Bao giờ trường học mở cửa?

12/11/2021 - 06:43

 - Khi cô giáo của con tôi tạo bình chọn trong nhóm Zalo, nội dung “Phụ huynh lựa chọn cho con tiếp tục học online (trực tuyến) hay muốn cho đi học trực tiếp tại trường”, gần như 100% phụ huynh chọn phương án “tiếp tục học online”. Lý do rất dễ hiểu, ai cũng sợ dịch bệnh tấn công các cháu. Thời điểm này, theo họ, chưa phù hợp để trở lại trường.

Một phụ huynh ở trong lớp bày tỏ: “2 tháng trước, chuyện học online của con tôi trục trặc đủ thứ. Bữa nay thì mạng yếu, không vào lớp được, hôm sau cúp điện, cô giáo thông báo nghỉ. Con tôi học lớp 5, tương đối hiểu chuyện, biết cách đăng nhập vào lớp sau vài lần hướng dẫn, không cần phụ huynh ngồi cạnh kiềm cặp. Nhưng nhiều lần, tôi thấy con ngáp dài ngáp vắn trong lúc học. Tương tác qua màn hình chưa đủ khơi dậy hứng thú học, cộng với tâm lý trẻ nhỏ, chán nản là điều dễ hiểu. Chỉ có điều, tôi chưa muốn nhà trường dạy học trực tiếp thời điểm này. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, người đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 vẫn nhiễm bệnh. Phương án tối ưu nhất hiện giờ là chờ các cháu được tiêm vaccine (ít nhất 1 mũi) rồi mới trở lại trường. Dù gì cũng đã học trực tuyến được nửa học kỳ, thêm ít tháng nữa có sao”.

Theo Kế hoạch 3711/KH-SYT, ngày 3-11-2021 của Sở Y tế, trong tháng 11-2021, trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn tỉnh sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19 (kể cả trẻ em hiện đang tạm trú tại hộ gia đình, nhà trọ, lang thang cơ nhỡ, không còn đi học). Trong đó, ưu tiên tiêm lứa tuổi 16-17 và hạ dần lứa tuổi, tùy thuộc vào lượng vaccine. Để tổ chức triển khai tiêm chủng cho đối tượng trẻ em theo kế hoạch nêu trên, ngày 4-11, Sở Y tế có công văn gửi Bộ Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xem xét, phân bổ 200.000 liều vaccine Pfizer cho tỉnh. Nếu hoạt động được xúc tiến sớm, nhóm trẻ em này sẽ được trở lại trường trong thời gian gần nhất.

Học sinh tiểu học theo dõi bài giảng trực tuyến. Ảnh: THANH HÙNG

Tuy nhiên, trẻ dưới 12 tuổi thì sao? Nhóm trẻ, mầm non thì có thể ở nhà cho đến lúc đủ tuổi đến trường. Nhưng học sinh tiểu học chẳng lẽ ngày ngày tiếp cận với thiết bị điện tử, tiếp thu kiến thức đầu đời bằng trực tuyến mãi? Nắm thông tin trong tháng 11, Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn chỉ đạo tiếp tục thực hiện đa dạng các hình thức dạy học phù hợp với tình hình thực tế khi học sinh chưa thể đến trường do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một giáo viên tiểu học ở huyện Châu Thành bày tỏ với tôi: “Hiện nay, số lượng ca bệnh trong tỉnh xuất hiện liên tục, nhiều nơi. Tâm lý chung của phụ huynh, giáo viên và nhà trường đều rất lo ngại khi cho học sinh tiểu học quay trở lại trường lúc này. Nếu chẳng may các bé có vấn đề về sức khỏe, ảnh hưởng dịch bệnh, tội nghiệp các bé, mà lại… rối cả trường. Áp lực về mặt trách nhiệm đè nặng như thế, thì phương án cho trẻ tiếp tục học online là an toàn. Tôi cố gắng áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy trực tuyến cho học sinh lớp 5 của mình, nhưng có vấn đề (như chuyển đổi đơn vị), được phân tích trực tiếp bằng bảng đen phấn trắng thì các em dễ nắm bắt hơn. Lớp tôi phụ trách, chỉ khoảng 50% nắm bắt kịp nội dung học. Để tránh cho học sinh bị hỏng kiến thức, phụ huynh cần thật sự quan tâm, gần gũi và hướng dẫn các em học tập sau giờ học”.

Trong đợt 1 của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về việc dạy và học trực tuyến. Đại biểu Võ Thị Ánh Xuân (Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) chia sẻ: “Nếu cứ tiếp tục, đa dạng các hình thức học (trực tuyến, từ xa), nhất là ở bậc phổ thông, sau 1 năm, 2 năm, 3 năm… chất lượng giáo dục và đào tạo cả nước sẽ gặp khó, rất đáng lo ngại. Học sinh phải gắn với trường lớp, với thầy cô mới phát triển toàn diện. Không chỉ là về kiến thức, mà còn là nhân cách, kỹ năng. Chưa kể, thông qua các loại hình đào tạo ấy, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta sẽ như thế nào? Do đó, tôi đề nghị, phải có chiến lược hết sức rõ ràng về lĩnh vực giáo dục và đào tạo”.

Đầu tháng 11-2021, làm việc tại nhiều tỉnh, thành phố, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, không ít lần nhấn mạnh về vấn đề cho học sinh đi học trở lại. Tinh thần là “an toàn mới đi học”, nhưng “an toàn” là kiểm soát được, bảo vệ được sức khỏe cho các cháu, cho cộng đồng, chứ “an toàn” không phải là không có học sinh nào nhiễm bệnh.

“Việc không được đến trường ảnh hưởng rất lớn đến học tập và tâm sinh lý của các cháu. Đây là nhu cầu không chỉ của học sinh, mà còn của gia đình, của lực lượng lao động trên địa bàn. Hơn nữa, Tổ chức Y tế thế giới mới khuyến nghị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, chưa có khuyến nghị chính thức tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi. Do vậy, không thể đợi tiêm hết vaccine, hoặc không có COVID-19 mới cho trẻ đi học. Đã sẵn sàng chấp nhận không “Zero COVID” thì cả hệ thống y tế phải sẵn sàng và nâng lên một bước so với trước đây” - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ quan điểm.

Theo chủ trương kiên định, vững vàng chuyển sang trạng thái “bình thường mới” của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc mở cửa lại trường học, cơ sở đào tạo là chuyện sớm hay muộn gì cũng phải tiến hành. Vấn đề nằm ở chỗ, mở cửa như thế nào để đảm bảo chu toàn nhất có thể: về mặt sức khỏe, về tâm sinh lý của đối tượng dạy, học và phụ huynh, về hiệu quả giáo dục khi chuyển tiếp giữa các hình thức giảng dạy… Thiết nghĩ, căn cứ vào thực tiễn, địa phương linh hoạt để từng bước mở lại hoạt động giáo dục trực tiếp; xây dựng phương án, hướng dẫn thật sự chi tiết, hiệu quả về phòng, chống dịch trong trường học, phù hợp nhóm đối tượng học. Mặt khác, cả xã hội sẽ phải chung tay, cộng đồng trách nhiệm trong vấn đề này, chứ đừng chăm chăm đặt áp lực lên vai những người thầy!

VẠN LỘC

 

Liên kết hữu ích