An Giang thi đua xây dựng nông thôn mới

29/01/2023 - 08:29

 - Những năm qua, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh An Giang đã có những thành công nhất định, thực sự đi vào cuộc sống được người dân tích cực tham gia.

Thay đổi vùng nông thôn

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai thực hiện từ năm 2011. Những năm qua, An Giang xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; là quá trình thường xuyên, liên tục, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững.

Qua 10 năm nỗ lực xây dựng NTM, đến năm 2020, toàn tỉnh có 3/11 đơn vị cấp huyện (huyện Thoại Sơn, TP. Châu ĐốcTP. Long Xuyên) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM hoặc đạt chuẩn huyện NTM; 61/119 xã NTM, 17 xã NTM nâng cao, 6 ấp NTM; không còn xã dưới 9 tiêu chí. Năm 2022, toàn tỉnh có 68/116 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM (tỷ lệ 58,62%) và có 27 xã đạt NTM nâng cao. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã giúp nhiều vùng nông thôn thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mà còn tạo cơ hội cho người dân nơi đây phát triển kinh tế.

Xây dựng tuyến đường hoa xã nông thôn mới

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” thời gian qua được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh, đi vào thực tiễn đời sống, được các cấp, ngành hưởng ứng và thu hút, tập hợp đông đảo quần chúng tham gia, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Kết quả của phong trào đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi, có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng cải thiện rõ rệt.

Phấn đấu có thêm 33 xã nông thôn mới

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 861/KH-UBND tổ chức thực hiện phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021-2025. Thời gian tới, An Giang tiếp tục phát huy và giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đạt được đối với các xã đã đạt chuẩn NTM, phấn đấu đạt các tiêu chí đăng ký đối với các xã chưa đạt chuẩn NTM.

Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 33 xã NTM và có thêm 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; phấn đấu có thêm 2 huyện NTM và 1 thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 1 huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao vào năm 2023. Để đạt những mục tiêu trên, các sở, ban, ngành, UBMTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua với những việc làm thiết thực và cụ thể. Qua đó, góp phần hoàn thành đảm bảo tiến độ các tiêu chí đã đề ra trong chương trình tổng thể xây dựng NTM tỉnh An Giang theo kế hoạch, nhất là thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Triển khai sâu rộng phong trào thi đua

“Tỉnh xác định phong trào thi đua xây dựng NTM là trọng tâm trong các phong trào thi đua, được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở với nội dung, hình thức phong phú, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, thực chất, tránh chạy theo thành tích và phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, triển khai phong trào thi đua xây dựng NTM với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, tránh trùng lặp, chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện; phát huy được sáng kiến, sáng tạo của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và huy động, tập trung các nguồn lực của nhà nước, địa phương cũng như toàn xã hội” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhấn mạnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phát động, hướng dẫn, đổi mới nội dung, hình thức triển khai thực hiện phong trào thi đua trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, doanh nghiệp tỉnh triển khai, thực hiện phong trào thi đua. Huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia, đóng góp công sức, trí tuệ, phát huy nội lực và đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng NTM. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, củng cố và tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân để chung sức xây dựng NTM.

UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia tích cực phong trào thi đua gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức “xây dựng NTM là quá trình liên tục, thường xuyên, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc”; xây dựng NTM đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu, bền vững, lấy người dân làm chủ thể tham gia và hưởng thụ thành quả của NTM, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

MINH THƯ