Chung tay bảo vệ an toàn cho trẻ em

10/02/2023 - 07:06

 - Theo số liệu các địa phương, năm 2022, trên địa bàn tỉnh phát hiện 32 vụ xâm hại trẻ em, tăng 14 vụ so cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tháng 1/2023, toàn tỉnh đã xảy ra 2 trường hợp trẻ bị đuối nước, 4 trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục. Công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại; phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em tiếp tục đòi hỏi các ngành, địa phương phải quyết liệt hơn trong chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Thời gian qua, công tác truyền thông được phối hợp thực hiện bằng nhiều hình thức. Ngoài cao điểm Tháng hành động vì trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang cùng các đơn vị liên quan còn thường xuyên tuyên truyền trên địa bàn, đến tận cơ sở. Trong đó, tập trung phòng, chống xâm hại trẻ em; mua, bán, bắt cóc phụ nữ, trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ; bạo lực gia đình; chính sách bảo vệ trẻ em; thủ đoạn tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi…

Đến nay, toàn tỉnh có 112/156 xã, phường, thị trấn được công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, đạt tỷ lệ 71,8%. Các xã: Phú Thọ (huyện Phú Tân), Văn Giáo (huyện Tịnh Biên), Khánh An (huyện An Phú) và Lê Trì (huyện Tri Tôn) tiếp tục duy trì mô hình cộng đồng an toàn theo Dự án bạn hữu trẻ em. Toàn tỉnh có 74/156 xã, phường, thị trấn được triển khai mô hình hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng.

Thực hiên đồng bộ các giải pháp tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em

An Giang tiếp tục thực hiện mô hình hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại 67 xã, phường, thị trấn. Trong đó, số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt là 1.652 trẻ, số trẻ em có nhu cầu trợ giúp là 873 trẻ (có 385 trẻ đang được can thiệp, hỗ trợ ban đầu); số hồ sơ đã đóng là 488 trẻ.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện “Mô hình kết nối, chuyển gửi, tìm gia đình chăm sóc thay thế cho các đối tượng trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”, thí điểm tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Qua khảo sát, có 184 trẻ có nhu cầu chăm sóc thay thế và có 44 cá nhân, gia đình có nhu cầu nhận chăm sóc thay thế.

Thực hiện công tác phòng ngừa xâm hại, bạo lực trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động vì sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em... Theo đó, duy trì 192 địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh cộng đồng với 782 thành viên tham gia; 20 tổ an toàn cho phụ nữ và trẻ em với 286 thành viên tham gia.

Sở Ngoại vụ An Giang phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương mở rộng quan hệ hợp tác với tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia) và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi có yếu tố nước ngoài, trên cơ sở thực hiện các quan hệ hợp tác truyền thống, các hiệp định tương trợ tư pháp và điều ước quốc tế.

Lực lượng công an, bộ đội biên phòng đã chủ động tham mưu, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để chỉ đạo xây dựng, lồng ghép và nhân rộng mô hình “Phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em” và “Phòng, chống người chưa thành niên vi phạm pháp luật”.

Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang đã chỉ đạo các trường tiếp tục tổ chức ký kết chương trình phối hợp với công an địa phương, kịp thời thông tin, xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em; ký cam kết giữa nhà trường với cấp quản lý, giữa nhà trường với phụ huynh học sinh trong việc xây dựng trường học an toàn, thân thiện, lành mạnh; có biện pháp xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực học đường…

Đối với các trường hợp bị xâm hại, trẻ em được nhân viên công tác xã hội tại Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em kết nối hỗ trợ các dịch vụ khẩn cấp, như: Hỗ trợ pháp lý, y tế, tham vấn tâm lý, hỗ trợ dụng cụ, phương tiện học tập… Với những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn, trẻ có nguy cơ, sau khảo sát, các em được đưa vào các dự án hỗ trợ, tạo điều kiện để được vui chơi lành mạnh, giáo dục kỹ năng sống, tiếp sức trong học tập, động viên tinh thần.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang đề nghị từng địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát các khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước hoặc nơi có nguy cơ để chủ động có các biện pháp phòng ngừa. Bên cạnh các giải pháp can thiệp, hỗ trợ, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn trong gia đình.

Đồng thời, hướng dẫn các gia đình, cơ sở giáo dục, nhà trường và trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đặc biệt, lưu ý phòng ngừa tình trạng cha, mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ em xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ…

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích