Căn bệnh hàng triệu người Việt mắc, liên quan thói quen ăn uống

25/07/2023 - 09:48

Khoảng 61-77% dân số Việt Nam mắc bệnh lý này, biểu hiện đầu tiên là đau hạ sườn phải và nhiều triệu chứng khác dễ nhầm lẫn.

Hàng triệu người Việt mắc bệnh lý sỏi mật

Chị H.T.H, 49 tuổi, được chuyển từ bệnh viện tuyến huyện lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, vì đau nhiều dù đã điều trị nội khoa. Bác sĩ nhận định ca bệnh có sỏi túi mật lớn, lượng sỏi nhiều, phải mổ cắt túi mật sớm để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Kết quả, túi mật chứa gần 120 viên sỏi lớn nhỏ, chủ yếu kích thước bằng hạt đậu xanh, được lấy ra khỏi cơ thể người phụ nữ hôm 21/7. Một trường hợp khác ở Cần Thơ cũng được bác sĩ mổ cắt túi mật chứa hơn 1.100 viên sỏi hồi đầu tháng 7.

Sỏi mật là bệnh lý rất dễ gặp. Theo Tiến sĩ Đỗ Tuấn Anh, Trưởng khoa Phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), 61-77% dân số ở Việt Nam mắc bệnh lý sỏi mật. 

Mỗi năm, khoa Phẫu thuật Gan mật khám hơn 3.000 người có bệnh lý về gan mật, thực hiện gần 1.600 ca phẫu thuật, trong đó có tới hơn 1.000 ca liên quan đến sỏi mật. Theo các bác sĩ, 90% các bệnh lý về sỏi đường mật trong và ngoài gan có liên quan bệnh lý về tụy và gan.

Bác sĩ khoa Phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện Việt Đức tư vấn cho người bệnh. Ảnh: BVCC 

Không chỉ là bệnh lý dễ mắc, sỏi mật còn dễ tái phát. Bệnh viện Việt Đức từng tiếp nhận các bệnh nhân có tiền sử mổ sỏi mật tới 7, 8 lần. Nhiều ca biến chứng xơ hỏng gan vì chủ quan khi bị sỏi mật, lại có trường hợp túi mật chứa viên sỏi to bằng quả trứng gà.

Sỏi mật liên quan chặt chẽ với thói quen ăn uống 

"Bệnh lý tiêu hóa, ký sinh trùng đường ruột như giun là nguyên nhân chính đầu tiên gây bệnh lý sỏi mật", bác sĩ Tuấn Anh nói. 

Theo vị chuyên gia này, sỏi mật là căn bệnh mắc do thói quen ăn kém vệ sinh, ăn thức ăn sống/tái có nhiễm ký sinh trùng, thức ăn nhiều dầu mỡ lại ít ăn rau hay uống đủ nước trong khi lười vận động. Cuộc sống hiện đại mọi người thường ăn thức ăn đường phố, đồ ăn nhanh không đảm bảo vệ sinh tăng số ca bệnh sỏi mật.

Cùng đó, việc mắc bệnh về chuyển hoá cholesterol cũng làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật. Nếu tình trạng viêm đường mật tái diễn nhiều lần, kéo dài… bệnh có thể tiến triển thành ung thư đường mật.

Theo Tiến sĩ Đỗ Tuấn Anh, ở mỗi người, biểu hiện của sỏi mật không giống nhau nhưng có một số triệu chứng điển hình đầu tiên khiến bác sĩ nghi ngờ.

Đau hạ sườn phải, vùng thượng vị là triệu chứng đầu tiên. Cơn đau thường xảy ra ở hạ sườn bên phải hoặc vùng thượng vị lan lên vai phải và ra sau lưng. Tính chất đau thường âm ỉ hoặc dữ dội tùy theo vị trí sỏi xuất hiện.

Người bệnh sỏi mật có thể bị sốt, cảm lạnh do nhiễm trùng đường mật hoặc viêm túi mật. Người bệnh thường sốt cao trên 38 độ c kèm cảm giác rét run, vã mồ hôi nhiều sau khi cơn sốt hạ xuống.

Vàng da là triệu chứng điển hình thứ ba. Tùy vào tiến triển của sỏi mật mà mức độ vàng da của người bệnh khác nhau. Triệu chứng này thường kèm theo hiện tượng ngứa nhiều.

Tuy nhiên, khi có những triệu chứng đau kéo dài ở vùng mạn sườn phải: đau âm ỉ hoặc đau dữ dội lan ra sau lưng hoặc vùng thượng vị; sốt cao, vàng da, nước tiểu vàng… thì cũng là lúc bệnh sỏi mật gây biến chứng nặng.

Một số bệnh nhân sỏi mật gặp triệu chứng sợ đồ dầu mỡ, ợ chua, đầy bụng, ăn không tiêu… Những triệu chứng này dễ nhầm sang một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, đau dạ dày nên nhiều người áp dụng cách điều trị không phù hợp.

Để phòng bệnh sỏi mật, bác sĩ Đỗ Tuấn Anh khuyến cáo người dân nên ăn chín, uống sôi, ăn nhiều rau xanh, giảm thức ăn giàu cholesteron; tẩy giun định kỳ 6 tháng - 1 năm; tăng cường vận động. Khi phát hiện sỏi mật, polyp túi mật và bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám sớm, phát hiện qua siêu âm, chụp X-quang...

Theo Vietnamnet