Công ty Da giày Hải Phòng chuyên sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu các mặt hàng giầy dép bằng da, giả da, vải, các sản phẩm chế biến từ da. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Trước thềm sự kiện, Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI để làm rõ một số nội dung có liên quan.
- Thưa ông, sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), cùng với 10 đối tác khác ở hai bờ Thái Bình Dương, Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 8-3-2018. Theo ông, đâu là cơ hội cho Việt Nam trong sự thay đổi này?
Ông Vũ Tiến Lộc: Ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thực sự được xem là lựa chọn không thể tốt hơn cho khối các nước thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau khi Hoa Kỳ quyết định rút khỏi hiệp định này.
Với CPTPP, Việt Nam có thêm 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới với Canada, Mexico, Peru và 7 FTA nâng cấp với các đối tác còn lại. Bằng bước đi này, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tiến trình hội nhập sâu hơn với các thị trường ưu tiên, đặc biệt là mở ra những cánh cửa quan trọng để tiến sâu vào thị trường châu Mỹ đầy tiềm năng.
Không có Hoa Kỳ, bàn cờ lợi ích đã chuyển hướng. Lợi ích xuất khẩu lớn mà Việt Nam kỳ vọng ở thị trường này đã không còn, cơ hội lại chuyển hướng sang các thị trường khác mà Việt Nam chưa hẳn đã quen thuộc, nhưng rất có thể nhiều tiềm năng.
Cùng với cơ hội là những thách thức cạnh tranh mới, bởi xuất khẩu Việt Nam chuyển hướng, xuất khẩu của các nước khác trong CPTPP cũng như vậy.
Tiếp sau sự thay đổi về thị trường mục tiêu, những tác động của hiệp định đối với từng nhóm doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau cũng thay đổi.
Trong TPP, cơ hội xuất khẩu của ngành dệt may, giày dép, nông sản ở thị trường lớn Hoa Kỳ được nhắc tới nhiều. Trong khi đó, CPTPP lại nổi lên những cái tên tiềm năng khác như thực phẩm, đồ uống, thuốc lá…
Ở những lĩnh vực khác như dịch vụ, đầu tư, mua sắm công…, mặc dù thay đổi có thể không lớn như trong xuất khẩu, nhưng cũng là đáng kể.
Việt Nam từng kỳ vọng TPP sẽ như một cú hích quan trọng để thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ hoặc từ các đối tác khác phục vụ sản xuất xuất khẩu sang thị trường này. Với CPTPP và không Hoa Kỳ, dòng chảy đầu tư, dịch chuyển dịch vụ cũng sẽ thay đổi.
Tất cả những điều này khiến những gì mà các doanh nghiệp từng dự liệu, nếu có, từ TPP, đã không còn như vậy với CPTPP. Mặc dù các cam kết có thể vẫn như vậy, nhưng trọng tâm và lợi ích của doanh nghiệp ở các cam kết của mỗi thị trường cũng đã thay đổi.
Công ty TNHH may Tinh Lợi, tại Khu công nghiệp Lai Vu, huyện Kim Thành (Hải Dương) đầu tư nhà xưởng, dây chuyền hiện đại, mỗi tháng xuất khẩu hàng triệu sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho 8.000 lao động. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
- So với TPP, CPTPP sẽ có những khác biệt căn bản nào, nhất là ở góc độ cải cách thể chế, mục tiêu trọng tâm của Việt Nam, thưa ông?
Ông Vũ Tiến Lộc: Như đã biết CPTPP đã tạm hoãn một số nghĩa vụ phức tạp trong TPP; đặc biệt trong một số khía cạnh về sở hữu trí tuệ, tranh chấp Nhà nước-nhà đầu tư nước ngoài… Điều này sẽ giúp Việt Nam và các nước có thêm thời gian điều chỉnh và thích ứng ở các lĩnh vực liên quan.
Tuy vậy, về tổng thể, những đòi hỏi về cải cách thể chế từ CPTPP – một hiệp định “toàn diện” và “tiến bộ” thì hầu như không bị ảnh hưởng. Áp lực cho việc sửa đổi, cải cách thể chế kinh tế đối với Việt Nam cũng không đổi.
Thực tế, không phải không có ý kiến quan ngại về việc các lợi ích xuất khẩu giảm sút có thể làm giảm sút động lực để cải cách và thay đổi. Tuy nhiên, điều đáng mừng là động lực từ CPTPP có thể từ chính các lợi ích mà cải cách thể chế mang lại, nhóm lợi ích thuế quan được đánh giá là lớn và rất quan trọng.
Theo một nghiên cứu của Nhật Bản, đối với trường hợp của Việt Nam, những lợi ích từ thuế quan trong CPTPP chỉ giúp GDP tăng 1,1%, chưa bằng 1/6 lợi ích mà TPP hứa hẹn; nhưng lợi ích từ cải cách thể chế (mà chỉ xét về các hàng rào phi thuế) mà CPTPP mang lại cho GDP Việt Nam gần như bằng với TPP, giúp GDP tăng khoảng 10%.
Vấn đề đặt ra với tất cả chúng ta là làm sao cải cách thể chế kinh tế theo yêu cầu của CPTPP cộng hưởng với những cải cách môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang thúc đẩy.
Làm sao để cả các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp cùng vào cuộc, để cả hệ thống cải cách một cách thực chất, toàn diện và hiệu quả.
CPTPP là cơ hội, cũng là sức ép, là tiêu chuẩn để chúng ta cải cách vì lợi ích và nhu cầu của chính mình.
- Thách thức trong thực thi CPTPP là vấn đề rất được quan tâm. Ông có cho rằng, khó thực hiện với tình hình hiện nay của Việt Nam hay không?
Ông Vũ Tiến Lộc: Thách thức trong thực thi CPTPP không hề nhỏ hơn so với thực thi TPP. Tất nhiên là lớn hơn nhiều so với các hiệp định thương mại tự do trước đây.
Với các doanh nghiệp, trước hết là thách thức trong việc tận dụng các cơ hội từ CPTPP. Quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang có đã cho thấy khá rõ điều này.
Công ty TNHH may Tinh Lợi, tại Khu công nghiệp Lai Vu, huyện Kim Thành (Hải Dương) đầu tư nhà xưởng, dây chuyền hiện đại, mỗi tháng xuất khẩu hàng triệu sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho 8.000 lao động. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Đơn cử như tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trung bình của các hiệp định FTA hiện chỉ xấp xỉ 30%-40%. Thách thức lớn hơn và riêng có của CPTPP, là thách thức mà ở đó doanh nghiệp phải chủ động tham gia cùng các cơ quan Nhà nước để kiến tạo hệ thống thể chế pháp luật và môi trường kinh doanh, sao cho vừa tuân thủ CPTPP, vừa tận dụng được không gian chính sách còn lại, nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích của doanh nghiệp…
- Ông có khuyến nghị gì tới cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước?
Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi cho là việc phổ biến tuyên truyền các nội dung cam kết của CPTPP, cùng với những tác động và thay đổi của CPTPP trong bối cảnh mới là rất cần thiết để các doanh nghiệp hoạch định tốt hơn mục tiêu kinh doanh của mình.
Đối với các cơ quan nhà nước liên quan, tôi thấy, cần phải có quyết tâm tổ chức thực thi các cam kết CPTPP một cách thuận lợi và thông suốt, để doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các cơ hội thị trường; và phải minh bạch, tham vấn cùng doanh nghiệp trong quá trình rà soát pháp luật, nội luật hóa và thực thi các cam kết CPTPP một cách thích hợp.
- Trân trọng cảm ơn ông.
Theo THẠCH HUÊ (TTXVN/VIETNAM+)