Chuyển đổi tư duy nông nghiệp

15/08/2023 - 07:19

 - Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập nông dân được thực hiện từ hoạt động chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhân rộng mô hình hiệu quả… Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” được xem là nhiệm vụ trọng tâm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trương Kiến Thọ cho biết, thời gian qua, tái cơ cấu nông nghiệp được ngành quan tâm thực hiện; khai thác lợi thế để phát triển ngành hàng chủ lực theo chiều sâu, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh một cách bền vững. Sở NN&PTNT phối hợp Hội Nông dân tỉnh tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và hội viên, nông dân về tổ chức lại sản xuất, sản xuất theo chuỗi liên kết. Đồng thời, tuyên truyền tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; phát huy các sản phẩm đặc trưng địa phương gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.

Từ sự phối hợp giữa 2 đơn vị, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh chuyển biến tích cực. Theo ông Trương Kiến Thọ, trong năm 2022, tăng trưởng khu vực nông -  lâm - thủy sản ước đạt 3,1%, chiếm tỷ trọng 34% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thủy sản và rau quả đông lạnh ước đạt 645 triệu USD… Trong lĩnh vực trồng trọt, diện tích sản xuất lúa hơn 604.000ha, sản lượng gần 4 triệu tấn. Các giống lúa chất lượng cao (Đài Thơm 8, OM 5451, OM 18) chiếm 80 - 90%. Đến nay, 114 mã số vùng trồng được cấp, diện tích 6.898ha; 20ha lúa đạt chứng nhận hữu cơ. Ngoài ra, tỉnh hình thành các mô hình “cánh đồng lớn” sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn SRP; tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ trên 120.000ha, hơn 30 doanh nghiệp (DN) tham gia.

Rau màu cũng là thế mạnh của tỉnh, diện tích gieo trồng hàng năm gần 50.000ha, sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm. Trong đó, có 20ha bắp non và đậu nành rau đạt chứng nhận GlobalGAP; 6,5ha dưa lưới đạt chứng nhận VietGAP; cấp mã số vùng trồng cây ớt (24ha). Đối với cây ăn trái, toàn tỉnh có hơn 19.000ha, sản lượng khoảng 300.000 tấn/năm. Nhiều nhất là xoài (khoảng 177.000 tấn); mít (hơn 17.000 tấn) và cây có múi (hơn 16.000 tấn). Diện tích được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP đạt khoảng 900ha; 16.200ha được liên kết tiêu thụ với DN, chợ đầu mối, siêu thị và thương lái. Đến nay, đã cấp 194 mã số vùng trồng trên xoài, chuối, mít và nhãn, diện tích 7.963ha; 21 mã cơ sở đóng gói.

Lĩnh vực thủy sản cũng có nhiều thành tựu nổi bật. Toàn tỉnh hiện có khoảng 3.489ha diện tích nuôi trồng thủy sản, sản lượng ước đạt 604.000 tấn. Nhiều nhất là cá tra (530.000 tấn), lươn, ếch, cá lóc, cá diêu hồng, cá heo, cá nàng hai. Bên cạnh đó, tỉnh còn sản xuất 6,7 tỷ con giống thủy sản (1,7 tỷ con cá tra giống). Lĩnh vực chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất. Chăn nuôi theo hình thức trang trại, nuôi gia công cho DN theo chuỗi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh ngày càng tăng. Sản lượng trâu, bò, heo và thịt hơi gia cầm xuất chuồng khoảng 36.800 tấn/năm. Đặc biệt, tổ chức chăn nuôi liên kết gia công cho Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam chiếm khoảng 15% sản lượng chăn nuôi toàn tỉnh...

Ngoài tái sản xuất, ngành chuyên môn phối hợp tuyên truyền, vận động nông dân nghiên cứu, chế biến sản phẩm sau thu hoạch để tăng giá trị cho sản phẩm. Đồng thời, phát triển đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể thông qua sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đến nay, đã phân hạng và công nhận 88 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, 16 sản phẩm đạt 4 sao và 70 sản phẩm đạt 3 sao).

Ông Trương Kiến Thọ đánh giá, sự phối hợp tích cực giữa Sở NN&PTNT cùng Hội Nông dân tỉnh trong chuyển đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” đã góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Thời gian tới, 2 đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác này, tập trung về tư duy kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh, gắn với sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị; kinh tế tuần hoàn, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, tích hợp đa giá trị theo liên kết chuỗi, phù hợp yêu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả, bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường. Tỉnh tiếp tục chuyển giao, nhân rộng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất hiệu quả; sản xuất sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và đạt tiêu chuẩn chất lượng, gắn liên kết tiêu thụ với DN theo chuỗi giá trị…

ĐỨC TOÀN