Dấu ấn đậm nét của ngoại giao văn hóa Việt Nam

09/01/2024 - 08:59

Cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa - một trong ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam - đã có những dấu ấn đậm nét trong 2023 vừa qua, khẳng định là một cấu phần quan trọng không thể thiếu của đường lối 'Ngoại giao Cây tre Việt Nam' trong bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam

Ngoại giao văn hóa được xem như là “quyền lực mềm”, “sức mạnh mềm” trong bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Ngoại giao văn hóa đang chứng tỏ sức lan tỏa mạnh, rất hiệu quả, thiết thực, không chỉ thắt chặt quan hệ đối ngoại, giữa các cá nhân các nhà lãnh đạo với nhau mà còn giữa người dân Việt Nam với các nước.

Trong năm qua, ngoại giao văn hóa nước ta đã được triển khai mạnh mẽ, với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú về hình thức, chú trọng chất lượng, linh hoạt, sáng tạo trong ý tưởng và biện pháp, trên cơ sở bám sát các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra, góp phần nâng tầm và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam đến cộng đồng quốc tế. Ngoại giao văn hóa ngày càng phát huy vai trò là một trụ cột đối ngoại quan trọng và có những đóng góp lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh đổi mới và hội nhập quốc tế.

Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng trà gây ấn tượng sâu sắc

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), cho biết năm 2023 là năm rất thành công của đối ngoại đa phương Việt Nam và ngoại giao văn hóa Việt Nam tại tổ chức tầm cỡ toàn cầu như UNESCO. Trong năm, với việc được tín nhiệm đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO khóa 42 và Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và bầu vào Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam cùng một lúc đảm nhận trọng trách tại 5 cơ chế điều hành then chốt của UNESCO, trong đó có 3 vị trí Phó Chủ tịch.

2023 cũng là năm có nhiều danh hiệu, di sản được UNESCO vinh danh. Việt Nam tự hào có Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, Thành phố sáng tạo toàn cầu Đà Lạt và Hội An, danh nhân thế giới Đại danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, góp phần đưa tổng số danh hiệu UNESCO tại Việt Nam lên con số 65. Việt Nam trong năm 2023 cũng đã tranh thủ được sự ủng hộ của UNESCO hồi hương thành công tài sản quốc gia Ấn vàng Hoàng đế Chi bảo, đáp ứng nguyện vọng của Chính phủ và người dân.

Việt Nam đã tiếp tục đóng góp quan trọng vào việc định hình những vấn đề chiến lược, chính sách tầm toàn cầu, tiêu biểu như tổ chức thành công Hội nghị quốc tế đầu tiên của UNESCO về phát huy vai trò các danh hiệu UNESCO vì phát triển bền vững diễn ra tại tỉnh Ninh Bình vào tháng 7-2023 với sự tham dự của bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO. Lãnh đạo UNESCO đề cao ý nghĩa quan trọng và kết quả rất thực chất của hội nghị, trúng với mối quan tâm của các thành viên và xu thế UNESCO gắn kết các danh hiệu vì phát triển bền vững, cho đây là điển hình rất tốt mà UNESCO nên nhân rộng, Việt Nam có thể chia sẻ.

2023 cũng là năm có nhiều sự kiện quan trọng của Việt Nam được tổ chức tại trụ sở UNESCO, góp phần quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Trong đó nổi bật là sự kiện Đêm Di sản và văn hóa Việt Nam nhằm tôn vinh vẻ đẹp, sự phong phú của truyền thống, sự đa dạng, đặc sắc và chiều sâu của văn hóa Việt Nam, chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về một đất nước năng động trong đổi mới, hội nhập, song cũng giàu truyền thống và đậm đà bản sắc dân tộc.

Tăng cường “sức mạnh mềm”, nâng cao vị thế đất nước

Có thể nói, hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc cùng thưởng trà trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam trung tuần tháng 12-2023 gây ấn tượng sâu sắc. Sau cuộc hội đàm rất thành công tại trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần cùng nhau thưởng thức các loại trà nổi tiếng của Việt Nam và Trung Quốc. Đây là một trong những nghi thức lễ tân rất đặc biệt, thể hiện sự gần gũi, thân tình giữa lãnh đạo hai Đảng, nhà nước. Với Việt Nam và Trung Quốc, mời trà thể hiện sự trân trọng, lòng hiếu khách, là dịp trao đổi với nhau những điều chân thành, thẳng thắn.

Năm qua, những hình ảnh như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng Tổng thống Mỹ Joe Biden cuốn sách “Một con người, một con đường và một lịch sử: Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ” hoặc Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bức thư pháp, hay Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội cho Chủ tịch Quốc hội Cuba... đã gây chú ý rất nhiều đối với không chỉ dư luận trong nước mà còn với cộng đồng quốc tế quan tâm đến quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các nước.

Truyền thông quốc tế năm qua cũng đưa nhiều thông tin và hình ảnh các nhà lãnh đạo nước ta cùng người đồng cấp nước ngoài cùng đi dạo, đạp xe trên phố cổ Thủ đô Hà Nội… hay thưởng thức bánh mì, bia hơi.

Những hình ảnh đó chứa đựng nhiều thông điệp về một đất nước Việt Nam, Thủ đô Hà Nội thanh bình; lãnh đạo và người dân Việt Nam nồng ấm, thân thiện, mến khách; một đất nước Việt Nam đang phát triển từng ngày và luôn mong muốn chân thành hợp tác hữu nghị với các quốc gia, làm bạn với bạn bè quốc tế. Đó cũng chính là sự lan tỏa mạnh mẽ, hiệu quả và thiết thực của ngoại giao văn hóa, góp phần tăng cường hiểu biết, thắt chặt quan hệ giữa các nhà lãnh đạo; quan hệ hợp tác hữu nghị giữa đất nước, nhân dân Việt Nam với các quốc gia trên khắp thế giới.

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cho biết, các hoạt động ngoại giao văn hóa ở cấp cao trong năm 2023 là nhằm triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa. Các hoạt động này được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao vì đây là dịp để họ thêm hiểu sâu hơn về Việt Nam; thấy được những nét đặc trưng văn hóa của Việt Nam, từ lối sống thường nhật cho đến phong tục, tập quán. Bạn bè quốc tế không chỉ trải nghiệm, thấy được nét đẹp, bề sâu của văn hóa, sự hiếu khách của người Việt Nam, mà còn cảm nhận được rằng Việt Nam thật sự là một đất nước của đổi mới, hội nhập, năng động nhưng vẫn giàu truyền thống, bản sắc. Điều đó, theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, chính là làm nên “sức mạnh mềm” của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và đổi mới, phát triển.

Những gặt hái, thành công của ngoại giao văn hóa Việt Nam trong năm 2023 cũng như thời gian qua bắt nguồn từ quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là: đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030”, trong đó nêu rõ: Sử dụng công cụ văn hóa trong ngoại giao nhằm đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời dùng các biện pháp ngoại giao để tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước.

Theo An ninh thủ đô