Kỳ vọng cất cánh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, phát triển hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược của Việt Nam. Giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ huy động nhiều nguồn lực, bố trí gần 500.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho phát triển hạ tầng giao thông, trong đó dành nguồn lực lớn cho hệ thống đường cao tốc và các loại hình giao thông khác tại ĐBSCL, với quyết tâm làm thay đổi hệ thống giao thông tại miền Tây.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166km, quy mô 4 - 6 làn xe, gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang. Đây được xem là 6 tuyến cao tốc làm thay đổi hoàn toàn diện mạo hạ tầng giao thông tại ĐBSCL.
Xây dựng cao tốc trên mặt đất cần rất nhiều lượng cát đắp nền
Các trục ngang cao tốc của ĐBSCL, gồm: Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, nằm phía Nam sông Hậu, vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công; tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài 188km, nằm phía Bắc sông Hậu; tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212km.
Trong khi đó, tuyến cao tốc trục dọc đầu tiên là cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dài 245km từ Long An đến Cà Mau; cao tốc Bắc - Nam phía Tây dài 180km; tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150km, là trục dọc phía Đông, kết nối các tỉnh ven biển ĐBSCL.
Theo ước tính của các chuyên gia, chỉ cần tăng 10% chất lượng hạ tầng tại khu vực phía Nam, sức hút đầu tư sẽ tăng lên gần 25%. Do đó, nếu mạng lưới 6 tuyến cao tốc tại ĐBSCL hoàn thành đúng kế hoạch, miền Tây sẽ có sự thay đổi diện mạo lớn về đô thị và kinh tế.
Khi hệ thống cao tốc được đầu tư hoàn thiện, ĐBSCL sẽ kích hoạt các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển công nghiệp, logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương, tạo động lực tăng trưởng mới.
Theo định hướng mạng lưới giao thông của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), các tuyến giao thông đường bộ sẽ đóng vai trò liên kết vùng, còn hệ thống đường thủy nội địa, cảng biển… sẽ trở thành đầu mối xuất, nhập khẩu hàng hóa đi theo đường biển. Đến năm 2030, có 6 tuyến cao tốc dự kiến sẽ hoàn thiện, là tiền đề quan trọng giúp các địa phương thu hút đầu tư.
Nan giải bài toán cát
Theo Bộ GTVT, đến thời điểm này, ĐBSCL đã hoàn thành, đưa vào khai thác 90km cao tốc, đang triển khai thi công để đến năm 2025, cơ bản hoàn thành thêm 458km. Như vậy, đến năm 2025, toàn vùng có khoảng 550km đường bộ cao tốc. Đây là mong mỏi và kỳ vọng lớn của vùng đất “Chín Rồng”, nhằm phát huy tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội, trở thành trung tâm kinh tế năng động và hiệu quả của cả nước. Tuy nhiên, khi các dự án cao tốc triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu cát từ nay đến năm 2025 là rất lớn (khoảng 54 triệu m3), chủ yếu tập trung trong các năm 2023 và 2024.
Nguồn cát sông khó đáp ứng nhu cầu đắp nền cho các tuyến cao tốc ở ĐBSCL
Qua thống kê, ĐBSCL hiện có 24 mỏ cát, tổng công suất khai thác khoảng 6,17 triệu m3/năm. Trong đó, tỉnh An Giang 5 mỏ cát (tổng công suất 2,34 triệu m3/năm), tỉnh Đồng Tháp 14 mỏ cát (công suất 3,15 triệu m3/năm), tỉnh Vĩnh Long 5 mỏ cát (công suất 0,7 triệu m3/năm). Riêng tỉnh Sóc Trăng có 4 mỏ cát nhưng đã hết thời hạn khai thác.
Về phía An Giang, để chuẩn bị cho tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh đã chủ động trước các nguồn khai thác, không chỉ đáp ứng cho dự án thành phần đi qua địa bàn An Giang mà còn cung cấp một phần cho các địa phương còn lại.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, nguồn cát từ các mỏ có thể huy động để cung cấp cho dự án có tổng khối lượng 3,19 triệu m3, gồm: Mỏ cát Bình Phước Xuân trữ lượng có thể cung cấp 1,11 triệu m3; mỏ cát Khánh Hòa 1 có thể cung cấp 0,5 triệu m3; mỏ cát Khánh Hòa 2 có thể cung cấp 0,5 triệu m3; mỏ cát Vĩnh Xương 0,38 triệu m3; mỏ cát Bình Thạnh - Bình Thủy 0,5 triệu m3; mỏ cát Tấn Mỹ 0,2 triệu m3.
Trong khi đó, nguồn cát từ các dự án chỉnh trị dòng chảy có thể huy động để cung cấp cho dự án có tổng khối lượng 5,4 triệu m3, gồm: Dự án chỉnh trị Vĩnh Hòa (2 đoạn) có thể cung cấp 0,7 triệu m3; Dự án chỉnh trị Vàm Nao 1,1 triệu m3; Dự án chỉnh trị Bình Mỹ 0,7 triệu m3; Dự án chỉnh trị Mỹ Hòa Hưng (3 đoạn) 2,15 triệu m3; Dự án chỉnh trị đầu cù lao Tấn Mỹ 0,75 triệu m3.
Nếu như tổng khối lượng đá từ các mỏ khai thác đá trên địa bàn An Giang có thể cung cấp 1,5 triệu m3, đáp ứng đủ cho toàn bộ tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, thì nguồn cát là nỗi lo thật sự. Theo tính toán, lượng cát An Giang có thể cung cấp là 6,72 triệu m3, trong khi tổng khối lượng cát ban đầu cho dự án cao tốc là 9,3 triệu m3, vượt quá công suất khai thác của toàn bộ các mỏ và dự án chỉnh trị trên địa bàn tỉnh. Do đó, thời gian huy động từ các mỏ và dự án chỉnh trị cần kéo dài trong 2 năm (2023 và 2024) để đáp ứng nhu cầu.
Giải pháp trước mắt
Nếu như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng còn chủ động cơ bản được nguồn cát, thì các dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông đang khó khăn thật sự. Điển hình như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 109km, đi qua TP. Cần Thơ - Hậu Giang - Bạc Liêu - Kiên Giang - Cà Mau. Dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông này có tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, đã giải phóng mặt bằng, hoàn tất thủ tục và huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực thi công, nhưng lại gặp khó bởi thiếu cát đắp nền.
Cát nạo vét từ lòng hồ chứa nước vùng cao có thể dùng đắp nền đường
Theo Bộ GTVT, trong số nhu cầu 54 triệu m3 cát đắp nền phục vụ các dự án cao tốc đang triển khai ở ĐBSCL các năm 2023 - 2025, riêng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam qua khu vực (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) cần khoảng 18,5 triệu m3. Tuy nhiên, các mỏ cát đáp ứng chất lượng ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long chỉ đạt công suất khoảng 8 triệu m3/năm.
Theo đề nghị của Bộ GTVT, các địa phương mới cam kết cung cấp được khoảng 3 triệu m3, trong đó An Giang cam kết cung cấp 1,1 triệu m3, Đồng Tháp 1,9 triệu m3, còn Vĩnh Long đang rà soát, thăm dò mỏ mới. Bộ GTVT kiến nghị tỉnh An Giang và Đồng Tháp bố trí hơn 6,5 triệu m3 mỗi tỉnh, còn tỉnh Vĩnh Long bố trí 5 triệu m3 cát.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm (Tổ trưởng Tổ công tác số 2 của Bộ GTVT) vừa làm việc với tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long về nguồn vật liệu cát đắp nền cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau.
Theo ông Nguyễn Duy Lâm, khu vực ĐBSCL đã khởi công 2 dự án cao tốc trục ngang (Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) và trục dọc (Cần Thơ - Cà Mau). Trong đó, cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Cần Thơ - Cà Mau) hiện đang gặp khó khăn rất lớn, do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường, nguy cơ vỡ tiến độ.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác cát. Qua làm việc với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, các địa phương thể hiện quyết tâm hỗ trợ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, ngoài 1,9 triệu m3 đã cam kết, với gần 2,93 triệu m3 còn lại, tỉnh sẽ bố trí 6 mỏ cát, nâng thêm công suất mỏ đang khai thác để phục vụ cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Còn theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí, địa phương sẽ bố trí 3,3 triệu m3 trong năm 2023 cho dự án. UBND tỉnh đã thống nhất kế hoạch bố trí 1,1 triệu m3; với 2,2 triệu m3 cát còn lại, Sở TN&MT đang xin ý kiến Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang. Đối với tỉnh Vĩnh Long, Sở TN&MT đang hoàn thiện thủ tục để tham mưu UBND tỉnh giao mỏ cát NTSH.7 (nhánh trái sông Hậu và sông Trà Ôn, thuộc huyện Trà Ôn) cho nhà thầu thi công dự án.
Theo đại diện các tỉnh, khó khăn chung hiện nay liên quan đến các thủ tục mở mỏ mới. Từ đó, kiến nghị Bộ GTVT, Bộ TN&MT xem xét, hướng dẫn để áp dụng chung cho các địa phương đúng theo quy định, đặc biệt là về thủ tục đánh giá tác động môi trường đối với các mỏ thực hiện theo cơ chế đặc thù.
Cần tính toán lâu dài
Theo các chuyên gia, việc nâng công suất thêm 50% các mỏ cát có trữ lượng lớn (theo Nghị quyết 18/NQ-CP, ngày 11/2/2022 của Chính phủ) và đẩy nhanh cấp phép với các mỏ chưa khai thác chỉ là giải pháp tạm thời. Tính đơn giản, với 458km cao tốc xây dựng từ nay đến năm 2025 (để hoàn thành 550km cao tốc), cần khoảng 54 triệu m3 cát đắp nền. Theo quy hoạch đến năm 2030, ĐBSCL hoàn thành 6 tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang, với tổng chiều dài 1.166km, sẽ cần thêm lượng cát tương tự; nguồn cát sông không thể đáp ứng đủ. Chưa kể, nếu không tính toán kỹ thì việc khai thác cát quá mức sẽ gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài đến sinh kế, môi trường và mất cân đối mảng kiến tạo đồng bằng.
Một phương án giảm áp lực cát sông là sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền cho cao tốc. Đối với nguồn cát biển, hiện có 3 vị trí mỏ quy hoạch với trữ lượng hơn 13,9 tỷ m3 (tỉnh Trà Vinh có 2 vị trí với trữ lượng khoảng 2,1 triệu m3; tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng khoảng 13,9 tỷ m3, nằm cách bờ biển khoảng 40km). Trong đó, tỉnh Trà Vinh đã cấp phép khai thác 1 mỏ với công suất 0,4 triệu m3/năm.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiến hành triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu san, đắp nền đường”, đã triển khai trong phòng thí nghiệm và chuẩn bị thi công thí điểm ngoài thực địa. Trong khi đó, Bộ TN&MT đã triển khai dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hệ thống giao thông, đô thị vùng ĐBSCL” trên phạm vi khu vực biển nằm cách bờ từ 10 - 25km, độ sâu từ 10 - 30m.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp Bộ TN&MT triển khai nghiên cứu, thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả Tỉnh lộ 978, thuộc dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau trên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Kết quả nghiên cứu đến nay cho thấy, cát biển lấy tại tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng có các chỉ tiêu cơ lý cơ bản đáp ứng yêu cầu cho cát đắp nền đường. Do vậy, cần đẩy nhanh nghiệm thu, triển khai thực tế nhằm giảm áp lực cát sông.
Với ý tưởng xây dựng “ngân hàng cát”, một nhóm nghiên cứu của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã khảo sát, đánh giá nguồn cát có thể khai thác ở ĐBSCL chỉ còn khoảng 20 - 30 triệu m3. Con số này là quá khiêm tốn so với nhu cầu cát để đắp nền các tuyến đường cao tốc.
|
Từng đảm nhận vai trò Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, việc tận thu cát từ nạo vét để phục vụ cho cao tốc sẽ làm trầm trọng thêm sạt lở và xâm thực bờ biển. Do vậy, cần sớm ban hành Bộ tiêu chuẩn Việt Nam cho bê-tông tính năng siêu cao (UHPC), áp dụng xây dựng cao tốc trên cầu cạn (đỡ tốn lượng cát lớn đắp nền so với cao tốc trên mặt đất). Lựa chọn cao tốc trên cầu cạn giúp giải quyết cùng lúc nhiều thách thức: Khan hiếm cát, ít tác động thô bạo vào tự nhiên, không ngăn lũ, không chia cắt cảnh quan, sinh kế và xã hội, ưu việt về kinh tế, sử dụng lâu bền…
|
NGÔ CHUẨN