Các chuyên gia nông nghiệp đến từ IRRI, cùng Cục phó Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng chủ trì; lãnh đạo TP. Cần Thơ, một số quốc gia, như: Thái Lan, Campuchia, Philippines, một số doanh nghiệp gắn bó với nông nghiệp, nông dân, cùng đại diện ngành nông nghiệp, khuyến nông 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đến dự.
Đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội thảo
Sau 1 ngày làm việc, với 2 phiên thảo luận: Nông nghiệp xuất sắc và cơ giới hóa gieo sạ chính xác (DSR) và AMD (sáng kiến bảo đảm an ninh lương thực cho vùng đồng bằng Châu Á) và các giải pháp, các đại biểu đã được nghe các tham luận giới thiệu chung về nông nghiệp, như: Chiến lược của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long; mở rộng quy mô cơ giới hóa gieo sạ chính xác phù hợp với nền nông nghiệp Campuchia và Việt Nam; cơ giới hóa gieo sạ chính xác hỗ trợ chuyển đổi sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Việt Nam; tổng quan sáng kiến bảo đảm an ninh lương thực cho vùng đồng bằng Châu Á; tư vấn nông nghiệp dựa trên khí hậu; kinh tế tuần hoàn dựa trên rơm rạ: Công nghệ và mô hình kinh doanh; canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long…
Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt báo cáo về các tiêu chí liên quan trong chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Theo đó, hội nghị chia ra 2 nhóm thảo luận, gồm: Thâm canh bền vững các hệ thống canh tác lúa, thu hẹp khoảng cách về năng suất, gieo sạ trực tiếp, cơ giới hóa, quản lý rơm rạ, kinh tế dịch vụ và Thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt báo cáo về các tiêu chí liên quan trong Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, cụ thể: Phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao theo hướng hiện đại gắn với tăng trưởng xanh, trong đó nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa và ứng dụng nhanh công nghệ cao, công nghệ số để tiến đến thực hành canh tác lúa chính xác và thông minh; phát triển mô hình canh tác lúa tuần hoàn, sử dụng phụ phế phẩm lúa gạo để vừa gia tăng giá trị vừa giảm tác động xấu đến môi trường. Ứng dụng các công nghệ mới giúp nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả sản xuất lúa, tiết kiệm vật tư đầu vào và tài nguyên; tái sử dụng nguyên liệu phụ phẩm, gia tăng mức giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao cần hướng đến việc được chứng nhận tiêu chuẩn, lựa chọn phù hợp các tiêu chuẩn, như: 1 phải 5 giảm, VietGAP, Global GAP, SRP và tương đương, lúa hữu cơ…, để tiến hành đăng ký chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm đồng thời đăng ký mã số vùng trồng.
Nông dân ĐBSCL đã tham gia Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu
Trước mắt, xây dựng mô hình mẫu nhằm trình diễn quy trình sản xuất lúa tiên tiến bao gồm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, cơ giới hóa đồng bộ đáp ứng mục tiêu lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh. Cụ thể: Quy mô mỗi hộ tối thiểu 100 ha. Tùy theo điều kiện địa phương, vùng sinh thái, mỗi địa phương cấp tỉnh phối hợp doanh nghiệp liên kết xây dựng 1-2 mô hình trong 2 vụ liên tiếp, sau đó tổng kết và xây dựng kế hoạch nhân rộng. Chương trình bắt đầu từ năm 2024, hoàn thành vào năm 2030.
Đại biểu trong nước và quốc tế tham dự và trình bày báo cáo tại hội thảo
Nội dung hội thảo rất trúng với đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông Võ Quốc Trung, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng rất tâm đắc khi lĩnh hội được nhiều cái mới rất có ý nghĩa từ hội thảo. Ông nói: “Mình cứ nghe hoài tới phát thải khí nhà kính, nhưng không biết bao nhiêu, như thế nào, nhờ các thầy tại IRRI hôm nay nói rõ như sản xuất được 1 kg nhiên liệu sẽ phát thải ra môi trường 7,4 kg khí CO2; sử dụng 1 đơn vị thuốc bảo vệ thực vật sẽ phát thải 56 đơn vị khí CO2… mình biết để về tuyên truyền vận động nông dân lựa chọn vật tư nông nghiệp ra sao để vẫn bảo đảm sản xuất tốt, mà giảm đến mức thấp nhất có thể việc thải khí nhà kính ra môi trường. Cái này phải làm ngay, không chần chừ được nữa; hậu quả của biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ ràng và khốc liệt.”
Ông Hồ Thế Huy, Phó Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền báo cáo về Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long
Báo cáo về Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long, ông Hồ Thế Huy, Phó Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền trình bày kết quả làm mô hình tới 7 vụ lúa, qua 2 giai đoạn, từ 2016- 2017, đến 2020- 2022, với những công việc quy thành khối kiến thức (tập huấn quy trình, sổ tay canh tác lúa thông minh, khuyến nông trên truyền hình, báo, hội thi nhà nông, tổ chức cho nông dân đi tham quan trong nước, ngoài nước…) và khối phương tiện (lắp đặt các trạm quan trắc đầu nguồn nước, phát dụng cụ đo độ mặn, độ pH cho nông dân, cung cấp cho nông dân máy phun phân, thuốc, xây dựng mô hình suốt 13 tỉnh thành phố…), rồi phân tích kỹ mẫu đất từng vùng, để có gói phân bón phù hợp… Kết quả, năng suất mô hình tăng bình quân 400 kg lúa/ha so với đối chứng; sử dụng vật tư đầu vào giảm 1,5 triệu đồng/ha so với đối chứng, lợi nhuận thu được tăng từ 4 đến 4,5 triệu đồng/ha so với đối chứng.
Báo cáo khoa học về Chương trình canh tác lúa thông minh… đã được Hội đồng khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp nhận; ngày 14 tháng 3 vừa qua, Cục Trồng trọt đã ký quyết định công nhận là tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực trồng trọt, ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt, nói: “Đây là Chương trình có được sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước là hệ thống khuyến nông từ Trung ương tới địa phương, đã làm kiên trì, bền bỉ tới 7 vụ sản xuất lúa. Cục đã đề nghị được đưa vào Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, tăng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.".
TRẦN ĐÌNH THẾ