Để an toàn khi bước vào trạng thái “bình thường mới”

19/10/2021 - 05:08

 - Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021 của Chính phủ mở ra hướng tiếp cận mới trong chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Với nghị quyết mới này, bên cạnh sự tích cực, chủ động, nhạy bén trong lãnh, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp thì điều kiện tiên quyết để thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19 vẫn nằm ở nhận thức, ý thức của mỗi người dân.

Người dân, doanh nghiệp phấn khởi

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, tỉnh An Giang đang dần chuyển sang trạng thái bình thường mới. Theo ghi nhận của phóng viên, từ ngày 14-10, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã dỡ bỏ các chốt kiểm soát dịch bệnh ở các tuyến phố, ngã đường sau 3 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19.

Việc dỡ bỏ các chốt kiểm soát giúp việc đi lại của người dân thông thoáng, thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho người dân trở lại hoạt động bình thường. 100% người dân khi ra đường đều mang khẩu trang y tế. Ở các tuyến phố của TP. Long Xuyên, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh và phòng giao dịch tại các ngân hàng có khá đông khách hàng; người dân đều tuân thủ nghiêm việc mang khẩu trang và giữ khoảng cách.

Ảnh: Thanh Hùng

“Tôi cũng như nhiều người khác rất vui mừng khi được nới lỏng giãn cách xã hội, giúp người dân quay trở lại cuộc sống bình thường mới. Tôi hy vọng, mọi người sẽ ý thức và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng” - chị Hoàng Thị Ngọc Oanh (ngụ khóm Đông Thịnh 6, phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ.

Mấy tháng nay, anh Nguyễn Văn Trung (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) mới có dịp ngồi uống cà phê cùng bạn bè. “Ở nhà thực hiện giãn cách xã hội, cuộc sống bị gò bó, nay TP. Long Xuyên trở lại trạng thái bình thường mới, người dân rất vui mừng. Chưa bao giờ tôi đi ăn sáng, ngồi uống ly cà phê mà ngon, vui đến vậy. Tôi mong rằng mọi người sẽ thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế để hạn chế thấp nhất số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, để cuộc sống mãi bình thường” - anh Trung vui vẻ.

Chị Lâm Thái Ngân (ngụ phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) cùng tâm trạng: “3 tháng rồi, tiệm vàng của tôi mới kinh doanh lại. Dẫu biết rằng sẽ kinh doanh không như lúc trước nhưng vẫn thấy vui, phấn khởi lắm”. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn bày tỏ: “Tôi cũng như các công ty, doanh nghiệp khác, muốn được hoạt động liên tục, không ngừng nghỉ. Việc mở cửa, phục hồi sản xuất - kinh doanh với tinh thần vươn lên. Chúng tôi cố gắng vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong sản xuất - kinh doanh, vừa phấn đấu hoàn thành mục tiêu, cống hiến cho cộng đồng, xã hội, góp phần tăng trưởng cho tỉnh trong những tháng cuối năm 2021”.

Ý thức - điều kiện tiên quyết để thích ứng an toàn

Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành với mục tiêu cao nhất được Chính phủ nhấn mạnh là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện “mục tiêu kép”, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

Trong nghị quyết, Chính phủ quán triệt các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt, đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, KTXH. Trong đó, có 6 nguyên tắc cơ bản được đề ra để thực hiện chiến lược mới, gồm: y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức của người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ được ban hành kịp thời vào giai đoạn cả nước đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch và dịch bệnh đang trên đà được kiểm soát tốt, giúp tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong phát triển KTXH, vốn là hệ lụy của một giai đoạn cả nước buộc phải giãn cách xã hội và phong tỏa để ngăn chặn các làn sóng dịch.

Bước chuyển mình thích ứng này của Chính phủ nhận được sự ủng hộ tích cực của dư luận, nhân dân. Nghị quyết 128/NQ-CP giúp các địa phương, trong đó có tỉnh An Giang tiếp tục chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, vừa phù hợp với tình hình địa phương, vừa thống nhất với chủ trương chung của toàn quốc. Đặt nền móng để triển khai một cách thiết thực và hiệu quả chiến lược chống dịch từ “Zero COVID” sang “sống chung, thích ứng an toàn với COVID-19”.

Để đạt mục tiêu này, ngoài sự đồng lòng, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thì ý thức trong phòng, chống dịch là sức mạnh để An Giang tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách, trả lại cuộc sống bình thường. “Trong hoàn cảnh mới, khi An Giang và cả nước chuyển trạng thái sang thích ứng với đại dịch, chúng ta cần phát huy hơn nữa vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng. Theo đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, cơ sở kinh doanh trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch” - Trưởng khóm Mỹ Quới (phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) Nguyễn Văn Hào nêu ý kiến.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng: “Để chung sống an toàn với dịch COVID-19, mỗi người dân phải nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch, không thể thấy các chính sách nới lỏng mà chủ quan, lơ là. Đặc biệt, việc tiêm vaccine là vô cùng cần thiết để tự bảo vệ mình, người thân và xã hội trong đại dịch”.

THU THẢO