Châu Phú hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững

18/10/2022 - 07:18

 - 9 tháng của năm 2022, tuy gặp không ít khó khăn do giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, điều kiện thời tiết bất thường, nhưng tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) vẫn đạt những kết quả khả quan.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng cho biết, tổng diện tích gieo trồng 9 tháng của năm 2022 là 89.398/91.193ha, đạt hơn 98% kế hoạch (so cùng kỳ năm 2021 giảm 1.470ha do ngưng sản xuất và chuyển sang trồng cây ăn trái); ước sản lượng lương thực đạt 535.545 tấn. Diện tích trồng cây ăn trái của huyện đạt 1.899ha (tăng 266ha so cùng kỳ), tập trung nhiều ở các xã: Ô Long Vĩ, Khánh Hòa, Mỹ Đức, Thạnh Mỹ Tây, Mỹ Phú, Đào Hữu Cảnh và thị trấn Vĩnh Thạnh Trung…

Đặc biệt, trên địa bàn huyện có Dự án nuôi thủy sản của Công ty TNHH MTV nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú, với diện tích hơn 634ha; hiện dự án đã đi vào hoạt động 352 ao, với diện tích 302ha và có sản phẩm ra thị trường. Dự án Khu liên hợp sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm công nghệ cao xã Mỹ Phú diện tích 350ha, do Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi làm chủ đầu tư; hiện đã giải phóng mặt bằng được 106ha, đào ao nuôi cá 86ha, với diện tích mặt nước nuôi 60ha.

Thăm đồng, dự báo tình hình dịch hại trên lúa

Hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú chú trọng thực hiện khuyến nông, hỗ trợ nông dân trong sản xuất. Trong các tháng đầu năm, đã tổ chức 5 lớp tập huấn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP (Bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế được nhiều quốc gia trên thế giới thừa nhận) tại các xã: Thạnh Mỹ Tây, Ô Long Vĩ, Bình Long, Bình Phú và thị trấn Vĩnh Thạnh Trung để khuyến khích nông dân canh tác lúa gạo, vừa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, vừa tăng hiệu quả sản xuất, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe nông dân và người tiêu dùng.

Đồng thời, tổ chức 13 cuộc khuyến nông về phòng trừ muỗi hành và khuyến cáo phòng trừ dịch hại; tổ chức trình diễn máy sạ cụm kết hợp vùi phân, phun thuốc trừ cỏ trên lúa tại thị trấn Vĩnh Thạnh Trung; trình diễn máy phun thuốc điều khiển từ xa và đánh giá hiệu quả sử dụng thiết bị trên lúa tại xã Bình Phú, Bình Mỹ; trình diễn bón vùi phân đầu trâu bằng máy sạ cụm “3 trong 1” và quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở thị trấn Vĩnh Thạnh Trung; ứng dụng bón phân vùi trên lúa trước gieo sạ tại xã Bình Chánh. Ngoài ra, ngành chuyên môn còn hướng dẫn các hộ chăn nuôi ứng dụng chế phẩm sinh học nuôi heo thịt và vịt siêu thịt, sản xuất giống lươn đồng…

Thực hiện chuỗi liên kết và tiêu thụ nông sản, vụ đông xuân 2021-2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã liên kết sản xuất “Cánh đồng lớn” trên 5.631ha; vụ hè thu, các doanh nghiệp ký hợp đồng trên 6.038ha diện tích sản xuất lúa; vụ thu đông đã có 2 doanh nghiệp triển khai kế hoạch liên kết tiêu thụ 9.000ha. Ngoài ra, còn có 230ha diện tích trồng rau muống lấy hạt ở các xã: Bình Mỹ, Bình Long, Khánh Hòa được ký hợp đồng liên kết với giá 35.000 đồng/kg. Hướng đến mục tiêu “sản xuất chung, mua chung, bán chung”, huyện Châu Phú còn quan tâm phát triển các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác.

Hiện, toàn huyện có 21 HTX nông nghiệp đang hoạt động và 37 tổ hợp tác. Từ đầu năm đến nay, đã thành lập mới 4 HTX, gồm: HTX trồng nấm bào ngư Anh Thư (xã Đào Hữu Cảnh), có 7 thành viên, vốn điều lệ 3,5 tỷ đồng; HTX thương mại dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cung ứng cây trồng và tiêu thụ sản phẩm Thịnh Phát (xã Bình Chánh), có 7 thành viên, vốn điều lệ 1 tỷ đồng; HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp cây cảnh Châu Phú, có 7 thành viên, vốn điều lệ 5 tỷ đồng; HTX Thạnh Lộc (thị trấn Vĩnh Thạnh Trung), có 22 thành viên, vốn điều lệ 200 triệu đồng.

Ông Huỳnh Tấn Hưng cho biết, trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, để đảm bảo thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp vụ thu đông, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú sẽ tăng cường công tác thăm đồng, dự báo tình hình dịch hại để có biện pháp phòng trị kịp thời; tổ chức khuyến nông, hội thảo hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch hại trên cây trồng. Đồng thời, tăng cường công tác tiêm phòng, kiểm soát giết mổ, mua bán sản phẩm gia súc, gia cầm, kiểm dịch thủy sản; tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, hạn chế dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Vụ thu đông 2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú phối hợp các địa phương tổ chức xả lũ, với diện tích hơn 5.283ha ở 11 tiểu vùng thuộc các xã: Mỹ Đức, Mỹ Phú, Bình Long, Bình Mỹ, Bình Thủy, Ô Long Vĩ và thị trấn Vĩnh Thạnh Trung. Bên cạnh đó, sẽ triển khai kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và các xã, thị trấn…

MỸ LINH