Những vòng thi hấp dẫn
Hội thi “Nhà nông đua tài” do Hội Nông dân huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) tổ chức, thu hút 15 đội thi. Các đội trải qua 3 vòng thi: “Lời chào nông dân”, “Kiến thức nhà nông” và “So tài nhà nông”. Mở đầu với phần thi “Lời chào nông dân”, các đội giới thiệu những nét đặc trưng về kinh tế, văn hóa, con người; hoạt động hội, phong trào nông dân địa phương và thành viên dự thi của đội. Bằng những câu hò, tiếng hát, tiểu phẩm… các đội mang lại không khí vui tươi, sôi động cho khán phòng. Nhiều đội có sự đầu tư về nội dung, hình thức, hoạt cảnh... tạo được ấn tượng đối với ban giám khảo và khán giả.
Đến phần thi “Kiến thức nhà nông”, các đội thi trả lời câu hỏi trắc nghiệm về: Xây dựng và củng cố tổ chức hội, xây dựng nông thôn mới, trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, ban tổ chức hội thi còn đưa ra câu hỏi liên quan đến sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; hợp tác, liên kết sản xuất; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình xây dựng nông thôn mới, văn minh; hoạt động dạy nghề và hỗ trợ nông dân... Mặc dù nội dung kiến thức khá rộng, nhưng các đội hoàn thành tốt phần thi của mình, trả lời đúng, tạo ấn tượng, thuyết phục.
Đầu tư chu đáo về nội dung, trang phục
Hấp dẫn nhất là phần thi “So tài nhà nông”. Phần thi này, các đội thể hiện năng khiếu nghệ thuật thông qua tiểu phẩm, kịch nói, ca hò, cải lương... Với sự chỉn chu về nội dung, các đội đem đến thông điệp hay, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất; thông điệp về bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới...
Chủ tịch Hội Nông dân xã Ô Lâm Tiêu Đình Hiếu Nhân Hậu cho biết, để chuẩn bị hội thi, ngay khi nhận được kế hoạch, đơn vị đã lựa chọn thành viên, lên kịch bản dự thi. Mang đến hội thi tiểu phẩm “Quê hương là bến đỗ của sự bình yên”, đơn vị muốn truyền đạt về nỗ lực của chính quyền địa phương, đóng góp của các thành phần kinh tế (trong đó có hợp tác xã) đối với đời sống người dân địa phương.
Ông Hậu đánh giá: “Hội thi là sân chơi bổ ích, giúp các thành viên của đội được cọ xát tranh tài cùng đội bạn. Qua hội thi, đội rút ra được nhiều kinh nghiệm, cách làm hay, học hỏi thêm kiến thức về nhà nông, tiến bộ khoa học - kỹ thuật... để áp dụng sau này”.
Kết nối tinh thần đoàn kết
Theo ban tổ chức, Hội thi “Nhà nông đua tài” nhằm mục đích nâng cao kiến thức khoa học - kỹ thuật cho cán bộ, hội viên nông dân, thúc đẩy áp dụng kinh nghiệm hay, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Bên cạnh đó, tạo điều kiện đẩy mạnh phong trào thi đua trong hội viên, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hội thi còn là cơ hội tốt để các đội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất - kinh doanh, tăng cường sự hiểu biết, tinh thần đoàn kết giữa cán bộ, hội viên nông dân trong huyện...
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Chau Kim Son cho biết, lần đầu tham dự hội thi, các đội đều chấp hành nghiêm quy chế của ban tổ chức; chuẩn bị chu đáo từ việc lựa chọn thành viên, nội dung giới thiệu về đội, phục trang và nội dung tiểu phẩm... Đối với phần thi kiến thức, hầu hết đều nghiên cứu sâu rộng, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; kiến thức liên quan đến nghiệp vụ công tác hội, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tổ hợp tác, hợp tác xã...
Tuy nhiên, hội thi vẫn còn có những tồn tại, hạn chế nhất định. Phần giới thiệu của một số đội chưa sâu, các thành viên trong đội chưa tự tin trong phần thi của mình, một số vai diễn hơi khô cứng, chưa thật sự nhập vai... Đây là những vấn đề mà các đội cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm, đồng thời chuẩn bị tốt hơn cho những hội thi tiếp theo.
Tại Hội thi “Nông dân đua tài” lần thứ I/2022, Ban Tổ chức trao giải nhất cho đội xã Lê Trì, giải nhì thuộc về đội thị trấn Cô Tô và giải 3 thuộc về đội xã Lạc Quới.
|
ĐỨC TOÀN