Nâng dần chất lượng
Sự kiện Nhà máy Lương thực Thoại Sơn (1 trong 5 nhà máy lương thực thuộc Tập đoàn Lộc Trời) được chọn làm điểm xuất phát lô hàng 126 tấn gạo thơm đầu tiên xuất khẩu sang Châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là động lực rất lớn cho ngành sản xuất lúa gạo của An Giang nói riêng, cả nước nói chung. Thoại Sơn cũng là vùng trọng điểm sản xuất lúa của Tứ giác Long Xuyên - “vựa lúa” của ĐBSCL và cả nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, với đặc thù có nguồn nước ngọt quanh năm, An Giang có lợi thế lớn về sản xuất mặt hàng lúa gạo, cá tra, rau màu, cây ăn trái. Riêng về mặt hàng lúa gạo, hàng năm An Giang sản xuất hơn 630.000ha lúa, sản lượng đạt hơn 3,9 triệu tấn, là tỉnh sản xuất lúa gạo lớn thứ 2 cả nước để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Không chỉ nâng cao năng suất, tỉnh còn chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng gạo, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, hướng đến sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ và bền vững hơn. Theo đó, cơ cấu diện tích sản xuất lúa chất lượng cao và lúa thơm của tỉnh tăng dần qua từng năm, đến nay đã chiếm hơn 75% diện tích sản xuất toàn tỉnh. Đồng thời, diện tích áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” đạt 90%, áp dụng “1 phải, 5 giảm” chiếm 47% diện tích.
“Nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thị trường cao cấp và theo đặt hàng của doanh nghiệp (DN), từ năm 2016 đến nay, An Giang đã triển khai tổ chức sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP (sản xuất lúa gạo bền vững) đến với 1.200 hộ nông dân, tổng diện tích qua các mùa vụ đạt 22.000ha. Tỉnh còn tổ chức sản xuất lúa gạo theo các tiêu chuẩn chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP; xây dựng được nhiều chuỗi cung ứng sản xuất lúa gạo theo các tiêu chuẩn, hướng đến sản xuất hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế” - ông Thư nhấn mạnh.
Điển hình như đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, nhờ áp dụng chuỗi sản xuất khép kín từ nguyên liệu đầu vào đến đầu ra, có kiểm soát chặt chẽ chất lượng và truy xuất nguồn gốc theo các tiêu chuẩn quốc tế nên đến nay, DN đã xây dựng được thương hiệu và uy tín trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gạo, đặc biệt là gạo thơm, gạo chất lượng cao. Tập đoàn Lộc Trời cũng là DN tiên phong trong việc phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy hình thành các hợp tác xã sản xuất lúa gạo áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu của DN và thị trường cao cấp, nhất là thị trường Châu Âu, thị trường tiềm năng lớn khi EVFTA bắt đầu có hiệu lực.
Nắm bắt cơ hội
Theo ông Trần Anh Thư, thị trường xuất khẩu gạo của An Giang ngày càng được mở rộng, đến nay đã xuất sang 39 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, Châu Á vẫn là thị trường chính, chiếm gần 80% tỷ trọng xuất khẩu gạo của tỉnh. Trong khi đó, Châu Âu là thị trường có giá trị cao, sức tiêu thụ tốt nhưng chưa được khai thác tương xứng.
Ông Thư cho biết, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Châu Âu trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chỉ sau Singapore. Kể từ ngày 1-8-2020, khi EVFTA có hiệu lực, đã tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng toàn cầu nhưng tháng 8-2020, trị giá xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 6,5% so với tháng 7 và tăng 2,5% so cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Riêng mặt hàng gạo, hiện tại có giá xuất khẩu cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.
“Phải thấy rằng, EVFTA là cơ hội lớn đồng thời cũng là thách thức đối với chúng ta. Để tận dụng tốt cơ hội này, trong tổ chức sản xuất, cần tạo ra các sản phẩm lúa gạo đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của thị trường nhập khẩu. Do đó, thời gian tới, cần tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng, giá trị của lúa gạo trong điều kiện hội nhập quốc tế. Đây là nhiệm vụ quan trọng mà các địa phương, các ngành cần quan tâm thực hiện”- ông Thư nhấn mạnh.
Đồng ý quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, với cam kết EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo vào EU hàng năm.
Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Để tận dụng lợi thế này, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, DN với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và chú ý đến bao bì, nhãn mác. Có như vậy mới khai thác tốt thị trường EU.
“Tỉnh sẽ đồng hành cùng các DN trong triển khai sản xuất lúa gạo bền vững, đáp ứng các yêu cầu của EVFTA để tận dụng thị trường EU. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt Nghị định số 103/NĐ-CP, ngày 4-9-2020 của Chính phủ quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU, trong đó chú trọng “3 đúng” (vùng nguyên liệu đúng, quy trình sản xuất đúng, đúng giống chứng nhận)” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư khẳng định
|
NGÔ CHUẨN