Chuyện làm ăn mùa nước đổ

23/08/2024 - 05:22

 - Tháng 8, dòng Mekong đỏ quạch phù sa, bà con rục rịch mang ngư cụ khai thác cá, tôm theo con nước.

Chộn rộn mùa nước

Từ lâu, dòng Mekong được biết đến là “túi cá” nước ngọt, bao dung biết bao phận đời mưu sinh bằng nghề chài, lưới. Năm nào cũng vậy, đến mùa nước đổ, bà con sắm sửa chài, lưới chộn rộn khai thác nguồn cá tôm di cư trong tự nhiên.

Đang vá mành lưới, ông Trần Văn Cọp sống ven kênh Vĩnh Tế (55 tuổi, ngụ phường Núi Sam, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) khề khà: “Dạo rày, nước lên đồng kha khá. Mùa nước đổ về, cá, tép sinh sôi mạnh, tôi giăng vài tay lưới (1.000m/tay) bắt cá rô, cá sặc kho ăn hàng ngày. Khoảng tháng 8 (âm lịch), nước lũ sẽ dâng cao, tôi đầu tư thêm 10 tay lưới giăng bắt cá, kiếm thêm thu nhập”.

Xuôi dòng sông Hậu, nhìn con nước chảy cuồn cuộn mà chạnh lòng bao niềm nhớ. Hơn 30 năm trước, đến tháng 7 (âm lịch) là nước từ thượng nguồn đổ về rất mạnh dìm ngập trắng xóa ruộng đồng. Dân gian có câu “tháng 7 nước nhảy khỏi bờ” là vậy. Đi qua xóm làng đều bắt gặp hình ảnh tất bật của bà con chuẩn bị ngư cụ khai thác cá, tôm mùa nước đổ. Thế nhưng, theo thời gian lũ về không còn mặc định như trước, rồi thấp dần từng năm, do tác động mạnh từ đập thủy điện ở thượng nguồn.

Sáng sớm, gặp ông Thống (49 tuổi), đang thả từng chiếc đú (ngư dân gọi 12 cửa ngục) cặp dòng sông Hậu khai thác thủy sản. “Hổm nay, nước lên yếu quá, cá, tép chưa nhiều. Trung bình mỗi ngày, tôi đặt dính 3kg tép, 2kg cá bống, bỏ sở hụi, thu nhập tròm trèm 500.000 đồng” - anh Thống tâm sự.

Bà con chộn rộn khai thác thủy sản

Nhìn màu nước đục ngầu, anh Thống nói chắc nịch: “Vào khoảng tháng 9 (âm lịch), dự đoán nước lũ sẽ cao. Thông thường, năm nào màu nước càng đục thì lũ sẽ lớn”. Có lẽ sống lâu năm với cái nghề “hạ bạc” trong mùa nước đổ nên bằng kinh nghiệm dân gian, anh Thống đã “bắt mạch” được lũ mạnh, yếu từng năm.

Nhớ lại hơn 20 năm trước, anh Thống mưu sinh bằng nghề giăng câu, thả lưới trên đồng lũ. Khi con nước “chụp” đồng, cá rô, cá sặc, cá chạch, cá linh nhiều vô kể. Bà con trong xóm đều sắm lưới về giăng. Mờ sáng, cả xóm gỡ cá chộn rộn như ngày hội.

“Trên đồng cá ngóp như cơm sôi. Người giăng câu, người thả lưới đem cá về bán vui lắm! Bận đó, mỗi ngày tôi giăng lưới dính cá rô đầy thau, ăn không hết phải mang bán, kiếm tiền lo sấp nhỏ học hành”- anh Thống bồi hồi kể.

Cá, tôm xuất hiện lai rai

Trưa biên giới, những chiếc vỏ lãi rẻ nước băng đồng mang cá về chợ quê cân cho bạn hàng. Gặp ông Hưng (ngụ xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) đang tát nước rột rạt trong khoang xuồng ra dòng kênh. Xách vợt cá rô đồng còn nhảy xoi xói lên cân bạn hàng, ông Hưng cho hay, mấy nay nước đã lên đồng trắng xóa.

Nhiều người mua lưới về giăng cá sặc, cá rô và cá mè vinh. Khoảng giữa tháng 9 (âm lịch), ông Hưng sẽ giăng luồng đú trên cánh đồng biên giới. “Bữa rày, cá linh còn nhỏ, tôi chưa khai thác. Mùa lũ này, tôi đầu tư 17 luồng đú (dớn), với chi phí hơn 40 triệu đồng để bắt cá” - ông Hưng bộc bạch.

Đầu mùa nước đổ, nguồn tôm lóng (to bằng ngón chân cái) khá phong phú, ngư dân tranh thủ đem lọp, lờ ra sông thu hoạch. Tư Đen (thị trấn Đa Phước, huyện An Phú) gắn bó với nghề “bà cậu” nhiều năm cho hay, mỗi ngày anh đặt hơn 100 chiếc lờ tôm ven bãi bồi sông Hậu.

“Mùa nước đổ tôm sinh sản ven sông, chúng ăn phù du lớn dần theo con nước. Năm nào cũng vậy, nhìn dòng nước chuyển màu, tôi sửa soạn lọp, lờ để bắt tôm. Có bữa, dính 3kg tôm, cân cho bạn hàng với giá 150.000 đồng/kg, bỏ sở hụi, thu nhập hơn 300.000 đồng. Nhờ đặt lờ tôm, nhà tôi có đồng ra, đồng vô, sống khỏe trong mùa nước đổ” - Tư Đen cười khà.

Mùa nước đổ không chỉ mùa mưu sinh của ngư dân mà còn là thời điểm làm ăn của những tiểu thương buôn bán cá. Mờ sáng nhiều người tranh thủ đến các bờ kênh để đón ngư dân thu mua cá. Nguồn cá sống họ đem phân phối các chợ đầu mối.

Giờ đây, nguồn cá đồng, đặc biệt là cá linh đang trở thành tâm điểm chú ý của thực khách xa gần. Đầu mùa nước đổ, chúng tôi rảo một vòng chợ Bình Khánh (TP. Long Xuyên), nguồn cá linh rọng sống được bạn hàng bán với giá 350.00 đồng/kg vẫn có người mua về chế biến. Con cá linh còn nhỏ, chế biến món nào cũng ngon.

Chạy sâu vào cánh đồng ven rừng tràm Trà Sư, chúng tôi gặp nhiều nông dân tranh thủ mảnh ruộng bỏ trống 3 tháng ngập nước để đăng quầng nuôi cá, tăng thêm thu nhập. Đang sửa soạn lại những cây tràm giăng lưới, ông Sương (59 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trung, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) khoe, đã áp dụng kỹ thuật “dụ” cá đồng qua 2 mùa lũ. Với diện tích gần 4ha, ông Sương dùng lưới bao quanh, rồi đầu tư mua 6 miệng đú đặt quay hom ra ngoài để dẫn dụ cá vào mảnh ruộng của mình. Lũ rút, ông Sương sạ lúa và tiếp tục nuôi cá. Mùa lúa chín, ông Sương cho thu hoạch và bắt cá bán.

TS Chau Thi Đa (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) chuyên nghiên cứu về thủy sản nước ngọt cho hay, đã hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân đăng quầng quanh ruộng nuôi cá thiên nhiên ven rừng tràm Trà Sư, với diện tích khoảng 50ha. Đối tượng nuôi là cá rô, cá lóc, cá trê vàng. Bởi, 3 loại cá này đang có giá cao tại các chợ. Đây là mô hình khá hấp dẫn đối với nhà nông, tạo sinh kế trong mùa lũ.

Mùa nước đổ là mùa làm ăn tất bật của bà con thôn quê. Mỗi khi nhắc lũ, những người con xa xứ đều chạnh lòng nhung nhớ!

LƯU MỸ