Định hướng phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số An Giang

01/12/2021 - 06:07

 - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 687/KH-UBND về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I từ năm 2021- 2025) nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh và vùng đồng bào DTTS, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH đồng bộ, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và nhà nước.

Chương trình sẽ được triển khai từ năm 2021 đến hết năm 2025 trên địa bàn các xã, ấp vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, ưu tiên nguồn lực của chương trình đầu tư cho các địa bàn xã, ấp đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. UBND tỉnh sẽ tập trung thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS tỉnh An Giang (giai đoạn I từ năm 2021-2025) cùng với các chương trình, dự án và nguồn lực khác, nỗ lực phấn đấu đạt được một số mục tiêu.

Đó là phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng từ 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3-4%/năm, phấn đấu 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Phấn đấu đạt 100% xã vùng đồng bào DTTS có đường đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê-tông hóa, phấn đấu 70% ấp vùng đồng bào DTTS có đường đến trung tâm được cứng hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Cần khai thác tiềm năng, hiệu quả cây trồng các địa phương

Bên cạnh đó là phấn đấu 100% số trường, lớp học, trường dân tộc nội trú và trạm y tế vùng đồng bào DTTS được xây dựng kiên cố; 99% số hộ vùng đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác, 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư, sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ DTTS di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ DTTS đang cư trú phân tán, nơi có nguy cơ sạt lở, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Tăng cường công tác y tế để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, trên 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế. 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS, đảm bảo 80% ấp trong vùng đồng bào DTTS có điểm sinh hoạt cộng đồng phù hợp, 50% ấp trong vùng đồng bào DTTS có đội văn hóa - văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là DTTS tại chỗ, bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương.

Các cấp, ngành tiếp tục nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác dân tộc, xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nên các địa phương chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện theo phân cấp quản lý, đồng thời tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Thực hiện chương trình có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và bền vững, tập trung cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn nhất, vùng đồng bào DTTS, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS khó khăn nhất.

Đồng thời, lồng ghép các cơ chế chính sách nhằm tích hợp, tập trung nguồn lực đầu tư bảo đảm thực chất, hiệu quả. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, khai thác tiềm năng lợi thế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế, đẩy mạnh phát triển KTXH nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân. Quan tâm chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, mở rộng ở các trường dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia; đẩy mạnh nâng cao chất lượng hiệu quả chương trình dạy nghề, giải quyết việc làm, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh tạo việc làm tại địa phương…

NGỌC GIANG