Chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp: Để nông dân là chủ thể

18/03/2023 - 14:13

Người nông dân ngày nay phải có tâm thế tự lực, tự chủ, hội đủ kiến thức, kỹ năng, năng lực, thái độ của người làm chủ - làm chủ vận mệnh của bản thân, của cộng đồng dân cư nông thôn.


Vùng nuôi cá tra Vàm Nao (xã Tân Trung, huyện Phú Tân, An Giang) có diện tích hơn 23ha nuôi cá tra thương phẩm đạt chuẩn VietGap, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Phát biểu trong chuyến công tác tại tỉnh Hải Dương vào ngày 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Hải Dương phải đổi mới tư duy, chuyển đổi "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp," từ "tìm kiếm thị trường" sang "nghiên cứu thị trường" để hướng tới "nông nghiệp đặt hàng."

Yêu cầu đối với Hải Dương cũng là nhiệm vụ mà Chính phủ đặt ra trước các địa phương khác và toàn ngành nông nghiệp Việt Nam.

Thoát tư duy mùa vụ

Ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chiến lược hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới…; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Tiếp đó, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nêu rõ: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh… Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chiến lược và Nghị quyết đều nhấn mạnh tới khái niệm "kinh tế nông thôn," "kinh tế nông nghiệp" như là đối trọng của "sản xuất nông nghiệp." Vậy "sản xuất nông nghiệp" khác với "kinh tế nông nghiệp" như thế nào nhìn từ góc độ tư duy?

Tư duy sản xuất nông nghiệp là quá trình nhận thức các quy luật khách quan về sinh học của cây trồng, vật nuôi và quy luật chuyển hóa của nguyên vật liệu sản xuất, sử dụng tài nguyên vật liệu để gia tăng năng suất và sản lượng sản phẩm.

Người nông dân không chú trọng đến nhu cầu thị trường, chỉ sản xuất thứ mình có thể làm ra chứ không sản xuất thứ thị trường cần; sẵn sàng sử dụng các loại giống, phân bón, các loại thuốc để gia tăng năng suất mà không chú trọng đến chất lượng và sự an toàn của sản phẩm; không hoặc ít tìm cách gia tăng giá trị, sau thu hoạch thường bán sản phẩm thô; sau khi thu hoạch thường phó mặc cho người mua mà không chú ý đến xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc.

Hạn chế của sản xuất nông nghiệp truyền thống là tạo ra nhiều sản phẩm nhưng có ít lợi nhuận; lạm dụng tài nguyên, nguyên vật liệu đầu vào gây ô nhiễm môi trường. Sản phẩm của người nông dân không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm cho thị trường trong nước và quốc tế; không sản xuất được với số lượng lớn, đồng nhất về chất lượng hình dạng, kích thước, màu sắc; giá cả hợp lý; lạm dụng tài nguyên dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên…

Tư duy kinh tế nông nghiệp là tư duy về việc sử dụng hiệu quả nguồn lực hữu hạn trong nông nghiệp để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và đạt được lợi nhuận cao nhất có thể.

Để sản xuất theo tư duy kinh tế nông nghiệp thì người nông dân phải căn cứ nhu cầu của thị trường để xác định chủng loại, tiêu chuẩn sản phẩm cần sản xuất. Quá trình sản xuất phải đảm bảo chất lượng để đạt tiêu chuẩn, yêu cầu của khách hàng.

Người nông dân phải luôn tìm cách giảm chi phí hợp lý nhưng không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Sau khi thu hoạch người sản xuất không bán sản phẩm tại vườn, ruộng, chuồng mà cố gắng gia tăng giá trị - phân loại làm sạch, đóng gói thiết kế nhãn hiệu hàng hóa, sau đó tiến hành sơ chế, chế biến và chế biến sâu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc…

Người nông dân chủ động tiêu thụ sản phẩm với giá hợp lý chứ không phải chờ người tiêu dùng tìm đến mua sản phẩm của mình; tìm kiếm khách hàng bằng nhiều kênh bán hàng hoặc liên kết tiêu thụ để bán được sản phẩm, từ đó nâng cao doanh thu và gia tăng lợi nhuận.

Nền nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở Việt Nam đang thích ứng dần với cơ chế thị trường. Năm 2022, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục vượt qua những khó khăn khách quan, cho thấy hiệu quả của việc thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào nhận thức xã hội, vào người nông dân, vào doanh nghiệp. Không thể quay lại con đường sản xuất nông nghiệp, lấy tiêu chí sản lượng làm mục tiêu phấn đấu nữa, mà bắt đầu đã có rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và nhiều hành động của của các hiệp hội, ngành hàng, bắt đầu tư duy làm sao để tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp.

Càng ngày càng thấy rõ vấn đề định vị rõ thị trường có vai trò quan trọng hơn sản xuất, bởi sản xuất mà không có thị trường thì sản xuất sẽ bị tắc nghẽn. Do đó, vai trò kiến tạo của nền nông nghiệp, kiến tạo không gian thị trường rất quan trọng và thể hiện rất rõ trong năm 2022.

Doanh nghiệp Việt Nam đã biết hướng đến các thị trường cao cấp hơn để tạo ra được lợi nhuận cao hơn cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Tư duy thị trường đã bắt đầu bén rễ - doanh nghiệp và người nông dân quan tâm đến việc phải làm ra những sản phẩm thị trường yêu cầu, từ chỗ chỉ bán cái mình có sang bán cái thị trường cần.

Theo Bộ Trưởng Lê Minh Hoan, hiện nay sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, những vùng nguyên liệu ổn định lâu dài, bền vững đã dần hình thành một cách tự nhiên. Đó là cách thoát khỏi "lời nguyền" là nông dân thì tư duy mùa vụ, còn doanh nghiệp thì tư duy thương vụ. Bây giờ không có khái niệm "mùa vụ" hay "thương vụ", không nghĩ ngắn mà phải nghĩ dài, không nghĩ cho một bên mà phải nghĩ cho cả hai bên, tức là cho cả doanh nghiệp và người nông dân.

Tuy nhiên, như kết luận của Nghị quyết số 19-NQ/TW, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao...

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa thật đầy đủ, đúng mức, nên có lúc, có nơi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền còn thiếu chủ động, trông chờ, ỷ lại, chưa sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan thiếu chặt chẽ; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, hệ thống dịch vụ công chưa theo kịp yêu cầu phát triển.

Một số cơ chế, chính sách chậm ban hành, chưa sát thực tiễn, thiếu nguồn lực thực hiện, chậm sửa đổi, bổ sung, nhất là về đất đai, đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, tổ chức sản xuất. Đầu tư từ ngân sách nhà nước chưa đạt mục tiêu đề ra; hiệu quả thu hút, sử dụng vốn đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa cao.

Trí thức hóa nông dân

Nghị quyết số 19-NQ/TW khẳng định quan điểm: Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Chú trọng xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị.

Trên thực tế, vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện ở chỗ họ trực tiếp tham gia phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chủ động và sáng tạo trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở nông thôn; tích cực tham gia quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới...

Để đảm đương được vai trò này thì người nông dân cần được trang bị những gì?

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, người nông dân ngày nay phải có tâm thế tự lực, tự chủ, hội đủ kiến thức, kỹ năng, năng lực, thái độ của người làm chủ - làm chủ vận mệnh của bản thân, của cộng đồng dân cư nông thôn. Nông dân và người dân nông thôn cần nhận thức rằng cuộc đời của mình là do chính mình quyết định.

"Nông dân mới" phải có ý chí mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực, thay vì trông chờ ỷ lại, an phận, thu mình trong ngôi nhà, bờ ruộng, mảnh vườn. Muốn vậy, người nông dân phải được hỗ trợ tiếp cận, đào tạo kiến thức, huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.

Ngành nông nghiệp đang tiếp cận những tư duy mới trong thời đại kinh tế tri thức, ứng dụng những thành tựu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó, người nông dân - chủ thể của nền nông nghiệp, cũng phải được tiếp cận tư duy, kiến thức mới, công nghệ, kỹ năng mới. Trí thức hóa nông dân là yêu cầu bắt buộc.

Cùng với kinh nghiệm về thời tiết, mùa vụ do cha ông để lại, ngày nay người nông dân còn có thể sử dụng các thiết bị thông minh, nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.

Lan tỏa tri thức, kỹ năng có thể giúp người nông dân tiếp cận cách thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, làm giàu bền vững - trách nhiệm này trước hết thuộc về chính quyền, ngành chuyên môn. Đây cũng là trách nhiệm xã hội của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Minh Huấn (Tạp chí Cộng sản) kiến nghị vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn chỉ được bảo đảm khi năng lực chủ thể được nâng lên tương ứng, bao gồm cả năng lực cá nhân (kiến thức, văn hóa, khoa học, kỹ thuật...) và năng lực tổ chức thông qua các pháp nhân, các hình thức liên kết, hợp tác (như hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, hiệp hội các ngành, nghề, hội nông dân...), tạo nên sức mạnh tập thể, sức mạnh cộng đồng mà nếu chỉ tồn tại từng hộ gia đình riêng lẻ, tách biệt thì bao giờ cũng gặp thua thiệt, khó đủ khả năng ứng phó với thách thức và tận dụng được cơ hội phát triển trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế.

Cần xây dựng mối quan hệ giai cấp tại nông thôn theo hướng tạo nền tảng vững chắc cho củng cố hệ thống chính trị và dẫn dắt người dân nâng cao năng lực làm chủ. Vừa chăm lo giảm nghèo bền vững, vừa đầu tư phát triển các nhân tố tiêu biểu, ưu trội có năng lực làm ăn kinh tế, có tinh thần cộng đồng, có tố chất dẫn dắt xã hội nông thôn, kể cả đào tạo, bồi dưỡng, cơ cấu làm bí thư cấp ủy cơ sở. Đó là đội ngũ những nhà nông thế hệ mới hoặc những hộ kinh doanh kinh tế nông thôn tiêu biểu.

Cần thu hút những sinh viên được đào tạo bài bản, có tâm huyết với nghề nông trở về nông thôn khởi nghiệp bằng các cơ chế ưu đãi vay vốn, tạo quỹ đất phát triển nông trại, ứng dụng khoa học-công nghệ kết hợp với phát huy giá trị tri thức địa phương, đồng thời thông qua đó tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị cơ sở.

Ưu tiên đầu tư phát triển các trường đào tạo kỹ sư thực hành trên các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, mà ở đó phải dành từ 30% đến 40% thời gian đào tạo cho xây dựng đề án và thực hành đề án để trở thành những nhà nông chuyên nghiệp. Đề án phải xác định được quỹ đất, cơ chế có được quỹ đất, mô hình tổ chức sản xuất, đầu vào, đầu ra sản phẩm, công nghệ ứng dụng, thị trường, chuỗi cung ứng, nhân lực, lao động, địa chỉ cung cấp nguồn vốn, địa chỉ bảo lãnh... và thực nghiệm đề án đó./.

Theo TTXVN/Vietnam+