Thời gian chủ yếu được diễn tả trong tác phẩm kéo dài khoảng 7 tháng (từ đầu tháng 10/1953 tới đầu tháng 5/1954). Không gian tập trung đặc biệt vào khu Tây Bắc, Bắc Bộ với điểm nóng tột độ Điện Biên Phủ. Một câu nói vô cùng cô đọng của Bác Hồ: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Đây là chỉ thị cao nhất của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, soi sáng toàn bộ chỉ đạo của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đối với chiến trường cả nước, Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày mùng 5 tháng Giêng năm 1954, sau khi chào tạm biệt Bác Hồ, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận. Hiện lên trong cuốn hồi ức là hình ảnh rừng núi Điện Biên điệp trùng, hiểm trở, xa xôi và hẻo lánh. Nhưng mấy vạn tướng sĩ ở mặt trận hoàn toàn không biết rằng, vị Tổng tư lệnh, bằng sự nhạy cảm của một thiên tài quân sự, bằng sự nhìn xa trông rộng của mình, bắt đầu cảm nhận một cái gì khác lạ, không ổn.
Đạo làm tướng không cho phép Đại tướng Võ Nguyên Giáp bỏ qua những dấu hiệu khác thường, nguy hiểm có thể xuất hiện giữa mặt trận vừa lớn, vừa đặc biệt như Điện Biên Phủ. Đạo làm tướng đòi hỏi ông phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính mạng của lực lượng trọng pháo, pháo phòng không Việt Nam, mấy vạn bộ binh (hầu hết đại đoàn chủ lực của toàn quân). Theo thói quen, phong cách “luôn luôn nghiên cứu thực tế, luôn luôn xuất phát từ thực tế, và luôn luôn phân tích thực tế” của mình, Tổng tư lệnh bí mật cùng hai cán bộ cấp dưới điều nghiên kỹ lưỡng, chuẩn bị hết sức công phu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy, địch đang gấp rút tăng cường quân số, lương thực, vũ khí... mọi mặt cho Điện Biên Phủ. Ngoài những điểm yếu cơ bản, địch có nhiều điểm mạnh hơn hẳn quân ta, như: Không quân hiện đại, xe tăng, có trọng pháo 155 li, hệ thống lô cốt ngầm dày đặc với nhiều loại vũ khí cực mạnh. Pháp có nhiều đơn vị thiện chiến, giàu kinh nghiệm chiến đấu theo chiến thuật phòng ngự tích cực tại lô cốt ngầm. Ngoài ra, quân đội Pháp còn được Mỹ giúp đỡ nhiều về vật chất, động viên mạnh mẽ về tinh thần…
Một sự tiên đoán đến trong tâm trí vị Tổng tư lệnh rằng, vấn đề sống chết lúc này là phải lập tức tìm bằng được cách tiến công phù hợp, một nghệ thuật quân sự thích hợp. Vẫn biết chiến lược chung của cách mạng Việt Nam khi đó là tiến công, tiến công liên tục. Nhưng ở Điện Biên Phủ, tiến công bằng cách nào, tiến công như thế nào để vừa giành được toàn thắng ở mức cao nhất, vừa giảm thấp sự mất mát xương máu của mấy vạn tướng sĩ thuộc đơn vị chủ lực mạnh nhất của ta khi ấy?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã buộc phải giải một bài toán mới lạ, cực kỳ hóc búa trong tình trạng khẩn cấp. Lời giải lầm lẫn, dù nhỏ, về cách tiến công, về cách đánh, vào giờ phút quyết liệt nhất, sẽ dẫn đến sự tan rã của ta. Nếu như vậy, kháng chiến chống thực dân Pháp của ta sẽ đi vào bế tắc. Thời gian lúc ấy không chờ đợi, tình thế gấp gáp. Theo kế hoạch đã được chuẩn bị, đúng 17 giờ, ngày 26/1/1954 tổng tấn công. Cả đêm 25/1, vị Đại tướng mất ngủ, trăn trở suy nghĩ phương án. Sáng hôm sau, ông xuất hiện với nắm ngãi cứu quanh đầu. Ông không thể để mấy vạn bộ đội tinh nhuệ - vốn cơ bản và quý báu nhất do 7 năm kháng chiến trui luyện - bị nướng cháy trong vài ba ngày đêm ở lòng chảo Điện Biên Phủ.
Sáng 26/1, cuộc họp diễn ra. Từ tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Chính trị, đến Chủ nhiệm Cung cấp chiến dịch, tất cả đều nêu lý do đơn giản nhưng rất chính đáng: Công tác chuẩn bị mọi mặt theo phương án đánh nhanh, thắng nhanh đã được hoàn thành về cơ bản, toàn thể đơn vị đang náo nức chờ đợi trận đánh mở màn. Lương thực chỉ đủ cung cấp trong ít ngày, nếu đánh kéo dài, bộ đội không có gạo ăn. Vì vậy, ai nấy đều muốn thực hiện phương án cũ. Cuộc họp diễn ra căng thẳng, phải tạm dừng để các thành viên vừa giải lao, vừa suy nghĩ thêm.
Khi xong giải lao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bình tĩnh, nghiêm giọng nói: “Tình hình khẩn trương, cần sớm có quyết định. Vô luận tình hình nào, chúng ta vẫn phải nắm nguyên tắc cao nhất là đánh chắc thắng. Trước khi tôi lên đường ra trận, Bác Hồ đã trao nhiệm vụ. Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: “Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm hay không?”…”. Trước câu hỏi đanh thép và nóng bỏng ấy, trước tỷ lệ phần trăm chắc nịch, trước phương pháp làm việc hết sức dân chủ và đầy tinh thần trách nhiệm của vị Tổng tư lệnh, các đảng ủy viên đã phải cân não, lần lượt trả lời: “Không thể!”.
Như vậy là rõ, phương pháp đánh nhanh, thắng nhanh không chắc chắn thắng. Mà đã không chắc chắn thắng thì không đánh. Nhưng không đánh, trong trường hợp này không hề có nghĩa là giải binh, từ bỏ cuộc đại tổng tiến công. Trái lại, quyết tâm tiến công quyết liệt giành toàn thắng phải mạnh hơn gấp đôi. Với tư cách Tổng tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định: Hoãn giờ tổng tấn công. Toàn mặt trận chuyển ngay sang thực hiện phương án mới, đánh chắc, tiến chắc. Pháo binh phải kéo pháo ra, đặt pháo theo vị trí an toàn, bí mật và chuẩn xác hơn…
Nhận được báo cáo của Tổng tư lệnh, Ban Thường vụ Chiến dịch, đứng đầu là Bác Hồ, hoàn toàn nhất trí. Vì vậy, công tác chuẩn bị kéo dài thêm nhiều tuần lễ nữa. Đúng 17 giờ 5 phút, ngày 13/3/1954, cuộc đại tiến công vào cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Nghệ thuật quân sự đánh chắc, tiến chắc của vị Đại tướng huyền thoại đã bảo toàn về cơ bản tính mạng mấy vạn tướng sĩ tinh hoa, góp phần quyết định việc giải phóng Hà Nội mà không đổ máu, không phải bao vây Hà Nội, không mất một mũi tên hòn đạn.
“Phải đánh và chiến thắng ở mức cao nhất đi đôi với giảm thấp nhất sự hy sinh xương máu của tướng sĩ” là luận điểm lớn của chiến tranh chính nghĩa xưa nay của loài người, nhưng khó thực hiện. Luận điểm này là một trong những đóng góp lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thực tiễn chiến trường, vào sự phát triển lý luận quân sự Việt Nam và thế giới ngày nay.
NGUYỄN TẤN TUẤN