Không khó để bắt gặp hình ảnh ô nhiễm từ hệ thống cống thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt của người dân tại cầu Rạch Gòi lớn (phường Mỹ Quý) và cầu Cái Sơn (phường Mỹ Phước).
Nước đen ngòm cùng với mùi tanh hôi khó chịu được thải trực tiếp ra sông mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nào. Đa phần người dân thành phố đều sử dụng nước máy trong sinh hoạt, thay thế cho nước sông, nên nguồn nước ô nhiễm này không còn được sử dụng nữa.
Tuy nhiên, ô nhiễm kênh, rạch khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, có nguy cơ nhiễm khuẩn; nguồn nước tự nhiên đã và đang bị ô nhiễm; sức khỏe người dân sống gần hệ thống cống bị ảnh hưởng trầm trọng.
Ông Phan Hữu Lý và Võ Hồng Sơn (cùng ngụ khóm Tân Quới, phường Mỹ Quý) chia sẻ: “Bình thường, nước thải ở nhà được xả thẳng ra cống lớn, rồi ra sông. Kênh rạch nào cũng bị ô nhiễm, nước chuyển sang màu đen kịt. Do đó, khi biết thành phố đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, bà con Nhân dân rất đồng tình, phấn khởi”.
Lắp đặt ống tại trạm bơm số 5 (phường Mỹ Xuyên)
Ông Đoàn Văn Đồng Văn (Ban Quản lý dự án) cho biết: “Dự án sử dụng hệ thống thu gom nước thải riêng, tách biệt hoàn toàn với nước mưa, bảo đảm nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý triệt để đạt loại B (theo QCVN 14:2008/BTNMT) trước khi thải ra sông, rạch.
Điểm nổi bật của dự án chính là việc bố trí tại mỗi hộ gia đình 1 hộp đấu nối bằng BTCT Ø400 và đường ống uPVC D168, uPVC D110 thu nước thải trực tiếp từ các đường ống thoát nước hiện hữu hoặc từ các bể tự hoại của hộ dân.
Quy trình thu gom nước thải gồm: nước thải sinh hoạt từ hộ gia đình được thu gom thông qua hệ thống đấu nối uPVC và hố gas (được lắp đặt trên vỉa hè), sau đó tự chảy về các đường ống chính HPDE thông qua hố gas chuyển hướng, rồi chảy về 8 trạm bơm.
Từ 8 trạm bơm sẽ bơm nước thải về 2 nhà máy tương ứng để tiến hành xử lý đạt yêu cầu trước khi thải ra sông, rạch. Do đặc thù công việc cũng như đảm bảo an toàn trong quá trình thi công nên không thể thi công đồng bộ cùng lúc đào đặt lắp ống dưới lòng đường và đào đặt ống trên vỉa hè.
Các công đoạn được thi công theo trình tự: cắt, đào lắp nền đường thi công tuyến ống HPDE, lắp đặt hố gas chính, giếng bơm dưới lòng đường kết hợp lắp đặt đường ống đấu nối tới hố gas chuyển hướng; thi công các tuyến ống uPVC D168 và hố gas Ø400 trên vỉa hè; đào đấu nối ống uPVC D110 với các đường ống thoát nước hiện hữu của hộ dân”.
Trao đổi các nội dung liên quan việc hoàn trả mặt bằng sau khi thi công Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, ông Văn khẳng định: “Quy mô dự án thi công trên 156 tuyến đường (khoảng 70km), sau đó giảm 32 tuyến đường nhỏ hẹp nội ô thành phố (9,2km). Hiện nay, đã thi công hoàn thành 112 tuyến (56,5km); đang thi công 12 tuyến đường (3,5km, bao gồm 10 tuyến đường nội ô thành phố, Quốc lộ 91 và Tỉnh lộ 943). Dự kiến đến ngày 30-4, chúng tôi cơ bản hoàn thành việc thi công. Sau đó, khắc phục các vấn đề còn tồn tại, ngày 30-6 bắt đầu đấu nối, vận hành chạy thử 6 tháng.
Trong thời gian này, chúng tôi sẽ phối hợp chính quyền địa phương vận động người dân đấu nối chính thức để có nước về nhà máy xử lý. Cuối năm 2018 sẽ nghiệm thu, chính thức bàn giao, đưa vào sử dụng. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành thành phố, buộc nhà thầu thi công cam kết không để xảy ra tình trạng đã hoàn trả mặt đường lại cắt ra đào bới lần nữa.
Hiện nay, dự án đã lắp đặt đường ống trục HDPE dưới lòng đường, ống thu gom D168 và hố thu trên vỉa hè trước cửa nhà dân. Việc đấu nối nước thải từ hộ dân ra hố thu thực hiện giống như lắp đặt đường ống cấp nước, do đó sẽ không ảnh hưởng lớn đến kết cấu vỉa hè”.
Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP. Long Xuyên được kỳ vọng sẽ góp phần đáng kể trong việc cải thiện môi trường nước; hạn chế tình trạng ô nhiễm sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố, từng bước nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người dân.
Cùng với dự án nâng cấp đồng bộ các tuyến đường trên địa bàn, Long Xuyên dần được cải thiện mỹ quan đô thị, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố ngày càng xanh - sạch- đẹp, phát triển bền vững.
Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP. Long Xuyên được UBND tỉnh phê duyệt, triển khai thi công xây dựng vào tháng 1-2016, từ nguồn vốn ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng ngân sách Trung ương. Dự án do Công ty Cổ phần Điện nước An Giang làm chủ đầu tư, với quy mô gồm 2 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất 30.000m3/ngày (đặt tại phường Bình Đức và Mỹ Hòa); 8 trạm bơm và các tuyến cống HDPE thu gom nước thải, được đấu nối thu gom nước thải cho trên 24.300 hộ gia đình. |
Bài, ảnh: GIA KHÁNH