Cải thiện thu nhập nhờ hái lá sương sâm

19/05/2021 - 03:54

 - Quyết định cải tạo 6 công đất trồng lúa để lên liếp trồng sương sâm, vợ chồng chị Lê Kim Cúc (ấp Đông Bình Trạch, xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) có được nguồn thu nhập ổn định. Sương sâm thuộc họ dây leo, chỉ cần trồng một lần là có thể thu hoạch rất lâu, trong quá trình chăm sóc không đòi hỏi nhiều kỹ thuật hay chi phí đầu tư. Bởi vậy, mô hình trồng sương sâm sẽ là lựa chọn phù hợp cho những nông dân muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, nhất là những hộ dân ít đất sản xuất.

Sương sâm có ưu điểm là dễ trồng, nếu chăm sóc tốt thì chỉ sau 4-6 tháng có thể thu hoạch. Đó là chưa nói đến việc trồng sương sâm trong thời gian càng lâu, thu hoạch thường xuyên sẽ giúp đọt non mọc nhanh, lá thu được nhiều hơn, cho năng suất cao.

Bên cạnh đó, một ưu điểm nổi bật của mô hình trồng sương sâm là bà con nông dân có thể tận dụng diện tích xung quanh nhà để phát triển, hoàn toàn phù hợp với những hộ dân ít diện tích đất sản xuất. Như vợ chồng chị Cúc, ngoài diện tích chuyên canh sương sâm sau vườn, hầu như các khoảng đất trống xung quanh nhà đều được tận dụng để trồng dây sương sâm từ hàng rào, cho đến dựng trụ tre, bạch đàn bên hông nhà để phát triển sương sâm.

Chị Cúc cho biết: “Sương sâm rất dễ trồng, đặt dây xuống, “quay qua quay lại” là mình thu hoạch được. Mới đầu còn ít, càng lớn dây bò nhiều, năng suất cao hơn, miễn sao trong thời gian phát triển đó cung cấp đủ nước tưới, với lại làm giàn chắc chắn cho dây sương sâm leo là được. Lâu lâu bón phân, còn lúc nào thấy bọ nhảy, hay sâu ăn đọt mới sử dụng thuốc trừ sâu, nhưng nếu dọn sạch cỏ nền, dây trồng thông thoáng thì sâu rầy cũng ít xuất hiện, bởi vậy chi phí cũng nhẹ” - chị Cúc giải thích.

Mỗi ngày thu hoạch từ 20-30kg lá sương sâm, nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh nên đầu ra của lá sương sâm tạm thời bị giảm

 Vườn sương sâm của gia đình chị Cúc từ lúc trồng đến nay gần 10 năm, hầu như ngày nào cũng thu hoạch từ 20-30kg lá. Số lượng ít hay nhiều tùy thuộc vào nhu cầu của bạn hàng ở các chợ. Giá lá sương sâm ổn định, dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, người mua có thể bỏ mối cho khách hàng, hoặc mua để vò lá sương sâm rồi bán kèm với hạt é, sương sáo...

Ngoài cung cấp cho bạn hàng ở các chợ trong tỉnh, chị Cúc còn kết nối với một số đầu mối ở tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ nên đảm bảo cung cấp mỗi ngày. Hôm nào ít thì chị Cúc thuê 1 người hái lá sương sâm tiếp, hôm nào số lượng nhiều phải thuê thêm 2-3 người cùng hái lá, với giá thỏa thuận 7.000 đồng/kg.

“Khi ăn sương sâm mọi người đừng sợ lá bị xịt phân, thuốc không an toàn. Nếu trong lúc thu hoạch mà xịt thuốc, tưới phân lá sương sâm thì vò ra bở, không dai, khách hàng sẽ biết ngay, không ai đặt hàng mình nữa. Bởi vậy, trong suốt quá trình thu hoạch, ngoài tưới nước sẽ ngưng tất cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dù là thuốc dưỡng lá cũng không dùng” - chị Cúc thiệt tình chia sẻ.

Nếu muốn xịt thuốc trừ sâu hay tưới phân dưỡng lá thì bắt buộc phải ngưng thu hoạch, cách ly một thời gian dài cho an toàn, như vậy sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng lá sương sâm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy sương sâm là loại dễ trồng, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật chăm bón, nhưng người trồng cũng phải nắm bắt một số kinh nghiệm để phát triển tốt nhất mô hình. Dây sương sâm là loại ưa nước nhưng không được tưới quá nhiều, đất trồng phải đảm bảo tơi xốp, kèm theo hệ thống rãnh thoát nước hiệu quả, tránh bị úng... Ngoài ra, dọn gốc sạch để tránh sâu rầy ẩn trú, giúp đọt non ra nhiều và phải nắm bắt được thời điểm để cột dây sương sâm lên giàn.

Hiện nay, vườn sương sâm của chị Cúc được thiết kế hệ thống tưới nước tự động, vừa giúp tiết kiệm nước, vừa giảm chi phí nhân công lao động. Vì đặc tính của sương sâm là dây leo, để tiết kiệm diện tích, chị Cúc cho thiết kế giàn leo bằng dây và đưa lên cao thay vì giàn trồng bằng trụ thấp ở dưới. Nhờ vậy, trên cùng một diện tích đất của khu vườn, chị Cúc có thể trồng nhiều dây sương sâm hơn, dễ thu hoạch, tránh đổ ngã…

Vào những tháng nắng nóng, người dân có nhu cầu giải nhiệt, làm mát cơ thể nên sương sâm đắt hàng hơn. Nhờ trồng dây sương sâm mà gần 10 năm nay, kinh tế gia đình chị Cúc ổn định, hầu như ngày nào cũng có thu nhập vài trăm ngàn đồng. Thời gian gần đây, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên đầu mối ở các tỉnh tạm thời ngưng đặt hàng, chị Cúc chuyển sang bán lẻ cho bạn hàng trong tỉnh.

“Dịch bệnh nên người mua hạn chế lấy hàng, kéo theo nguồn thu của mình giảm, nhưng là tình hình chung nên đành phải chịu. Giờ đây, mong muốn tình hình dịch bệnh mau chóng qua đi, sản phẩm làm ra bán được hơn” - chị Cúc chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN