, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để lập kế hoạch sản xuất, khuyến cáo chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những nơi không chủ động được nguồn nước tưới. Đối với các khu vực vùng cao, như: các trạm bơm Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì, An Tức… thực hiện nạo vét một số đoạn bị cạn cục bộ; khi mực nước kênh Tám Ngàn xuống thấp, tổ chức máy bơm ở các đầu kênh tạo nguồn. Đối với các tuyến kênh vùng đồng bằng, tích cực nạo vét những đoạn bị cạn. Khi mực nước kênh tạo nguồn xuống thấp, vận động dân bố trí máy bơm ở các đầu kênh bơm tạo nguồn, kết hợp vận động dân lấy nước xen kẽ lúc triều cường dâng cao, kết hợp vận hành các cống để giữ nước.
Để ứng phó khô hạn lâu dài, huyện Tri Tôn thực hiện việc chuyển đổi giống cây trồng ở những khu vực có khả năng thiếu nước sang cây trồng chịu hạn, đồng thời ứng dụng hệ thống tưới phun và tưới nhỏ giọt nhằm thích ứng với sự thiếu hụt nguồn nước tưới. Dự kiến, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng chống hạn khoảng 1.157ha ở các khu vực có nguy cơ thiếu nước, tập trung chuyển đổi trồng các loại cây chịu hạn, như: rau dưa các loại, khoai các loại, củ sắn, bắp và đậu các loại.
Đối với các diện tích trồng lúa ở các tiểu vùng giáp ranh tỉnh Kiên Giang có nguy cơ bị xâm nhập mặn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn phối hợp cùng địa phương vận động người dân chuyển sang các loại cây trồng chịu mặn và hạn chế xuống giống trong tháng 2, 3. Bên cạnh đó, kết hợp vận hành 10 trạm bơm cấp 1 và cấp 2 điều tiết nước, tích trữ nước vào các kênh, rạch trên địa bàn huyện phục vụ 2.314ha chống hạn.
Tổng số công trình cần đầu tư để thực hiện công tác phòng, chống hạn, mặn năm 2020-2021 trên địa bàn huyện Tri Tôn là 41 công trình nạo vét kênh, ước tổng kinh phí thực hiện gần 24,5 tỷ đồng, huy động từ các nguồn vốn thủy lợi phí, vốn Nghị định 35, vốn chống hạn.
|
NGÔ CHUẨN