Đổi mới, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch

23/12/2019 - 07:46

 - Năm 2019, An Giang đón 9,2 triệu lượt khách đến tham quan (tăng 8,23% so năm 2018). Doanh thu từ du lịch ước khoảng 5.500 tỷ đồng (tăng 14,85% so năm 2018). Ðể có được những thành tựu đáng khích lệ đó, năm qua, bên cạnh việc đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng cường quản lý, làm trong sạch môi trường kinh doanh dịch vụ, có một phần đóng góp quan trọng từ việc đổi mới, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

Đạt nhiều thành tựu

Với sự quan tâm đầu tư của ngành du lịch tỉnh và sự phối hợp của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, thời gian qua, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch An Giang từng bước được đổi mới, mở rộng về quy mô, phạm vi hoạt động, với nhiều chương trình, sự kiện được tổ chức và tham gia ở các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài. Trưởng phòng Xúc tiến du lịch, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh Đặng Đức Phong cho biết: “Năm 2019, công tác xúc tiến du lịch của tỉnh đã đạt được những thành tựu nhất định. Thông qua việc tổ chức và tham dự các sự kiện du lịch lớn, thu hút sự quan tâm của du khách ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó, đã giới thiệu đến du khách về hình ảnh quê hương, con người An Giang và những tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm du lịch hấp dẫn của tỉnh. Đồng thời, mở ra các cơ hội hợp tác đầu tư, khẳng định vị thế du lịch của tỉnh trong khu vực ĐBSCL và cả nước”.

Năm 2019, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh đã tổ chức các hoạt động, như: Hội bánh ngày xuân 2019 tại Bảo tàng tỉnh; Đoàn hợp tác, kết nối phát triển du lịch giữa 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL với các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội; Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL tại Hà Nội; Đoàn Postshow Tour dành cho người mua và báo chí quốc tế khảo sát du lịch An Giang. Song song đó, đơn vị còn tích cực tham gia các sự kiện, hội chợ du lịch lớn trên toàn quốc, như: Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2019 tại Hà Nội; Ngày hội du lịch TP. Hồ Chí Minh; Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ; Lễ hội ẩm thực Đất Phương Nam; Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh; Tuần văn hóa du lịch Bạc Liêu 2019; Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2019 tại TP. Cần Thơ; Tuần văn hóa du lịch Mũi Cà Mau 2019...

Hoạt động xúc tiến du lịch An Giang tại Hội chợ Du lịch quốc tế Cần Thơ năm 2019. Ảnh: CTV

Bên cạnh những thành quả đạt được, hoạt động du lịch của tỉnh cũng còn những hạn chế nhất định, cần khắc phục, như: cơ sở hạ tầng giao thông còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của du khách trong mùa cao điểm; các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh còn rời rạc, quy mô nhỏ lẻ, ít tham gia vào công tác quảng bá xúc tiến du lịch... Mặt khác, do nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế. Sự liên kết hoạt động giữa các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và giữa lĩnh vực du lịch với các ngành khác chưa gắn kết. Mặc dù thời gian qua, ngành và các địa phương quan tâm đầu tư, đa dạng hóa, phong phú sản phẩm du lịch, tuy nhiên chưa có sản phẩm đặc trưng cho địa phương. Một vấn đề nữa là việc kết hợp các hoạt động đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao lớn để quảng bá, giới thiệu, khẳng định thương hiệu du lịch An Giang chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Vừa thu hút, vừa giữ chân du khách 

Đó là mục tiêu đề ra trong năm 2020 của ngành du lịch tỉnh. Theo đó, phấn đấu đóng góp trực tiếp 8,8% tỷ trọng vào GRDP của tỉnh và đón trên 10 triệu lượt khách (trong đó khách lưu trú chiếm 20%); có ít nhất 1 khu du lịch văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 3-4 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô vừa; khai thác tốt tuyến du lịch kết nối nội - ngoại vùng và tuyến du lịch xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia - Thái Lan- Lào.

Để công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tiếp tục đạt chất lượng cao, ngành du lịch tỉnh tiếp tục tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch An Giang bằng nhiều hình thức, nhiều thông tin, nhất là chú trọng các kênh truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại. Thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin về du lịch trên website của trung tâm, chia sẻ trên trang facebook. Rà soát, tổng hợp và cập nhật thông tin, hình ảnh du lịch để hình thành cơ sở dữ liệu và tiếp tục duy trì, quảng bá, nâng cao chất lượng hoạt động của Điểm hỗ trợ du khách. Thiết kế, tái bản và nghiên cứu thực hiện mới các loại ấn phẩm quảng bá du lịch, như: địa chí, bản đồ du lịch, tờ rơi, các tour du lịch nội tỉnh, đặc sản ẩm thực An Giang theo phong cách chuyên nghiệp, hiện đại, thu hút được quan tâm của du khách...

Tích cực tham gia triển lãm tại các sự kiện, ngày hội du lịch lớn trong nước, như: Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam tại Hà Nội (VITM Hanoi); Hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh (ITE HCMC); kết hợp tổ chức các đoàn Famtrip liên kết, hợp tác phát triển trong và ngoài nước, như: liên kết, hợp tác phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh; kết nối, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành phố (Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu); hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố Vương quốc Campuchia, Thái Lan, Lào... Thông qua các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá trong quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh, định vị thương hiệu du lịch An Giang trên bản đồ du lịch của cả nước. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa về số lượng và chất lượng; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

THU THẢO