Ăn quả sung xanh có tốt không?

24/06/2023 - 09:08

Sung là một loại quả dân dã và có giá thành rất rẻ nhưng lại được nhiều người yêu thích, vậy ăn quả sung xanh có tốt không?

Tuy là loại cây mọc ở bờ ao, góc vườn nhưng quả sung lại rất tốt cho sức khỏe. Vậy, quả sung có tác dụng gì và ăn quả sung xanh có tốt không?

Tổng quan về quả sung

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn cho biết, quả sung còn có tên khác là vô hoa quả, thiên sinh tử, ánh nhật quả, văn tiên quả, phẩm tiên quả, nãi tương quả, mật quả...

Theo nghiên cứu hiện đại, quả sung chứa glucose, saccarose, quinic acid, shikimic acid, oxalic acid, citric acid, malic acid, auxin, các nguyên tố vi lượng như canxi, phot pho, kali... và một số vitamin như C, B1.

Kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm bước đầu cho thấy, quả sung có tác dụng nhuận tràng, hạ huyết áp và phòng chống ung thư.

Trong y học cổ truyền, quả sung vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ ích vị, nhuận phế lợi hầu, nhuận tràng thông tiện, tiêu thũng giải độc, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như viêm ruột, kiết lỵ, táo bón, trĩ xuất huyết, sa trực tràng, viêm họng, ho, sản phụ thiếu sữa, mụn nhọt lở loét, chán ăn, phong thấp...

Quả sung tươi giàu chất dinh dưỡng trong khi tương đối ít calo, đây được coi là một sự bổ sung tuyệt vời cho một chế độ ăn lành mạnh.

Quả sung chứa một lượng đường tự nhiên, một số người lại thích ăn sung như một món ăn nhẹ hoặc bổ sung vào bữa ăn chính, ít calo. Quả sung khô có chứa nhiều đường và giàu calo, vì đường sẽ trở lên cô đặc khi quả được sấy khô.

Ăn quả sung xanh có tốt không là băn khoăn của nhiều người

Quả sung cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là đồng và vitamin B6. Đồng là khoáng chất quan trọng liên quan đến một số quá trình của cơ thể bạn, bao gồm quá trình trao đổi chất và sản xuất năng lượng, cũng như sự hình thành các tế bào máu, các mô liên kết và chất dẫn truyền thần kinh.

Vitamin B6 là loại vitamin quan trọng cần thiết để giúp cơ thể bạn phá vỡ protein trong chế độ ăn uống và tạo ra các protein mới. Nó cũng đóng một vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của não.

Ăn quả sung xanh có tốt không?

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân chỉ ra những tác dụng của quả sung được chứng minh đối với sức khỏe của chúng ta:

Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa

Từ xa xưa, quả sung được dùng như một vị thuốc điều trị thay thế cho những vấn đề liên quan đến tiêu hóa, nổi bật phải kể đến chứng táo bón. Trong quả sung khá nhiều chất xơ kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Hàm lượng chất xơ này sẽ làm mềm và bổ sung thêm một lượng lớn vào trong phân, làm giảm tình trạng táo bón hiệu quả.

Hỗ trợ sức khỏe mạch máu và tim

Tác dụng của sung còn là giúp huyết áp và mỡ máu được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, sức khỏe của các mạch máu cũng được ghi nhận ở mức tốt hơn, đồng thời làm giảm tỷ lệ bị mắc phải các bệnh về tim mạch chuyển hóa.

Cải thiện sức khỏe làn da

Trong quả sung có rất nhiều dưỡng chất có lợi với làn da, nhất là những người có tình trạng viêm da dị ứng, da khô... Các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu với 45 trẻ em bị viêm da và cho kết quả khá tốt. Họ sử dụng kem có chiết xuất từ quả sung khô hai lần/ngày trong 2 tuần liên tục. Các triệu chứng của bệnh viêm da cũng được cải thiện hơn rất nhiều so với các phương pháp điều trị khác.

Trong nghiên cứu được đăng ở trên tờ Tạp chí Da liễu Quốc tế cho thấy, 25 người bị mụn cóc thông thường đã bôi mủ sung ở một bên và một bên dùng phương pháp áp lạnh từ quả sung. Kết quả, 44% số người tham gia bôi mủ sung đã giải quyết được mụn cóc hoàn toàn. Bên cạnh đó thì phương pháp áp lạnh lại cho kết quả đáng kinh ngạc hơn với 56% còn lại.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn không hiểu được lý do vì sao quả sung có thể giải quyết được vấn đề mụn cóc. Mủ của cây sung có thể mang đến những giải pháp điều trị khá an toàn và cũng rất dễ sử dụng mà lại có ít tác dụng phụ.

Bên cạnh những lợi ích nổi bật kể trên thì các nhà khoa học cũng cho thấy quả sung còn có khả năng làm giảm lượng đường huyết, cải thiện sức khỏe của tóc và có thể hạ cơn sốt. Tuy nhiên, các công dụng này vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu khác để chứng thực được khả năng của chúng đối với sức khỏe.

Theo VTC