An Phú thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản

03/09/2024 - 05:57

 - Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động thường niên của UBND huyện An Phú (tỉnh An Giang). Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân trong việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản trên địa bàn huyện nói chung, khu vực búng Bình Thiên nói riêng.

An Giang có 2 sông lớn (sông Tiền và sông Hậu) chảy qua, cùng với hệ thống kênh, rạch chằng chịt, nên nguồn lợi thủy sản, tôm, cá nước ngọt tự nhiên khá phong phú. An Giang là một trong những tỉnh có sản lượng thủy sản đứng đầu cả nước. Thủy sản là mặt hàng chiến lược của tỉnh, với sản lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng các đập thủy điện ở thượng nguồn và hoạt động khai thác, đánh bắt quá mức của con người, cùng với biến đổi môi trường do phát triển sản xuất nông nghiệp… môi trường sống của nhiều loại thủy sản đã và đang bị ảnh hưởng xấu.

Nhiều loài thủy sản bản địa quý hiếm có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng hoặc tuyệt chủng. Kéo theo đó, nghề cá bị ảnh hưởng lớn do thay đổi dòng chảy, chặn đường di cư của cá tới bãi đẻ trứng và ảnh hưởng môi trường sống ở vùng thượng nguồn… Do đó, việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang là yêu cầu cấp thiết. 

 Thả cá xuống búng Bình Thiên (huyện An Phú)

Tại búng Bình Thiên, UBND huyện An Phú tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên năm 2024. Đây là hoạt động được huyện An Phú duy trì nhiều năm, nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Thả cá về tự nhiên nhằm tái tạo lại quần thể các loài cá bản địa, quý hiếm và các loài cá có giá trị kinh tế cao đang suy giảm về số lượng, góp phần bổ sung quần thể đàn cá, tạo cân bằng sinh thái, đa dạng giống loài thủy sản tự nhiên.

Hoạt động này còn nhằm khuyến khích người dân, các tổ chức nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm cùng tham gia thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái. Tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp Nhân dân nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có phòng, chống khai thác thủy sản trái phép.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Nguyễn Thị Phướng, hoạt động thả cá tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản của UBND huyện An Phú hàng năm luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ, hưởng ứng và đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài huyện.

Năm nay, UBND huyện An Phú nhận được sự ủng hộ, đóng góp của 60 tổ chức và 49 cá nhân với tổng số tiền hơn 240 triệu đồng. Có 63.960 cá thể thủy sản được thả về tự nhiên, trong đó có rất nhiều loài quý hiếm, như: Cá hô, cá cóc, cá mè hôi, cá chày, cá chạch lấu…

UBND huyện An Phú yêu cầu các ngành các cấp cùng toàn thể Nhân dân tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, không đánh bắt thủy sản trái phép, không mua bán, sử dụng cá con làm thực phẩm.

Đối với các ngành chức năng, nhất là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND xã Quốc Thái, Khánh Bình, Nhơn Hội tăng cường tuần tra, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép của người dân; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm về khai thác thủy sản trái phép, không tuân thủ quy định.

Sinh sống ngay trên bờ búng Bình Thiên, anh Mohamad (là đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, ngụ xã Nhơn Hội) cho biết: “Tôi rất ý thức trong việc đánh bắt, khai thác thủy sản. Mỗi năm, chính quyền thả cá, nên gia đình tôi và bà con người Chăm rất tích cực tham gia thả cá, bảo vệ. Khi nào chính quyền cho phép thì chúng tôi mới dám đánh bắt. Tôi cũng thường xuyên cùng mọi người tham gia bảo vệ môi trường sinh thái xung quanh búng Bình Thiên”.

HỮU HUYNH