Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng

23/10/2023 - 06:32

 - Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Đây là điều kiện tiên quyết để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực hướng dẫn người dân xây dựng mã số vùng trồng.

Mã số vùng trồng là giấy chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm đảm bảo nông sản lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng, tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số. Vùng trồng được xem xét cấp mã số phải đảm bảo nguyên tắc là vùng sản xuất tập trung, có quy mô nhất định. Để được cấp mã số vùng trồng, các hợp tác xã (HTX), nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác…

Thực hiện việc cấp mã số vùng trồng, thời gian qua, UBND tỉnh đã quy hoạch phát triển vùng sản xuất cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Nhóm cây ăn trái chủ lực của tỉnh có 4 nhóm cây chính là: Cây xoài, chuối (chủ yếu chuối cấy mô), nhãn, cây có múi.

Việc cấp mã số vùng trồng giúp nông sản dễ dàng tiếp cận thị trường

Qua đó, đã hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái nói chung và cây xoài nói riêng, với các giống xoài chủ lực là xoài ba màu, cát Hòa Lộc, xoài keo. Đồng thời, cũng có diện tích chứng nhận VietGAP nên việc thực hiện thủ tục cấp mã số vùng trồng nhanh và thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, đã hình thành các HTX, tổ hợp tác (THT), hội làm vườn sản xuất trái cây, như: HTX Sản xuất GAP Bình Phước Xuân, HTX Trái cây GAP Chợ Mới (huyện Chợ Mới); HTX Nông nghiệp Long Bình (huyện An Phú) chủ yếu sản xuất xoài keo; THT làm vườn Bến Bà Chi (huyện Tri Tôn), Hội làm vườn An Sơn Bảy Núi (huyện Tịnh Biên)…  Ngoài ra, còn có các câu lạc bộ nông dân, quán cà-phê khuyến nông, hội quán… Đây là nơi để nhà vườn trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong liên kết sản xuất, nhằm tiến tới hình thành HTX sản xuất ở các vùng trồng cây ăn trái trong tỉnh để xây dựng mã số vùng trồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, đã cấp 441 mã số vùng trồng, với tổng diện tích trên 18.599ha. Trong đó, lúa 159 mã số, diện tích gần 9.830ha; cây ăn trái 274 mã số với diện tích gần 8.717ha; rau màu 7 mã số với diện tích 51,79ha và 1 mã số cây dược liệu (cây chúc) với diện tích 1ha; cấp 23 mã số cơ sở đóng gói. Trong mã số vùng trồng đã cấp, có 403 mã số vùng trồng xuất khẩu, diện tích gần 16.619ha; số mã xuất khẩu được cấp năm 2023 là 60. Có 38 mã số vùng trồng nội địa, diện tích trên 1.980ha; số mã nội địa được cấp năm 2023 tăng 36 mã số so năm 2022 (2 mã số).

Việc cấp mã số vùng trồng cho các cá nhân, tập thể trong thời gian qua vẫn còn gặp một số khó khăn. Phần lớn các HTX thiếu đội ngũ cán bộ am hiểu chuyên môn về yêu cầu của các nước nhập khẩu cũng như mã số vùng trồng. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, số lượng HTX, THT chưa nhiều. Trong khi đó, một số THT, HTX hiện tại còn hạn chế về năng lực quản lý, điều hành. Do đó, gặp trở ngại trong việc đàm phán với doanh nghiệp cũng như việc quản lý và duy trì các mã số đang sở hữu.

Bên cạnh đó, phần mềm cấp, quản lý mã số vùng trồng trực tuyến vẫn chưa ổn định, đang trong quá trình cập nhật, hoàn thiện nên địa phương khó khăn trong công tác hướng dẫn các cơ sở sản xuất nhập dữ liệu. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra vùng trồng nhóm chỉ tiêu số 2 (đất trồng và giá thể), chỉ tiêu số 3 (nước tưới) cần có mẫu phân tích về kim loại nặng và sinh vật gây hại, phải có chi phí thực hiện cấp và quản lý mã số vùng trồng nội địa…

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng lúa đối với các vùng đã có HTX, THT chưa cấp mã số. Phối hợp với các địa phương xúc tiến đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng tại những nơi chưa có mã số vùng trồng; rà soát thay thế người đứng tên của các mã số vùng trồng, hướng dẫn thay đổi tên người đứng mã số trước đây khi cần thiết. Đồng thời, tập huấn cho nhà vườn hiểu thêm về phương thức tiến hành cấp mã số vùng trồng, phục vụ cho sản phẩm tiêu thụ tại các thị trường, như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc...

MINH ĐỨC