Đến lúc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp

01/05/2024 - 02:47

 - Vựa lúa ĐBSCL - vùng đất đai phù sa màu mỡ ở phía Nam Tổ quốc đã và đang đối mặt với biến đổi khí hậu nghiêm trọng, năm sau nặng nề hơn năm trước. Mỗi mùa vụ trôi qua, lại thêm nhiều tiếng thở dài xót xa vì hạn hán, xâm nhập mặn, diễn biến thời tiết cực đoan, khó lường. Sứ mệnh sản xuất nông nghiệp vẫn còn đó, nông dân vùng ĐBSCL chẳng còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục hành trình, nhưng phải bằng tâm thế và tư duy mới.

Nghịch lý của ĐBSCL

Mấy mươi năm gắn bó với cây lúa, với đồng ruộng, kinh nghiệm “trông nhiều bề” của lão nông Trần Hoàng Huynh (ngụ xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn) cũng tích lũy được kha khá. Nhưng ông đâu thể ngờ, hiện nay ngoài “trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông nắng…”, người dân sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL còn phải trông con nước, trông chừng xâm nhập mặn.

"Tình trạng thiếu nước tưới tiêu đang ngày càng phổ biến. Chỉ sợ một lúc nào đó hạn hán nghiêm trọng hơn, chúng tôi sẽ không thể trồng lúa, hoa màu được nữa. Những con đập được phía thượng nguồn xây dựng nhiều hơn, đồng nghĩa với việc nước sông Mekong không còn chảy về hạ nguồn nữa. Chúng tôi mong Trung ương đề ra giải pháp hữu hiệu, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL” - ông Huynh bày tỏ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tài nguyên nước mặt của vùng ĐBSCL đến chủ yếu từ dòng chảy sông Mekong (khoảng 443 tỷ m3/năm, chiếm 94%). Lượng nước này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các công trình thủy điện thượng nguồn.

Ngoài ra, vùng ĐBSCL còn đang đối diện với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng. Độ mặn trên sông Tiền, sông Hậu nằm ở mức 4g/l, xâm nhập sâu nhất khoảng 50 - 65km; trên sông Vàm Cỏ là 4g/l, xâm nhập sâu nhất khoảng 90 - 120km. Hiện trạng này dẫn tới hệ lụy nghiêm trọng, như: Mất mùa, khan hiếm nước sinh hoạt và sản xuất… ĐBSCL là vùng sông nước mênh mông, nhưng lại tồn tại nghịch lý thiếu nước ngọt trầm trọng!

Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Dương Ngọc Lắm thông tin, tình hình hạn hán kéo dài khá lâu, ảnh hưởng trực tiếp đến ĐBSCL, trong đó có địa phương. “Huyện đã xuống giống dứt điểm 38.000ha vụ hè thu 2024. Từ phản ánh của bà con, ngay sau Tết Nguyên đán, chính quyền địa phương, ngành chuyên môn chủ động kiểm tra toàn địa bàn, xác định những nơi thiếu nước cục bộ, sớm đề ra giải pháp khắc phục. Hiện nay, kênh Cái Sắn, kênh Rạch Giá - Long Xuyên, kênh Bốn Tổng, tuyến Núi Chóc - Năng Gù chưa đủ điều kiện nạo vét để lấy nước, phòng tránh sạt lở về sau.

UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương chú trọng bơm nước cho 129 tiểu vùng toàn huyện. Thời gian qua, xã Vĩnh Khánh, Vĩnh Chánh, Vĩnh Trạch… thiếu nước cục bộ, đã khắc phục theo phương án này. Những nơi nghiêm trọng hơn mới xem xét phương án, tiến hành nạo vét kênh” - ông Dương Ngọc Lắm cho biết thêm.

Từ an ninh lương thực đến an ninh nguồn nước

Trong chuyến công tác tại tỉnh An Giang cuối tháng 4/2024, lắng nghe trăn trở của nông dân liên quan đến sản xuất nông nghiệp, Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ về “2 an”: An ninh lương thực và an ninh nguồn nước.

Theo đó, an ninh lương thực là vấn đề của tất cả quốc gia. Trong điều kiện diễn ra xung đột, bất ổn khắp nơi, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, Việt Nam trở thành điểm sáng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của khu vực lẫn thế giới. ĐBSCL lại là nơi cung cấp nguồn lương thực, hàng nông sản chiếm tỷ trọng lớn của cả nước trong xuất khẩu (riêng vụ đông xuân năm nay, ĐBSCL sản xuất 10,7 triệu tấn lúa).

Tự hào là vậy, nhưng chúng ta phải nhận diện một cách sâu sắc về vấn đề sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Biến đổi khí hậu đang đặt ra thách thức cho các quốc gia, dân tộc, buộc phải có cách thích ứng rất kịp thời. Theo Quyền Chủ tịch nước, muốn thích ứng, vấn đề tiên quyết là tư duy sản xuất, tư duy sinh hoạt của cán bộ, Nhân dân phải thay đổi ngay từ bây giờ. Sau đó mới tính đến điều kiện tài chính, kỹ thuật, nhân lực…

Nhiều quốc gia trên thế giới rất quan tâm đến phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước cũng đem lại thời cơ cho đất nước, khi thường xuyên kêu gọi tổ chức, quốc gia hỗ trợ Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng trong lĩnh vực này, thông qua dự án, việc làm cụ thể.

“Nhưng nguồn lực từ bên ngoài chỉ là một phần. Phần còn lại phải đến từ cấp ủy, chính quyền và bà con nông dân. Mọi người phải thay đổi tư duy, tiếp tục giữ vai trò là vựa lúa của cả nước, nơi sản xuất nông nghiệp cung cấp cho quốc gia, cho xuất khẩu; thích ứng với điều kiện mới, không thể sản xuất theo kiểu cũ nữa.

Trước đây, ĐBSCL là vùng lũ, hàng năm lo “sống chung với lũ”. Giờ lũ không còn, mà bà con lại thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. An ninh nguồn nước trở thành vấn đề cấp bách. Do đó, bà con nông dân phải tính toán sử dụng nước khi canh tác một cách tiết kiệm nhất. Cần nhận thức rằng, cách thức sản xuất truyền thống không còn phù hợp, không mang lại hiệu quả nữa, không thể tiếp tục duy trì” - đồng chí Võ Thị Ánh Xuân gợi mở.

Tỉnh An Giang đang tích cực tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Theo đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, từ cam kết, mong muốn chuyển sang hiện thực hóa không hề dễ dàng, trong khi chúng ta còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tài chính của nông dân hạn hẹp, liên kết sản xuất chưa ổn… Những bài toán này cần phải suy nghĩ, sớm có lời giải, để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, để tỉnh An Giang và ĐBSCL phát triển theo kịp các vùng miền khác trong cả nước.

Theo các chuyên gia, an ninh nguồn nước ở ĐBSCL đang đối diện với các thách thức: Biến đổi khí hậu và nước biển dâng; chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn, chuyển nước sông Mekong qua nơi khác; khai thác tài nguyên nước quá mức; thay đổi sử dụng đất và mâu thuẫn dùng nước; suy giảm chất lượng môi trường đất - nước; hiệu quả sử dụng nước rất thấp. Những thách thức này đẩy ĐBSCL vào nguy cơ về suy giảm dòng chảy, hạn hán - xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường

 

GIA KHÁNH