Chủ tịch Hội ND huyện Châu Phú Huỳnh Minh Ngọc cho biết: “Những năm qua, ND Châu Phú đã mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật, thực hiện nhiều mô hình kinh tế mới. Trong đó, các mô hình đã mang đến hiệu quả bước đầu, như: Chi hội nghề nghiệp làm vườn ở Khánh Hòa, mô hình trồng rau an toàn ở xã Bình Thủy, Thạnh Mỹ Tây, mô hình nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học tại xã Ô Long Vĩ… qua đó cho thấy tư duy mới của bà con trong việc tìm hướng đi bền vững cho sản phẩm NN”.
Theo ông Huỳnh Minh Ngọc, trong các mô hình kinh tế đang phát triển tại Châu Phú thì Chi hội nghề nghiệp làm vườn xã Khánh Hòa đang cho thấy nhiều triển vọng.Thực tế, các giống cây ăn trái thích nghi tốt với xứ cồn, nhất là bưởi da xanh, ruột hồng và nhãn xuồng cơm vàng.
Hiện nay, Chi hội nghề nghiệp làm vườn xã Khánh Hòa có 40 ND tham gia với diện tích canh tác khoảng 60ha.
Các thành viên trong chi hội đang tập trung phát triển cây có múi, trong đó vườn bưởi da xanh, ruột hồng của ông Võ Hữu Tăng cho hiệu quả kinh tế cao, ông Tăng đang canh tác 13 công bưởi da xanh, ruột hồng và cam sành.
Qua tìm tòi nghiên cứu, giống bưởi da xanh của ông Tăng được đánh giá ngon hơn so với “bản gốc” ở Bến Tre. Với 6 công bưởi đang canh tác, gia đình ông có thể thu lợi hơn 100 triệu đồng/năm.
“Bên cạnh cây ăn trái, rau an toàn là mục tiêu chúng tôi theo đuổi những năm qua. Hiện tại, Hội ND huyện phối hợp UBND xã Thạnh Mỹ Tây phát triển Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Hưng Thịnh.
Chúng tôi đã xây dựng được thương hiệu, bao bì, nhãn mác cho các mặt hàng này và đang xây dựng điểm bán rau an toàn để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Không chỉ ở Thạnh Mỹ Tây, Hội ND huyện vận dụng nguồn quỹ Hỗ trợ ND để phát triển mô hình ở xã Bình Long, với diện tích 3.000m2 cùng mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ” - ông Ngọc thông tin.
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, Hội ND huyện Châu Phú đã chủ động liên kết với nhiều doanh nghiệp để bao tiêu cho ND. Những năm qua, chuỗi hợp tác sản xuất lúa Nhật của Công ty Angimex Kitoku đang phát huy tác dụng trong việc đảm bảo lợi nhuận cho ND. Nếu được hỗ trợ về kỹ thuật và tạo điều kiện trong việc vận chuyển lúa về kho của công ty thì sẽ có nhiều ND gắn bó với mô hình này.
“Chúng tôi đã thỏa thuận với công ty là vụ lúa đông xuân này sẽ mua lúa tươi và cân tại đồng cho ND. Nếu cách làm này được duy trì thì triển vọng của cây lúa Nhật ở Châu Phú rất khả quan.
Đồng thời, chúng tôi sẽ vận động Công ty Cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Ngọc Tùng tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất lúa Nhật với vai trò cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho ND. Như vậy, ND sẽ được thuận lợi hơn khi gắn bó với cây lúa Nhật” - ông Ngọc thông tin.
Không chỉ các mô hình trồng trọt mà ND Châu Phú còn hướng đến việc phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Tiêu biểu là mô hình nuôi vịt tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường của ông Dương Thanh Tuấn (ngụ xã Ô Long Vĩ).
Là người sớm tiếp cận với mô hình này, ông Huỳnh Minh Ngọc cho biết tập quán nuôi vịt chạy đồng đã không còn phù hợp với hoạt động sản xuất hiện nay.
Cụ thể, theo ông Tuấn, sau thời gian nuôi tập trung năng suất đẻ trứng của vịt cao hơn cách nuôi truyền thống.
Với thành công bước đầu của mô hình, HND huyện Châu Phú đang có hướng hỗ trợ vốn để ông Tuấn phát triển chăn nuôi và liên hệ với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra.
“Những mô hình trên cho thấy sự mạnh dạn của ND trong việc tìm tòi, phát triển những mô hình kinh tế mới. Do đó, mục tiêu của chúng tôi là sẽ đồng hành cùng bà con trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, tích cực làm cầu nối để sản phẩm của ND có đầu ra ổn định.
Mong rằng, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, ND Châu Phú sẽ tiếp tục có những mô hình “ăn nên làm ra” để làm giàu trên quê hương mình” - ông Huỳnh Minh Ngọc kỳ vọng.
ND Châu Phú với nhiều mô hình chăn nuôi mới
THANH TIẾN