Chăm lo sự nghiệp giáo dục địa phương

13/09/2022 - 06:52

 - “Chỉ có con đường học tập đến nơi đến chốn mới có thể thoát nghèo bền vững. Chỉ có trang bị kiến thức mới giúp các em cải thiện cuộc sống”, đây là tâm niệm của ông Võ Văn Quang, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Trăn trở này đã thôi thúc ông dành nhiều tâm huyết với công tác khuyến học - khuyến tài địa phương.

Ông Võ Văn Quang

Vĩnh Trạch là một xã thuần nông của huyện Thoại Sơn, có 5 trường học các cấp. Vẫn còn hộ dân gặp nhiều khó khăn, không đủ điều kiện mua sắm đồng phục, dụng cụ học tập, phương tiện di chuyển, bảo hiểm y tế… cho con trong năm học mới. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, các em có thể phải dừng học. Trước thực trạng đó, vào đầu năm học, ông Võ Văn Quang vận động cá nhân, tập thể, trích các loại quỹ khuyến học của xã để hỗ trợ các em tiếp bước đến trường.

Quỹ Khuyến học - khuyến tài của hội hiện có khoảng 650 triệu đồng, được gửi tại Quỹ Tín dụng Mỹ Phước. Mỗi năm, hội trích lãi để hỗ trợ 5.000-7.000 quyển tập cho học sinh. Sau ngày khai giảng, tùy theo nhu cầu, số lượng học sinh khó khăn, Hội Khuyến học xã vận động hỗ trợ tiếp tục. Bình quân, hội vận động được khoảng 20 xe đạp; 40-50 suất học bổng, mỗi suất từ 2-2,5 triệu đồng.

Ngoài ra, học sinh hộ nghèo, cận nghèo đi thi tốt nghiệp được hỗ trợ 300.000 đồng/em. Trong năm học vừa qua, Hội Khuyến học xã vận động, hỗ trợ 30 thiết bị di động để các em học trực tuyến, tổng trị giá khoảng 60 triệu đồng. Hàng năm, hội vận động 300-500 phần quà trung thu cho em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn…

Năm 2010, hội phối hợp Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã nấu cơm miễn phí cho các em đang theo học tại trường THCS, THPT trên địa bàn. Thời gian đầu, họ nấu khoảng 40-50 suất/ngày. Dần dần, học sinh đến dùng cơm đông hơn, khoảng150-200 suất/ngày. Ngoài học sinh, người bán vé số, cơ nhỡ cũng có thể đến dùng cơm miễn phí. Sau thời gian tạm dừng do dịch bệnh COVID-19, hiện nay, mô hình này tiếp tục duy trì.

Đặc biệt, ông Quang là một trong những người “đặt viên gạch đầu tiên” cho phần thưởng Hạnh Đức - phần thưởng về đạo đức, hạnh kiểm của học sinh. Trải qua 5 năm, phần thưởng tạo được tiếng vang lớn trong các trường học toàn huyện.

Ông Quang chia sẻ: “Khi ở nhà, các em phải biết yêu quý, vâng lời ông bà, cha mẹ. Đến trường phải biết kính trọng thầy cô, giúp đỡ bạn bè. Ngoài xã hội phải biết tương trợ, giúp đỡ những người xung quanh. Để nhận được phần thưởng, các em phải vượt qua được kỳ thi viết do Ban Điều hành Phần thưởng Hạnh Đức đề ra hàng năm”.

Hơn 20 năm, ông Quang luôn trăn trở, hết lòng với công tác khuyến học - khuyến tài tại địa phương. Những năm 1980, ông là giáo viên dạy toán, sau đó là Hiệu trưởng Trường cấp II-III Phú Hòa (nay là Trường THPT Nguyễn Khuyến, thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn).

Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, gia đình lại đơn chiếc nên ông xin nghỉ, về nhà lao động, sản xuất để trang trải cuộc sống. Là đảng viên, ông tham gia sinh hoạt tại địa phương, công tác nhiều vị trí, từ Hội Nông dân xã đến MTTQ xã. Ở vị trí công tác nào, ông Quang đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Từng làm công tác giảng dạy, dìu dắt nhiều học sinh thành tài, ông Quang kết nối các mối quan hệ, vận động quỹ khuyến học cho địa phương. Năm 2000, ông được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội Khuyến học xã Vĩnh Trạch cho đến nay.

Không những nặng lòng với công tác khuyến học, ông Quang còn có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Nhiều đóng góp của ông được ghi nhận thông qua khen thưởng các cấp. “Đây là sự động viên, khích lệ rất lớn để tôi cố gắng hơn nữa trong hoạt động hội. Từ đó, góp phần xây dựng phong trào khuyến học - khuyến tài trên địa bàn huyện" - ông Quang bộc bạch.

ĐỨC TOÀN