Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm phân tích lợi ích trong liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp
Nông sản khó tiêu thụ
Đề cập tầm quan trọng trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, thời gian qua, do mối liên kết giữa DN - nông dân chưa chặt chẽ, có lúc, có nơi nông sản làm ra rất khó tiêu thụ, tình trạng “giải cứu” liên tục diễn ra. Cụ thể, nếu tỉnh Bình Thuận có trái thanh long thì tỉnh Vĩnh Long có khoai lang, tỉnh Sóc Trăng có hành tím, tỉnh Đồng Tháp, An Giang có cá tra… nông dân đều gặp khó.
Việc vận động nông dân, DN cùng nhau liên kết trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thị trường và xu hướng tiêu dùng… rất cần thiết. Xuất phát từ thực tiễn này, ngày 3/11, diễn đàn kết nối cung cầu, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản đã được tổ chức. Diễn đàn do Hội Nông dân tỉnh phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) tổ chức. Tham dự có Công ty TNHH XNK TMDV Vina T&T; Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Phân bón Con Voi, đại diện các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Minh Đức khẳng định, việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị trong đó DN là hạt nhân liên kết với hộ nông dân, trang trại, HTX là việc làm cần thiết. Nếu liên kết chặt chẽ, một mặt chúng ta đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, quản trị được quy trình xuất hàng (có truy xuất nguồn gốc), từng bước hình thành thương hiệu. Mặt khác, hạn chế được tình trạng nông sản làm ra khó tiêu thụ và DN chủ động được nguồn hàng xuất khẩu.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch HTX Nông nghiệp Vĩnh Bình (huyện Châu Thành) Nguyễn Văn Tác cho rằng, liên kết sản xuất sẽ giúp tăng quy mô, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực quản lý, điều hành. Ưu điểm là vậy, nhưng vì sao kể từ khi có chủ trương liên kết trong sản xuất đến nay số diện tích đất của nông dân tham gia liên kết với DN - thông qua pháp nhân đại diện là HTX, tổ hợp tác (THT) vẫn chưa như mong đợi?
Đẩy mạnh liên kết
Giải đáp thắc mắc trên, TS Đặng Kiều Nhân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL) thông tin, qua nghiên cứu tại 6 tỉnh trồng lúa chủ lực ở ĐBSCL, chỉ có 25% nông dân tham gia vào THT hoặc HTX, 15% lượng lúa tiêu thụ có hợp đồng; DN hợp đồng nông dân để tiêu thụ sản phẩm chỉ có 10% diện tích trồng lúa, 15% đối với rau màu và 30% đối với cây ăn trái. Nguyên nhân, do các bên không hiểu và thông cảm nhau để cùng “sống chung và đồng hành”, nên chưa gặp nhau trong chốt giá sản phẩm, điều kiện giao nhận, phương thức thanh toán...
Giải đáp những thắc mắc của nông dân, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH XNK TMDV Vina T&T Nguyễn Đình Mười cho biết, công ty luôn muốn hướng đến sự bền vững, do đó nông dân không nên nhìn thấy cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài. “Thị trường hiện nay rất ảo. Đôi khi bà con thấy DN ký hợp đồng mua 20.000 đồng/kg, lúc đó thương lái bên ngoài mua xoài 22.000 đồng/kg, bà con bán cho thương lái… Khổ nổi, họ chỉ mua có 10 tấn rồi bỏ đi. Như vậy, DN đã ký hợp đồng với đối tác nước ngoài, phải bồi thường hợp đồng, bà con chẳng bán được hết sản phẩm, vì đã bội tín…” - ông Mười phân tích.
Gần đây, để chủ động trong xây dựng nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, công ty đang phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang, nông dân trong tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu cho trái xoài, trái thanh nhãn, mỗi loại từ 50 - 100ha; bưởi, sầu riêng mỗi loại từ 100 - 200ha. Đẩy mạnh liên kết cùng nông dân để có vùng nguyên liệu xuất khẩu ổn định.
Đề cập kết quả ban đầu trong thực hiện chủ trương liên kết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, toàn tỉnh có 63 HTX nông nghiệp, 2 liên hiệp HTX và 180 THT thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với DN, trong đó diện tích liên kết 123.089ha; lũy kế trong 2 năm 2021 - 2022, tổng diện tích thực hiện khoảng 206.000ha; sản phẩm liên kết, ngoài lúa còn có rau màu, trái cây…
Tại diễn đàn, có 11 ý kiến trực tiếp gửi đến các diễn giả (nhà khoa học, nhà quản lý, DN) xung quanh các vấn đề: Làm thế nào để quá trình liên kết giữa nông dân - DN đạt được mục tiêu: Nông dân có lời, DN có lợi, môi trường, sinh thái được đảm bảo; nhà khoa học có thêm nhiều công trình nghiên cứu; ngân hàng có dự án để giải ngân đạt tỷ lệ cao, Nhà nước có thực tiễn để tổng kết, bổ sung cho lý luận trong thực hiện chính sách phát triển tam nông... Kết thúc diễn đàn, Công ty TNHH XNK TMDV Vina T&T đã ký biên bản ghi nhớ, triển khai vùng nguyên liệu trái cây với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan.
“Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và chuyển đổi xu thế tiêu dùng… đặt ra yêu cầu nông dân phải đổi mới tư duy, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và sản xuất theo đặt hàng của DN, nhu cầu của thị trường. Làm được điều đó, chúng ta mới sớm thích ứng với các vấn đề đang đặt ra cho toàn cầu hiện nay” - TS Đặng Kiều Nhân khuyến cáo. |
MINH HIỂN