Người dân làng quất cảnh Tứ Liên (Hà Nội) chăm sóc cây phục vụ thị trường Tết. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Thời điểm xuống giống hoa ở nhiều địa phương trùng với các đợt giãn cách xã hội, mưa lũ cho nên gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của người dân.
Diện tích canh tác giảm
Làng hoa Tây Tựu là một trong những vùng trồng hoa lớn nhất khu vực Bắc Bộ. Đây là nơi chuyên cung cấp hoa tươi cho thành phố Hà Nội và các địa phương lân cận. Phó Chủ tịch UBND phường Tây Tựu Phan Thu Giang cho biết, Tết Nguyên đán là một trong những vụ thu hoạch chính của người trồng hoa. Để có được sản phẩm hoa Tết, các nhà vườn phải chuẩn bị trước đó từ 4 đến 5 tháng. Ngoài diện tích hơn 200 ha đất trồng hoa tại địa phương, người dân Tây Tựu còn thuê hơn 500 ha đất ở các địa phương lân cận để canh tác hoa. Năm nay, lo ngại dịch Covid-19 ảnh hưởng tình hình tiêu thụ hoa Tết, hầu như các hộ xuống giống ít hơn khoảng 30% so với những năm trước.
Tại khu vực Nam Trung Bộ, thời điểm xuống giống hoa Tết trùng với nhiều đợt mưa bão, lũ, cho nên người trồng hoa gặp nhiều khó khăn.
Cùng với đó, người dân lo ngại dịch bệnh phức tạp, kéo dài sẽ ảnh hưởng thị trường tiêu thụ hoa dịp cuối năm cho nên cũng đồng loạt giảm diện tích canh tác. Thí dụ tại Khánh Hòa, lượng hoa trồng phục vụ Tết Nhâm Dần giảm 50% so với mọi năm. Tại xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, một trong những vùng trồng hoa lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, những năm trước toàn xã có khoảng 500 hộ chuyên trồng hoa Tết, trung bình mỗi hộ trồng từ 400-500 chậu. Tuy nhiên năm nay, số lượng các hộ trồng hoa giảm mạnh, chỉ có khoảng 300 hộ trồng hoa, các hộ cũng cắt giảm số lượng chậu hoa so với mọi năm.
Thu hoạch hoa ly tại trang trại hoa Địa Mỹ (huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Ảnh: THANH TRÚC
Tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) có gần 750 ha trồng hoa các loại phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán. Trong đó, diện tích hoa cúc là 260 ha, cẩm chướng-salem 200 ha, hoa hồng 95 ha, hoa lily 30 ha... Theo đánh giá của cơ quan chức năng, năm nay diện tích gieo trồng, chăm sóc hoa Tết các loại chỉ bằng 70% so với những năm trước. Ở thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp), diện tích hoa cảnh trên toàn địa bàn là khoảng 697 ha, với hơn 2.300 hộ sản xuất, kinh doanh. Vào mỗi dịp Tết, địa phương trồng khoảng 100 ha các loại hoa cung cấp cho thị trường. Tết Nguyên đán năm nay, làng hoa Sa Đéc chỉ trồng khoảng 50 ha, giảm khoảng 50% so với những năm trước đó. Trong đó, người dân chủ yếu trồng các giống chủ lực như: Cúc mâm xôi, cúc kim cương, hoa hồng, cúc đồng tiền,... Chị Lê Băng Tuyền, phường Tân Quy Đông cho biết: “Lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ trong dịp Tết, gia đình tôi chủ động giảm diện tích hoa Tết để chuyển hướng sang trồng cây công trình, cây cảnh bán hằng ngày”.
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, theo báo cáo nhanh của các địa phương, diện tích hoa, cây cảnh năm 2021 của cả nước là khoảng 40 nghìn ha. Ngoài diện tích một số loại cây hoa, cây cảnh lâu năm như đào, quất… cơ bản ổn định thì nhiều loại hoa trồng trong chậu, hoa cắt cành giảm đáng kể. Vụ hoa Tết Nguyên đán năm nay người trồng hoa gặp nhiều khó khăn. Giá vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá nhân công lao động tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư, mở rộng diện tích trồng hoa. Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc kết nối giữa người sản xuất và tiêu thụ cũng không được suôn sẻ khiến các sản phẩm hoa gặp khó về đầu ra.
Chủ động nguồn cung cho thị trường
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, ngoài sự khởi sắc được mùa, được giá, tiêu thụ khá tốt của một số loại hoa cắt cành như: Hoa cúc, hồng, lily, lay ơn, đồng tiền và một số loại hoa trồng trong chậu được sử dụng nhiều vào dịp Tết như: Cúc đại đóa, vạn thọ, mâm xôi, hoa ly, trạng nguyên, dạ yến thảo… hầu hết các loại hoa, cây cảnh còn lại đều rơi vào tình trạng tiêu thụ chậm, giá bán không cao.
Những năm trước đây, vào mỗi dịp Tết các làng nghề trồng hoa mai vàng ở thị xã An Nhơn (Bình Định) lại tấp nập xe của thương lái và khách đến mua mai. Năm nay, hình ảnh này không còn nữa. Những khu vực trồng mai trọng điểm như xã Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh… đều rơi vào cảnh đìu hiu, thưa thớt khách mua. Người trồng mai ở Bình Định cho biết, mọi năm, thời điểm cách Tết Nguyên đán từ 1 đến 2 tháng, khá đông thương lái đã đến đặt cọc tiền mua hoa, khách địa phương đã đến xem vườn, chọn đặt cây. Tuy nhiên, năm nay tình hình rất “căng”, thời điểm cách Tết chưa đầy ba tuần nhưng các làng nghề trồng mai vẫn vắng bóng khách, nhất là các mối lấy sỉ. Chưa năm nào làng mai lại phải chịu cảnh đìu hiu, vắng bóng như thế này.
Các thành phố lớn là thị trường chính tiêu thụ các loại hoa, cây cảnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều thương lái e ngại sức mua của thị trường sẽ bị ảnh hưởng cho nên đã chủ động giảm số lượng hàng đặt, thậm chí không đặt hàng khiến thị trường vắng lặng, trầm lắng so với mọi năm. Các thương lái cho rằng, nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay rất khó dự báo, cho nên họ chỉ mua bán cầm chừng, vừa bán vừa thăm dò động thái của thị trường chứ không dám ôm hàng như các năm trước.
Trước những khó khăn hiện tại, để chủ động đầu ra cho sản phẩm, ngay từ khoảng đầu tháng 9, nhiều người dân, doanh nghiệp trồng hoa tại thành phố Đà Lạt đã linh hoạt đưa ra các giải pháp tiêu thụ. Trong đó, để tránh hoa nở ồ ạt dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, các chủ vườn đã tính toán, chia nhỏ các đợt nở của một số loại hoa. Ngoài ra, nhiều chủ vườn còn đưa một số loại hoa có giá trị như lan hồ điệp, địa lan, đào… trồng vào các chậu nhỏ, bán với giá tiền phù hợp để người mua dễ dàng tiếp cận với sản phẩm hơn.
Tại làng hoa Sa Đéc, bên cạnh các mối hàng truyền thống, người trồng hoa đã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm hoa, cây cảnh trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, tích cực bán trên các website hay bán online trên Facebook, Zalo. Giám đốc Hợp tác xã Hoa kiểng Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc Trần Thanh Khang cho biết, hợp tác xã có 102 thành viên, năm nay sản lượng hoa Tết giảm khoảng 30% so với mọi năm. Mặc dù tình hình dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ nhưng do chủ động liên hệ với các mối hàng truyền thống và mở rộng các kênh bán hàng thương mại điện tử cho nên đầu ra của các sản phẩm hoa, cây cảnh vẫn ổn định. Tính riêng kênh thương mại điện tử đã giúp hợp tác xã tiêu thụ khoảng 30% sản lượng hoa, giá bán bình quân năm nay cao hơn dịp Tết năm trước khoảng 20%.
Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến gần, ngoài yếu tố dịch bệnh, người trồng hoa còn rất nhiều nỗi lo như phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường khuyến cáo, người dân cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết khí hậu từ nay đến cuối năm, chủ động có biện pháp chăm sóc cụ thể cho từng loại hoa, bảo đảm hoa nở đúng vào dịp Tết. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch Covid-19, từ đó có phương án cung ứng, tiêu thụ hoa phục vụ Tết phù hợp, bảo đảm thực hiện tốt các điều kiện phòng, chống dịch bệnh.
Theo ANH THƯ (Nhân Dân)