Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Vĩnh Xương

06/01/2023 - 08:12

Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, phù hợp nhu cầu thực tế, chính quyền xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi đất lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang canh tác cây trồng giá trị cao. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.

Nông dân xã Vĩnh Xương tăng thu nhập từ chuyển đổi cây trồng

Địa phương xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu là góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội… Bên cạnh đó, hình thành vùng chuyên canh sản xuất cây ăn trái, chú trọng xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ cây ăn trái với doanh nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Theo kế hoạch đến cuối năm 2020, toàn xã Vĩnh Xương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 100ha cây ăn trái, 10ha rau màu. Bên cạnh đó, địa phương còn xây dựng vùng chuyên canh xoài 300ha tập trung tại Vĩnh Xương - Phú Lộc. Để thực hiện mục tiêu này, Hội Nông dân xã tiến hành khảo sát thực tế diện tích sản xuất từng vùng, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, quan tâm nâng chất mô hình hiện có, đồng thời khuyến cáo nông dân phát triển thêm mô hình mới, phù hợp với thổ nhưỡng và đáp ứng nhu cầu thị trường. Địa phương còn thực hiện tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, thị xã về giống, vật tư, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng tiết kiệm nước, khuyến khích nông dân liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản…

Chính quyền địa phương tăng cường công tác dự báo và phòng trị kịp thời, không để sâu bệnh phát sinh thành dịch, gây hại trên diện rộng, đặc biệt là các loại dịch hại trên cây ăn trái. Bên cạnh đó, phối hợp ngành chuyên môn thực hiện mô hình trình diễn, hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức cho nông dân tham quan, khảo sát, học tập mô hình liên kết sản xuất tiên tiến, đạt hiệu quả cao trong và ngoài thị xã… Nhờ vậy, việc chuyển đổi được thuận lợi hơn. Ngoài ra, địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra hệ thống kênh mương nội đồng, tổ chức gia cố trạm bơm, đảm bảo tưới và rút úng vùng cây ăn trái.

Xã Vĩnh Xương phối hợp ngành chuyên môn hỗ trợ dạy nghề cho nông dân tham gia liên kết sản xuất. Thông tin và tuyên truyền thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên đài truyền thanh xã, nâng cao nhận thức của người dân, góp phần thực hiện thành công kế hoạch đề ra. Củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy tổ hợp tác và nâng cao hiệu quả hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đồng thời, vận động nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất; làm trung gian ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với công ty, doanh nghiệp, từng bước đưa tổ hợp tác thành “đầu tàu” trong việc liên kết sản xuất.

Bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, xã Vĩnh Xương hoàn thành mục tiêu chuyển đổi cây trồng. Theo đó, địa phương chuyển đổi khoảng 426ha cây ăn trái, chuyển đổi trồng rau dưa 9ha, rau màu 16ha. Theo đánh giá của địa phương, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa rất phù hợp với nhu cầu thực tế, do giá bán nông sản khác cao hơn lúa.

Đáng quan tâm hơn khi thời gian qua, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa vào vườn cây ăn trái ngày một nhiều hơn, nhằm giảm chi phí sản xuất và công lao động cho nông dân. Anh Lâm Thanh Phong (ngụ xã Vĩnh Xương) cho biết, gia đình anh hiện đang canh tác 7.000m2 đất nông nghiệp. Trước đây, phần diện tích này gia đình anh trồng rẫy, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Thấy vậy, anh mạnh dạn chuyển đổi trồng xoài cát Hòa Lộc. Từ khi chuyển đổi đến nay, cây xoài giúp gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định so với trước.

Có thể thấy, việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở từng địa phương trong tỉnh không những cho thu nhập vượt trội, mà còn giải quyết được tình trạng đất bỏ hoang, áp lực tưới tiêu, phòng tránh sâu bệnh... Hiệu quả thực tế mang lại từ mô hình chuyển đổi cây trồng ở xã Vĩnh Xương mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân. Qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

ĐỨC TOÀN