Đổi mới sáng tạo 'mở đường' cho những thành tựu trong nông nghiệp

27/12/2020 - 16:33

Do đặc thù địa phương vùng cao, điều kiện canh tác, sản xuất của bà con nông dân Lào Cai gặp nhiều khó khăn với địa hình đồi núi dốc, chia cắt mạnh, giao thông đi lại cách trở.

Trong cái khó, xuất phát từ thực tế sản xuất, những người nông dân ở tỉnh Lào Cai đã học hỏi lẫn nhau, tự mày mò, nghiên cứu cho ra đời không ít những cách làm hay hoặc dù còn đơn sơ nhưng mang tính ứng dụng cao. Các sáng kiến này không những góp phần tăng năng suất, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mùa vụ, giảm bớt sức lao động mà còn nâng cao chất lượng bảo quản các sản phẩm nông sản bản địa cải tiến kỹ thuật.

Tưới kết hợp bón phân trên đất cát, một giải pháp tiếp cận thông minh giúp tiết kiệm nước tưới, giảm chi phí sản xuất ở Lào Cai. Ảnh: baolaocai.vn

Giảm công sức vận chuyển

Những ai lần đầu đến với xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà - thủ phủ quế của Lào Cai sẽ không khỏi ngạc nhiên khi được chứng kiến từng khối cành lá quế được chằng buộc cẩn thận nối nhau từng hàng chạy theo ròng rọc từ đỉnh đồi xuống đường cái, nơi những người nông dân đã đợi sẵn để vận chuyển đến nơi chế biến.

Đặc thù nương quế của đồng bào dân tộc Dao, Mông ở đây chủ yếu nằm ở đồi cao có địa hình hiểm trở. Ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Đét cho biết, như thôn Nậm Tống Hạ, xã Nậm Đét có 50 hộ dân cứ đến mùa thu hoạch quế hoặc các loại nông, lâm sản khác thì việc vận chuyển nhờ vào sức người gùi cõng vượt qua đoạn đường đồi cheo leo gập ghềnh. Mùa nắng còn đỡ chứ mùa mưa lũ rất nguy hiểm.

Quế ngày càng được giá, diện tích được mở rộng, người dân Nậm Đét học cách làm cáp treo ở nhiều địa phương khác và về quyết định đầu tư làm hệ thống cáp treo ở quê hương. Theo đó, một đầu dây cáp được néo chặt vào một điểm cố định ở trên đồi cao, đầu còn lại vượt đồi kéo dài xuống các tuyến đường liên thôn, liên xã - những nơi đặt điểm tập kết thu hoạch và vận chuyển quế.

Chỉ cần chừng hơn phút sau, cả tạ quế đã có mặt phía người đón ở đầu bên kia. Hàng lấy xong, người bên này dùng tay quay để kéo ròng rọc trở lại. Cứ thế, mỗi ngày, hệ thống cáp treo của nông dân Nậm Đét có thể vận chuyển đến hàng tấn quế/hộ. Trong khi, với số lượng này, trước kia, trung bình một gia đình 4 người phải làm vất vả cả tuần chưa xong…

Không chỉ dùng vận chuyển quế, cáp treo ròng rọc của nông dân Lào Cai đang được áp dụng tại nhiều xã vùng cao khác để vận chuyển nông sản như ngô, sắn thay thế sức người và ngựa thồ. Đây là sáng kiến hữu ích bởi khi bà con áp dụng đã giảm được sức lao động, hiệu quả công việc tăng lên gấp 4 -5 lần so với dùng ngựa thồ. Hơn nữa, khi vận chuyển nông sản xuống cũng rất an toàn - ông Đặng Xuân Phương cho hay.

Nếu như ở vùng cao, nông dân Lào Cai sử dụng cáp tời, thì các xã vùng thấp sử dụng đường ray tự động. Trang trại tổng hợp của lão nông Vũ Văn Thính thôn Thái Vô, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng sử dụng 2 tuyến đường ray vận hành tự động. Một tuyến chở thức ăn, vôi bột và vật dụng chăn nuôi lên khu trại; một tuyến để chở chất thải chăn nuôi gà sang bón cho vườn chuối.

Đây là sản phẩm do ông Thính cùng người con trai tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải nghiên cứu lắp đặt. Đường ray hoạt động theo nguyên lý ròng rọc. Vì  được cải tiến nên nó có thể chở tối đa 6 người một cách an toàn khi được lắp đặt ở độ dốc dưới 20%. Trang trại của ông Thính gồm 10 ha được quy hoạch, phân chia làm 3 khu sản xuất với 5 ha rừng quế và mỡ, 2 ha nuôi gà dưới tán rừng và 3 ha chuối cấy mô trên đồi cho nguồn lãi hàng tỷ đồng mỗi năm.

Các khu chăn nuôi lợn, gà thương phẩm được xây dựng ở chân đồi, cách xa nhà cả trăm mét. Khi dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh gia cầm bùng phát mạnh, để bảo vệ đàn lợn thịt 300 con và hàng chục đầu lợn nái với cả nghìn con gia cầm, toàn bộ khu vực chăn nuôi của gia đình ông Thính được vệ sinh khử trùng nghiêm ngặt. Do đó, dù dịch bệnh trong những năm qua diễn biến phức tạp, tuy nhiên, đàn vật nuôi nhà ông không hề hấn gì.

Sáng tạo hữu ích từ màng ni lông

Màng ni lông trước đây đã được nông dân Bắc Hà dùng để phủ đất tạo môi trường trồng trọt thuận lợi, giúp cây trồng đặc biệt dược liệu phát triển tốt nhất. Tuy nhiên, việc thực hiện đục lỗ ni lông che phủ mặt luống để gieo hạt còn thực hiện thủ công, năng suất thấp và mật độ không đều giữa các hàng. 

Xuất phát từ thực tế đó, anh Giàng Seo Ly, dân tộc Mông, thôn Lả Dì Thàng, xã Tả Van Chư đã chế tạo ra chiếc máy đục lỗ ni lông che phủ đất, giúp tiết kiệm thời gian so với đục thủ công. Các lỗ đục theo quy trình kỹ thuật, mật độ giữa các hàng đều nhau… nên năng suất tăng cao. Màng phủ được sản xuất dưới dạng cuộn dài 600 m.

Trước kia, muốn sử dụng, bà con phải trải màng trên mặt phẳng rồi đục lỗ. Công việc này phải làm bằng tay, rất lâu và cực nhọc. Để khắc phục hạn chế đó, anh Giàng Seo Ly đã tạo ra một cỗ máy thô sơ hoạt động theo nguyên lý dùng con lăn biến những cuộn ni lông thành các dạng bản hình chữ nhật nhằm dễ dàng cho việc đục lỗ.

Với 600 m ni lông, người đục lỗ chỉ mất chưa đầy 5 phút thao tác. Máy gọn nhẹ nên sau khi hoàn thành đục lỗ, nông dân xách máy ra ruộng trải ni lông lên đất đủ diện tích cần thiết thì cắt và chuyển sang luống đất tiếp theo. 

Bà Nguyễn Thị Huê - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp Bắc Hà cho biết, dược liệu là loại cây trồng đặc biệt “khó tính”, nên về kỹ thuật, để cây phát triển tốt, bà con cần che phủ nilon trên mặt luống để giữ ấm cho đất, tiết kiệm nước tưới đặc biệt trong mùa khô ở vùng cao như Bắc Hà. Màng che phủ cũng chống rửa trôi phân bón, không cho cỏ dại mọc, đồng thời làm mất chỗ trú ẩn của sâu hại, bảo vệ cây trồng, giúp cây trồng quang hợp tốt hơn, hạn chế ánh sáng trong đất giúp rễ cây phát triển...

Nhờ chú trọng cải tiến kỹ thuật canh tác, nhiều năm nay, bà con Tả Van Chư đều thu hoạch dược liệu được mùa được giá. Bà Huê cho biết, đến cuối tháng 12, toàn xã đã thu hoạch xong 24 ha cát cánh đạt trữ lượng 170 tấn củ tươi. Bình quân mỗi ha cây dược liệu mang về nguồn thu từ 120-140 triệu đồng, cao gấp 5- 6 lần so với cấy lúa, trồng ngô. Toàn bộ sản phẩm từ củ và rễ đều được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà thu mua hết với giá đã cam kết ổn định là 25.000 đồng/kg, mang về cho bà con tổng thu trên 4 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài dùng để che phủ luống, màng nilong đang được nhiều người dân Bắc Hà sử dụng để che phủ nông sản. Màng ni lông màu trắng trong được nông dân địa phương dùng để làm nhà kính để ánh sáng có thể xuyên quan đồng thời vẫn ngăn chặn được ảnh hưởng của thời tiết. Cách làm này tuy đơn giản nhưng tỏ ra khá hiệu quả, giúp việc phơi phóng, bảo quản nông sản được tốt hơn.

Trước đây, sau quá trình thu hoạch, việc bảo quản nông sản rất vất vả vì thời tiết vùng cao mùa hè mưa nắng thất thường. Mùa đông thì sương muối, băng tuyết, sương mù dày đặc khiến nông sản dễ bị ẩm, mốc giảm chất lượng và giá bán. Khi bà con áp dụng cách làm này, việc thu dọn, phơi phóng nông sản không còn là nỗi lo. Nông sản khô, sạch, ít ẩm mốc nên chất lượng tốt, giá bán cao hơn. Người dân chỉ phải đầu tư một lần mua ni lông, dựng khung bạt; kinh phí ít thì tận dụng bằng tre cũng sử dụng được trung bình từ 3-5 năm nên rất tiết kiệm.

Đổi mới sáng tạo đã thực sự “mở đường” cho những thành tựu quan trọng trong nông nghiệp Lào Cai những năm qua; trong đó, những "nhà sáng chế" nông dân trong gian khó đã không nản lòng, nhụt chí vận dụng kiến thức thực tiễn từ sản xuất để phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, làm giàu cho gia đình và xây dựng nông thôn mới.

Theo HƯƠNG THU (Báo Tin Tức)