Chống nông sản rớt giá

23/06/2022 - 07:40

 - Để chống nông sản rớt giá, thu nhập sụt giảm, nông dân đã có nhiều cách làm hay, mang tính sáng tạo như: Sản xuất rải vụ, thực hiện mô hình đa canh lẫn xen canh, liên kết với thương lái để phát triển “thị trường ngách” cho sản phẩm… Với cách làm đó, bà con có được cuộc sống ổn định - mặc cho thị trường giá nông sản lên xuống bất thường.

Đi đầu trong thực hiện các mô hình nhằm chống nông sản rớt giá, trước hết phải kể đến nông dân các xã có diện tích đất sản xuất nhiều như Châu Phong, Phú Vĩnh, Tân An, Phú Lộc, Vĩnh Xương (TX. Tân Châu). Đây là những địa phương có nhiều nông dân được bình chọn là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi 3 cấp.

Nếu ở xã Phú Vĩnh có ông Út Nay với mô hình sản xuất cây giống sạch bệnh, phục vụ cho các vùng trồng màu của TX. Tân Châu thì ở xã Phú Lộc có ông Tư Quang với mô hình đa canh lẫn xen canh, trồng chanh, hạnh, cóc xen với cây xoài cát Hòa Lộc, xoài keo; xã Vĩnh Xương có ông Mười Hiệp với mô hình trồng xoài, liên kết với thương lái, đưa xoài đi tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh... Những mô hình này hiện cho thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng.

Nét độc đáo của các mô hình, phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi trên địa bàn TX. Tân Châu là khi xây dựng được mô hình thành công, bà con cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, góp phần lan tỏa cách làm hiệu quả để người khác cùng làm theo. Sản xuất luôn bắt đầu từ thị trường, từ đầu ra, vì vậy sản phẩm bán rất ổn định. Tinh thần hợp tác theo hướng đôi bên cùng có lợi luôn được đặt lên hàng đầu.

 “Thực tế những năm qua, một mặt hàng nào đó nếu sản xuất ồ ạt, với quy mô lớn nhưng không có liên kết trong tiêu thụ thì rất khó khăn. Vì vậy, đối với cây xoài keo, bên cạnh việc sản xuất thông qua hình thức liên kết với Công ty Cát Tường (Tiền Giang), tổ hợp tác (THT) của chúng tôi còn suy nghĩ ra cách sản xuất rải vụ, nghĩa là cho xoài ra hoa trái vụ, để lúc đó xoài luôn có giá” - ông Trần Văn Sử (nông dân ấp 4, xã Vĩnh Xương) chia sẻ.

Nông dân dân luôn chú trọng về chất lượng

THT trồng xoài theo mô hình liên kết của ông Sử được hình thành trước đại dịch COVID-19. Thời điểm đó, xoài keo được xuất mạnh sang Trung Quốc, giá xoài loại 1 (bao trắng) có khi lên đến 42.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ông Sử vẫn vận động các thành viên không “bẻ kèo”, phải tuân thủ hợp đồng, lời hứa, thực hiện đúng quy trình sản xuất mà công ty đưa ra như bao trái xoài bằng loại bao có màu trắng, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu theo hướng sinh học, an toàn.

Khi trái vào thời kỳ thu hoạch, người trồng ngưng phun thuốc để thực hiện cách ly theo quy định của ngành nông nghiệp. Nhờ đó, mối quan hệ giữa THT với Công ty Cát Tường ngày một thắt chặt. Sản phẩm của THT không phải lo đầu ra (vì công ty bao tiêu).

 “Vùng đất Phú Lộc - Vĩnh Xương có gần 600ha xoài keo, xoài cát Hòa Lộc. Đây là vùng nguyên liệu lý tưởng để các công ty về đây hợp tác, tổ chức sản xuất, đưa trái xoài đi xuất khẩu. Từ lợi thế này, chúng tôi vận động nhau làm ăn nghiêm túc, đặt chữ tín lên hàng đầu, nói sao làm vậy để mở rộng diện tích liên kết, liên doanh, giữ giá ổn định ngay lúc chính vụ” - ông Sử chia sẻ.

Chống nông sản rớt giá, nông dân TX. Tân Châu đang đẩy mạnh thực hiện nâng cao chất lượng cho nông sản. Đối với hộ làm hoa màu như ông Đặng Văn Tỷ (xã Tân An), 4 công đất làm rẫy của nhà (4.000m2) được ông trồng đậu bắp Nhật, ớt chỉ thiên. Sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, ông đưa đi tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn lớn ở TP. Hồ Chí Minh mà không phải lo đầu ra.

Với 2 mặt hàng này, ông tổ chức trồng luân canh, rải vụ để tháng nào cũng có ớt, đậu bắp cung cấp cho nhà hàng. “Đậu bắp ông Tỷ trồng không sử dụng thuốc tăng trưởng, các loại thuốc cấm nên chất lượng rất ngon. Về phân bón, ông Tỷ bón phần chuồng, phân dơi nên sản phẩm an toàn. Điều quan trọng là ông cung cấp nguồn hàng rất ổn định, quanh năm nên chúng tôi rất dễ tìm thị trường tiêu thụ”- bà Trần Thị Lài (đầu mối thu mua đậu bắp) chia sẻ.

Với mặt hàng ớt, nông dân xã Tân An cũng có cách làm rất sáng tạo. Ớt cung cấp cho thị trường được quanh năm nhờ bà con tuân thủ quy hoạch, cùng nhau bàn bạc, trao đổi, không tập trung trồng trong đông xuân mà tiến hành trồng rải vụ; mùa mưa thì trồng ớt trong nhà màng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. “Các nhà hàng, quán ăn lúc nào cũng cần ớt. Bán 1 đĩa cơm, 1 phần cơm đã có giá ổn định, ớt phục vụ cho bữa ăn cũng phải có giá ổn định thì người ta mới mua của mình hoài” - ông Nguyễn Văn Tèo (THT trồng ớt xã Tân An) nhận xét.

Không chỉ có trái xoài, ớt, đậu bắp, trái dưa lưới của nông dân xã Châu Phong trồng cũng có nhiều cái hay. Thay vì trồng, thu hoạch bán tại chỗ thì nhiều hộ nghĩ ra cách làm tương đối khó, trồng dưa rồi đóng thùng để đưa đi cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn lớn tại quận 7  (TP. Hồ Chí Minh). Bà con tạo được dây chuyền mang tính khép kín, sản xuất quanh năm, vừa có thu nhập, vừa giải quyết được việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn....

MINH HIỂN