Chàng trai làm nông nghiệp thuận tự nhiên

19/08/2022 - 06:41

 - Có trong tay tấm bằng cử nhân sư phạm, học thêm ngành trồng trọt, chàng trai dân tộc thiểu số Khmer Nep Rino (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) dễ dàng tìm được công việc ổn định tại một doanh nghiệp ở Campuchia. Thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát là cơ duyên đưa Nep Rino chọn lựa “bỏ phố về quê”, gắn bó với mô hình phát triển nông nghiệp thuận tự nhiên tại quê nhà.

Là người có tình yêu với thiên nhiên nên trong những lần về thăm nhà, Nep Rino thường dành thời gian lên khu vườn rừng của ông bà thuộc xã Núi Tô (huyện Tri Tôn) tìm không gian yên tĩnh để thư giãn sau bao mệt mỏi. Vậy rồi, trong thời gian phải tạm ngừng công việc vì dịch bệnh COVID-19, Nep Rino càng có nhiều thời gian gắn bó với núi rừng, ý tưởng khai thác, phát triển vườn cây ăn trái trên mảnh đất này đã được hình thành.

Ngay từ ban đầu, Nep Rino đã lựa chọn canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tận dụng nền đất sạch, tươi xốp sẵn có mà không cần phải bỏ thời gian 4-5 năm cải tạo như những nơi khác. Theo Nep Rino, tính đến nay đã qua 3 năm canh tác mà không tốn bất kỳ chi phí phân bón nào, ngoài việc mua vài chục ký phân bò bón lót trước khi trồng những loại cây ăn trái.

Trong tương lai, khi trồng trọt nhiều hơn sẽ sử dụng thêm phân bón để cung cấp thêm dinh dưỡng, Nep Rino còn lên kế hoạch cho mảng chăn nuôi để tự cung cấp phân bón tại chỗ. Ngoài ra, tận dụng những thân cây chuối sau khi thu hoạch sẽ được ủ thành phân, sau đó bón lại cho vườn cây. Từ đó, giảm tối đa chi phí đầu vào, tối ưu nguồn thu tại chỗ.

Tận dụng những giống cây trồng bản địa, như: Chuối rừng, nho rừng… đã giúp Nep Rino có được lợi nhuận, duy trì và phát triển vườn cây ăn trái của mình

Với diện tích đất rộng gần 5ha nằm trong khu vực rừng phòng hộ, ít người lui tới nên cây cối um tùm, rậm rạp. Bởi vậy, khi bắt tay vào làm, quy hoạch lại khu vườn là quá trình gian nan, vất vả với chàng trai trẻ. Từ tìm và dọn đường đi lên núi cũng đã khó khăn vì địa hình đồi dốc, khai phá những cây mọc hoang, giữ lại một số cây cổ thụ trước khi trồng xen các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế.

“Mình không sợ khó, sợ khổ, vì nếu sợ thì ngay từ đầu đã không làm. Tuy nhiên, khi làm một mình đôi lúc có cảm giác bất lực, vì có quá nhiều việc phải tự làm, bởi vậy có khi muốn bỏ cuộc. Bây giờ khác rồi, càng làm mình càng có động lực, yêu mảnh đất này hơn, tự dặn lòng sẽ gắn bó lâu dài” - Nep Rino chia sẻ. Khi vừa bắt tay làm, Nep Rino nghiên cứu, tìm mua những loại cây ăn trái phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Điển hình, như: Chanh, ổi, sầu riêng, xoài… và trồng xen cây chuối với mục đích “lấy ngắn nuôi dài”.

Những loại cây phát triển được ở đất này phải có khả năng chịu hạn vì hiện chưa tự chủ được nguồn nước tưới, chủ yếu dựa vào nước mưa. Do địa hình dốc, rậm rạp nên lúc nào đi vườn, trong tay Nep Rino cũng có sẵn máy phát cỏ; có chỗ nào trống là trồng xen cây giống. Dù đã có kiến thức được học, tìm hiểu thêm qua sách báo, internet, nhưng do chưa có kinh nghiệm thực tế nên năm đầu tiên lập vườn trồng các loại cây ăn trái, Nep Rino rất vất vả, khó khăn.

“Ban đầu, do chưa kiểm soát được cỏ, nên hầu như các loại cây ăn trái đều bị cỏ tấn công, không phát triển được, năng suất không có. Tuy nhiên, thất bại này lại chính là bài học cho mình rút kinh nghiệm về sau ” - Nep Rino nhớ lại. Từ cây trồng ngắn ngày, dã chiến, nhưng chính cây chuối mang lại nguồn thu lớn nhất, giúp Nep Rino duy trì kế hoạch của mình.

Ngoài các loại chuối thông thường, vườn của Nep Rino còn có nhiều loại chuối rừng mọc tự nhiên. Đây là giống chuối rừng bản địa, có nhiều công dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh, xưa nay được người dân ở trong và ngoài địa phương tìm mua sử dụng. Vậy là, trong quá trình làm vườn, Rino cố gắng dưỡng lại những bụi chuối rừng sẵn có, nhân giống nhiều hơn để trồng xen thêm với các giống chuối vườn, như: Chuối Xiêm, chuối sáp, chuối cau…

Nep Rino cũng đang liên kết với các công ty có nhu cầu thu mua sản phẩm chuối rừng để cung ứng, thu thêm lợi nhuận từ loại cây trồng bản địa này. “Ban đầu, khi trồng thêm chuối vào vườn, mình nghĩ là “lấy ngắn nuôi dài”, trong thời gian chờ đợi các loại cây ăn trái khác có huê lợi. Tuy nhiên, cây chuối lại chính là nguồn thu nhập ổn định, giúp duy trì, triển khai kế hoạch dài hơi trong tương lai” - Nep Rino chia sẻ thêm.

Để tiết kiệm chi phí, hầu như tất cả các công đoạn từ khai thác, canh tác vườn cây ăn trái đều do Nep Rino thực hiện, chỉ trừ những lúc cần làm nhiều thì phải thuê thêm người phụ vài ngày. Để việc di chuyển thuận tiện hơn, ngoài tự tay xúc đất, xếp đá, làm mỗi ngày một ít, Nep Rino còn vận động người dân ở xung quanh cùng nhau góp công, góp của để hoàn thành. Nhờ vậy, hiện giờ xe máy có thể chạy đến tận vườn, vận chuyển nông sản cũng dễ dàng hơn.

Từ khu vườn của mình, Nep Rino chỉ tay về phía xa giới thiệu: “Đằng kia là cánh đồng trâm rộng lớn, còn phía bên này khu vực Ba Hòn (tỉnh Kiên Giang)… Đứng từ đây, mình có thể phóng tầm mắt rất xa và rộng, hoàn toàn có thể phát triển du lịch theo kiểu cho du khách đến trải nghiệm sống hòa nhập cùng thiên nhiên. Đây chính là kế hoạch mình đang ấp ủ thực hiện trong thời gian tới”.

ÁNH NGUYÊN