Doanh nghiệp kỳ vọng năm mới thắng lợi mới

24/02/2022 - 06:03

 - Năm 2022 sẽ là năm bản lề để doanh nghiệp (DN) xây dựng các kế hoạch hồi phục kinh tế và tăng tốc sản xuất - kinh doanh (SXKD), tạo đà phát triển. Các DN kỳ vọng vào chương trình phục hồi nền kinh tế trong năm 2022 sẽ đi đúng hướng, để làm bàn đạp giúp DN hồi phục.

Khu du lịch điện mặt trời An Hảo, điểm “check-in” mới của khách du lịch

Phục hồi nền kinh tế

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai Trương Vĩnh Thành chia sẻ: “Lưu thông hàng hóa thuận lợi và đáp ứng nhu cầu đi lại của con người là những yếu tố cơ bản của một nền kinh tế. Trong đợt bùng dịch lần thứ 4 vừa qua, chúng ta phải gánh hậu quả vì 2 yếu tố này không được đảm bảo. Hiện nay, tại một số tỉnh, thành phố vẫn còn áp dụng các biện pháp hạn chế, như nhiều tuyến lưu thông chưa cho khôi phục, phải làm thủ tục khai báo y tế, xét nghiệm COVID-19, mất thời gian và tốn kém”.

Khó khăn và thách thức đối với ngành xuất khẩu rau quả trong năm 2022 là tiếp tục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến tình hình thiếu container, giá cước, nguyên vật liệu đầu vào đang tăng và ở mức rất cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động SXKD thời gian tới.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) Nguyễn Ngọc Vinh phân tích: “Năm 2021, tổng doanh thu của công ty đạt hơn 503 tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp sẽ là thách thức lớn cho tất cả các DN trong việc duy trì hoạt động, ổn định sản xuất. Nhiều nước nhập khẩu sẽ tiếp tục siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản và nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm, do đó, các DN phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nhập khẩu của các nước”.

Bên cạnh đó là rào cản sản xuất, hiện tại Việt Nam, An Giang chưa có vùng trồng đủ lớn bảo đảm chất lượng nguồn cung ổn định cho xuất khẩu sang các thị trường khó tính, như: Hoa Kỳ, Châu Âu… Công nghệ bảo quản rau quả trong khâu chế biến còn hạn chế; chi phí vận chuyển cao ảnh hưởng tới giá thành phân phối sản phẩm, giảm khả năng cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại của các nước. Việt Nam, An Giang chưa có nhiều mô hình sản xuất rau quả tập trung quy mô lớn nên việc áp dụng truy xuất nguồn gốc với từng hộ nông dân là rất khó khăn và tốn kém...

“Công ty kỳ vọng tình hình dịch bệnh COVID-19 sớm được kiểm soát trên toàn cầu để sản xuất và lưu thông hàng hóa trở lại bình thường, không còn bị đứt gãy chuỗi cung ứng như thời gian qua gây nhiều khó khăn cho DN. Kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi nhanh để các DN phát triển kinh doanh và mở rộng quy mô” - ông Vinh chia sẻ.

Phó Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) Trần Vũ Đình Thi cho rằng: “Trải qua năm 2021 với vô vàn những khó khăn, song công ty chúng tôi vẫn nỗ lực và vượt kế hoạch kinh doanh nhờ những điều chỉnh, thích ứng trong bối cảnh đại dịch. Năm 2022, chúng tôi kỳ vọng kinh tế Việt Nam và An Giang tiếp tục có những khởi sắc. Công ty kỳ vọng Đảng, nhà nước và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ cộng đồng DN bằng những chính sách thiết thực, những gói hỗ trợ khôi phục SXKD. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi về lãi suất để mở rộng quy mô kinh doanh của DN. Là DN hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi hy vọng “mưa thuận, gió hòa” trong năm 2022 để bà con nông dân có được những vụ mùa bội thu. Công ty có nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng để tiếp tục vươn xa, mở rộng thị trường xuất khẩu”.

Chế biến rau quả xuất khẩu

Nhiều kiến nghị

Các DN đã có nhiều ý kiến, kiến nghị với tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển SXKD, dịch vụ. Kiến nghị 2 vấn đề về hạ tầng giao thông và thủ tục hành chính, ông Trương Vĩnh Thành cho rằng: “Mặc dù những năm qua hệ thống giao thông liên tục được nâng cấp. Tuy nhiên, còn nhiều tuyến giao thông lớn chưa hoàn chỉnh và một số tuyến giao thông, nhất là đường giao thông dẫn đến các khu, điểm du lịch chưa được nâng cấp, chưa kể một số tuyến đường đang xuống cấp, du khách rất ngán ngại. Du lịch đã được xác định là kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nên hạ tầng du lịch phải được đầu tư đúng mức, trong đó hệ thống giao thông là vấn đề lớn nhất. Cùng với đó, cải tiến thủ tục hành chính, đơn giản bớt các công đoạn, rút ngắn thời gian trả kết quả cho người dân, DN. Thủ tục càng nhiều thì công việc càng chậm”.

Ông Thành kiến nghị: “Trung ương nên phân quyền nhiều hơn cho địa phương. Như hiện nay có quy định chuyển mục đích sử dụng đất lúa từ 10ha trở lên phải xin Thủ tướng. Hồ sơ phải thông qua các bộ, ngành rất nhiêu khê. Trong khi đó, chính quyền địa phương hiểu rất rõ về đất đai tại địa phương nhưng quyền quyết định bị giới hạn”.

Các sản phẩm gạo

Ông Nguyễn Ngọc Vinh đề nghị: “Tỉnh tiếp tục hỗ trợ vốn cho các DN bằng chính sách cụ thể, như: Xem xét miễn giảm thuế, phí, lệ phí… Các sở, ban, ngành tiếp tục làm việc với Bộ Công thương trong việc hỗ trợ giá điện cho các DN. Có cơ chế, chính sách kiểm soát tốt đảm bảo bình ổn giá cước tàu, cước container, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng… để ổn định chi phí đầu vào cho DN và bà con nông dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm chỉ đạo và hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn theo yêu cầu thị trường, bảo đảm cung ứng đầy đủ về số lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu nông sản phục vụ cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các DN”.

Ông Trần Vũ Đình Thi chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được những sự hỗ trợ từ tỉnh trong việc liên kết sản xuất với bà con nông dân, hỗ trợ về nguồn quỹ đất để mở rộng quy mô, tiếp cận nguồn vốn vay từ hệ thống các ngân hàng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sản xuất. Chúng tôi kỳ vọng trong năm mới, Angimex tiếp tục đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch SXKD, để đóng góp ngân sách cho tỉnh và cùng đồng hành thực hiện các chương trình an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tỉnh nhà trong bối cảnh bình thường mới”.

Tin rằng với quyết tâm của DN, cùng sự hỗ trợ tích cực của nhà nước, sẽ tạo khí thế và sức bật trong năm mới, hoàn thành các mục tiêu của năm 2022.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU