Nói về hiệu quả của các lớp học thực tế trên đồng ruộng (Farmer Field School - FFS) nhiều người sẽ nhắc ngay đến các lớp học của dự án Rau an toàn tỉnh Bình Định và dự án Phát triển sản xuất lúa thâm canh cải tiến SRI, các mô hình khuyến nông do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức.
Từ FFS đến “chuyên gia” trên đồng ruộng
Trong giai đoạn 2016 - 2021, lớp học FFS đào tạo cho hàng nghìn nông dân về kỹ thuật canh tác an toàn, trên cơ sở nắm rõ và áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý dinh dưỡng tổng hợp (INM), hướng tới quản lý cây trồng tổng hợp (ICM).
Nông dân ở Vĩnh Sơn (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) tiếp thu kỹ thuật từ các lớp học FFS của dự án Rau an toàn Bình Định (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: VPDA Rau an toàn Bình Định.
Bà Trần Thị Tùng (khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), chia sẻ: “Một nông dân hơn 50 tuổi như tôi, sinh ra, lớn lên ở vùng rau, đâu có dễ để người ta dạy mình trồng rau đâu! Vậy mà từ chỗ buộc phải học mà rồi thành ham học để trồng thành công cây rau an toàn, nó hay lắm”.
Nông dân ở Vĩnh Sơn (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) tiếp thu kỹ thuật từ các lớp học FFS của dự án Rau an toàn Bình Định (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021). Ảnh: VPDA Rau an toàn Bình Định
Ông Phạm Tấn Phát, điều phối viên dự án Rau an toàn Bình Định, phân tích: IPM dựa trên 4 nguyên tắc cơ bản: Trồng cây khỏe, bảo vệ thiên địch, thăm đồng thường xuyên, nông dân trở thành chuyên gia.
Điểm cốt lõi của IPM, INM là xem trọng kỹ thuật canh tác, khả năng ảnh hưởng tới môi trường và hiệu quả xã hội toàn diện.
Khi tổ chức các lớp học FFS, các chuyên gia không chỉ đào tạo kỹ thuật mà còn hình thành cho nông dân thói quen làm việc nhóm, hỗ trợ nhau để phát triển chuỗi liên kết sản xuất, áp dụng thành công IPM và INM để hiệu quả kinh tế ổn định và bền vững.
Thành công của các lớp học FFS về IPM, INM đưa tới các mô hình sản xuất áp dụng ICM hiệu quả không chỉ ở các vùng đồng bằng, mà còn diễn ra ở miền núi cao, trường hợp nhóm sản xuất rau an toàn Vĩnh Sơn (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) là minh chứng.
Từ các lớp học FFS của dự án Rau an toàn Bình Định tổ chức, đồng bào dân tộc thiểu số Bana ở Vĩnh Sơn biết áp dụng KHKT và công nghệ vào sản xuất rau an toàn ôn đới.
Nhãn hiệu rau Lá Lành của rau Vĩnh Sơn bày bán ở hệ thống siêu thị Big C, các quầy rau an toàn ngày càng được nhiều người biết đến.
Chị Đinh Thị Boi, nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn Vĩnh Sơn cho hay, nhờ được học trực tiếp, được cán bộ cầm tay chỉ việc ngay trên ruộng, thành viên trong nhóm phân biệt từng nhóm sâu hại cho rau ở từng chu kỳ sinh trưởng, nhận biết sâu hại thông qua màu lá…
Theo ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTXNN Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), giá trị cốt lõi của việc nông dân Thuận Nghĩa học trồng rau chính là sự thay đổi nhận thức.
“Bà con bây giờ biết chủ động trong chọn lựa giống, gieo trồng và bảo vệ môi trường, không còn làm theo thói quen, đến mùa là xuống giống, hễ nắng là tưới thêm nhiều nước. Kiểu ấy dứt lâu rồi, giờ thì mọi thứ đều được tính toán, cân nhắc lên phương án, lập kế hoạch thực hiện ngay từ đầu”, ông Cầu tâm đắc.
Nói về hiệu quả học tập, tiếp cận kỹ thuật canh tác mới, bà Trịnh Thị Nơi, thành viên HTXNN Ngọc An (phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn) kể: Nhờ tham gia vào mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI, tôi nắm được kỹ thuật canh tác lúa hiệu quả cao hơn cách làm truyền thống.
Không chỉ có vậy, chúng tôi còn trao đổi với nhau về cách thức sản xuất nhiều hơn và cái hay của người này được trao truyền sang người khác, dần dần tất cả chúng tôi cùng khá lên.
Khởi đầu của nền sản xuất nông nghiệp bền vững
Ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, nói: “Khi nông dân chủ động tiếp cận những tiến bộ KHKT và công nghệ, lắng nghe cán bộ khuyến nông, học từ thực tế đưa vào sản xuất, họ dần quan tâm hơn tới việc canh tác an toàn.
Ở Hoài Ân, FFS góp phần giúp nông dân, cán bộ quản lý ngày càng đi đúng hướng theo kế hoạch phát triển Hoài Ân thành miệt vườn cây ăn trái trên vùng đất trung du”.
Chị Trần Thị Thanh Hường, ở xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân, khẳng định thêm về hiệu quả các lớp học thực tế FFS, là dù có kinh nghiệm trồng bưởi, quýt đường nhiều năm, nhưng có rất nhiều điểm mới về kỹ thuật nếu không được cán bộ khuyến nông hỗ trợ thì khó thành công.
Chị dẫn chứng, sau khi được tập huấn về canh tác bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP do Phòng NNPTNT và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức, chị hiểu về canh tác bưởi an toàn dựa trên việc bảo vệ thiên địch; bón phân, dặm phân, tưới nước, xử lý theo chu kỳ bưởi ra hoa, kết trái đảm bảo đúng liều, đúng lượng để bưởi mọng nước, thanh ngọt.
Ông Hàn Văn Thanh ở xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân, cho hay: Vườn bưởi nhà tôi sử dụng phân bón hữu cơ thay phân vô cơ, không phun thuốc diệt trừ sâu bọ, giảm chi phí đầu vào.
Quan trọng hơn, khi mình ngưng sử dụng hóa chất trong nông nghiệp là trực tiếp bảo vệ sức khỏe của mình, của gia đình. Về lâu dài, môi trường xung quanh cải thiện, sản phẩm tới tay người tiêu dùng đảm bảo chất lượng.
Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT), đánh giá: Các lớp học FFS giúp nông dân áp dụng thành thạo IPM và INM, sau đó nâng cao thêm một bậc là ICM.
Có thể thấy rõ điều này từ mô hình sản xuất lúa thâm canh cải tiến SRI. Trong khi IPM tôn trọng bảo vệ thiên địch và thăm đồng thường xuyên trên cơ sở thực hành trồng cây khỏe, INM dựa trên môi trường sinh thái, đặc trưng của cây trồng đến đảm bảo chất dinh dưỡng vừa đủ, hiệu quả.
Mô hình SRI hàm chứa đủ các kỹ thuật này và việc sản xuất lúa đã gặt hái thành công vượt bậc là hệ quả tất yếu.
Nhưng điểm đáng nói ở đây chính là nhận thức và tư duy canh tác của nông dân thay đổi rõ rệt theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên và tạo ra sản phẩm sạch. Không chỉ lúa, rau màu, các lớp học FFS áp dụng với cây trồng lâu năm phát huy hiệu quả rất tốt.
Theo Dân Việt