Đề nghị giữ nguyên mức thuế suất hiện hành

29/10/2024 - 16:08

 - Sáng 29/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Tham gia thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ thống nhất cao với các nội dung dự thảo luật được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Các quy định mới được sửa đổi, bổ sung cơ bản giải quyết được bất cập trong thực tiễn, phù hợp mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và xu hướng cải cách thuế của quốc tế.

Phát biểu đóng góp dự thảo luật, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh nhận thấy, Điều 4 có tên gọi là “Người nộp thuế”, còn tên gọi của Điều 5 là “Đối tượng không chịu thuế”, các điều khác cũng sử dụng cụm từ “đối tượng”. Như vậy là chưa thống nhất cách gọi, đề nghị ban soạn thảo rà soát, làm rõ thêm.

Cũng ở Khoản 4, Điều 4 quy định: “Nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử... nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp nước ngoài”. Đại biểu hoàn toàn thống nhất, đề xuất ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần hết sức quan tâm vấn đề này, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về việc quản lý, kê khai và thu thuế đối với các dịch vụ xuyên biên giới. Hiện nay, các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới đang gia tăng mạnh mẽ, rất cần xây dựng cơ chế quản lý thuế hiệu quả, đảm bảo tính công bằng trong cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 9 quy định: “Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ”, ĐBQH Trình Lam Sinh đề xuất vẫn giữ như quy định hiện hành và chuyển sang Điều 5. Đại biểu lý giải, giữ như quy định hiện hành nhằm hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho nông dân, việc tăng thuế suất 5% có thể sẽ tăng chi phí đầu vào, làm tăng giá thành nông sản. Lĩnh vực nông nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều thách thức, như: Thiên tai, dịch bệnh và sự bất ổn về giá cả. Nếu tăng thuế suất 5% đối với phân bón thì nông dân sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất. Đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình thêm vấn đề này để đại biểu yên tâm trước khi thông qua.

Tương tự, Điểm g quy định: “Tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo quy định của Chính phủ”, đại biểu đề xuất giữ như quy định hiện hành và chuyển nội dung này sang Điều 5, nhằm hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho ngư dân, nông dân, nếu tăng thuế suất 5% sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm thủy hải sản đánh bắt.

GIA KHÁNH