Đưa đam mê lan vào làm kinh tế

17/07/2024 - 06:50

 - Những cánh lan mỏng manh nhưng đủ sức “mê hoặc” người yêu hoa. Ngoài vẻ đẹp đỏng đảnh, lan còn được xem là loài hoa mang lại giá trị kinh tế cao. Vì vậy, nhiều người đã tìm cách hòa quyện niềm đam mê chơi hoa vào việc kinh doanh, như cách làm của Câu lạc bộ (CLB) Hoa lan Châu Phú (tỉnh An Giang).

Chăm sóc hoa lan

Khu vườn trên cao

Dẫn chúng tôi đi sâu vào con hẻm nhỏ ở thị trấn Cái Dầu (huyện Châu Phú), anh Lê Duy Thái (sinh năm 1987) dừng xe lại khi chạy vào căn nhà cuối đường. Chúng tôi đang ngơ ngác vì không thấy lan, cũng chẳng thấy vườn, anh cười chỉ tay lên trên gác. Thì ra, anh gói trọn đam mê lan của mình, xây dựng “khu vườn trên cao” rất khác biệt. Hơn 10 năm nay, anh đầu tư hàng trăm triệu đồng cho chúng.

“Ban đầu, tôi chỉ trồng ít cây lan, ngắm chúng nở như một cách giải trí. Sở thích lớn dần, số cây tập hợp cũng tăng dần. Nếu cứ theo đà này, kinh phí bỏ ra rất lớn, tôi khó duy trì được sở thích. Nhận thấy tiềm năng kinh doanh từ hoa lan, tôi quyết định đem đam mê của mình đi “khởi nghiệp”. Từ khu vực trồng lan nhỏ xíu ban đầu, tôi mở rộng 150m2 trên cao, tạo không gian phù hợp cho cây sinh trưởng” - anh Thái kể.

Khu vườn ấy vừa đủ độ mát cho cây, vừa đủ độ thoáng vươn lên khỏi con hẻm nhỏ, là nơi sinh trưởng của hơn 2.000 chậu lan các loại. Trong mắt người yêu lan như anh Thái, mỗi chậu cây đều mang vẻ đẹp rất riêng - vẻ đẹp của sự sống, của tương lai. Tự tay chăm sóc chúng từ lúc còn nhỏ xíu đến khi ra hoa bung nở xuân thì, nên cây nào anh cũng yêu thích.

Nhưng nếu nói yêu thích nhỉnh hơn một chút, anh nhắc về chậu “vũ nữ bóng đêm” khá hoành tráng, treo tuốt trên cao: “Tôi trồng nó 4 năm trước. Đặc tính của cây là ra hoa liên tục, ít thì 3 - 4 hoa, nhiều rộ thì 50 - 60 bông. Cứ mỗi vòi lại có 2 - 3 nụ hoa mọc lên. Chúng có mùi thơm dịu, nhưng chỉ nở vào ban đêm. Tháng 4/2023, tôi đem chậu lan thi thố Giải CLB Hoa lan Hà Đông (TP. Hà Nội), “ẵm” luôn giải nhì”.

Anh nhẩm tính, chỉ gói gọn ở khu vườn này, trên dưới 10 cây mang về thắng lợi khi đi thi thố các cấp, từ trong đến ngoài tỉnh, dần dà gầy dựng thương hiệu “trồng lan mát tay” cho chủ vườn. Không thể gom góp mấy ngàn loại hoa lan vào đây, anh Thái tập trung một số cây phù hợp khí hậu miền Nam, cây rừng tự nhiên (đơn thân, vũ nữ, dendro, giả hạc, hồ điệp…).

Mỗi loài hoa có cách chăm sóc khác nhau, tùy theo bản thân chúng ưa độ ẩm đến đâu. Nhưng kết quả phải giống nhau: Hoa đẹp, nở bền, thơm. “Lan không khó trồng, không cần tưới nước mỗi ngày, nên những khi có việc, tôi có thể “đóng cửa vườn” 1 - 2 ngày vẫn yên tâm. Những ưu điểm này thu hút khách đến vườn tham quan, mua nhiều. Nhìn chung, tôi có thu nhập ổn định từ trồng lan. Nguồn thu nhập này tiếp tục nuôi dưỡng đam mê chơi lan cho tôi lâu dài” - anh Thái khẳng định.

Lan dendro chớp có giá trị cao hiện nay

Tập hợp niềm đam mê

Người kết nối chúng tôi đến “khu vườn trên cao” của anh Thái là anh Nguyễn Đình Huấn (sinh năm 1980, Chủ nhiệm CLB Hoa lan Châu Phú). Anh đến với hoa lan từ lúc còn học THCS, sau những lần lân la nhìn ngó người lớn chăm sóc lan. Tình yêu dành cho lan lớn dần theo năm tháng, anh có hẳn 1,5 công đất chuyên trồng loài hoa quý phái này.

Nhưng đâu ai muốn giữ niềm đam mê cho riêng mình! Anh cũng vậy. Thấy nhiều tỉnh, thành phố đều có CLB hoa lan, anh bày tỏ ý định tạo sân chơi tại địa phương. Sau một số khó khăn ban đầu, tháng 10/2017, CLB Hoa lan Châu Phú hình thành, quy tụ hàng chục thành viên khắp tỉnh tham gia sinh hoạt (tổng diện tích 5.000m2).

Theo anh Huấn, mỗi chủ vườn có cách trồng lan khác nhau và có thế mạnh riêng. Chính vì vậy, họ đem đến những màu sắc phong phú, đa dạng cho CLB, gắn kết mọi người tìm đến nhau học hỏi, giao lưu trao đổi kinh nghiệm.

“Nhưng trên hết, mục tiêu chung của CLB là tạo thu nhập cao, bền vững từ trồng lan, từ đó giúp chúng tôi duy trì niềm đam mê lan. Giá mỗi chậu lan cũng đa dạng như chủng loại của chúng. Có chậu chỉ 200. 000 - 300.000 đồng, nhưng có chậu lên đến vài chục triệu đồng, đáp ứng nhu cầu của mọi nhóm khách hàng” - anh Huấn cho biết.

Cũng theo anh, tham gia thử thách ở các cuộc thi hoa là cách quảng bá tài năng của người trồng lan một cách hiệu quả. Để hoa “đem đi đánh xứ người” thành công, cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, cần xem xét toàn diện từ lá, thân, rễ, hoa. Tất cả phải sạch, đẹp, khỏe, hoa to; đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về kích thước, màu sắc được giới chuyên môn đề ra.

Một cây lan có hoa nhiều, nhưng thân còi cọc, lá bị sâu bệnh… thì không thể đoạt giải. Cây lan nào được “nhắm” mang đi thi sẽ được tách ra chăm sóc theo “chế độ” đặc biệt, từ phân, thuốc đến vị trí trồng cây. Bình quân, phải trồng 300 chậu mới tìm ra được 1 chậu ưng ý để dự thi. Tác phẩm đoạt giải tương ứng với tay nghề của nghệ nhân trồng lan được công nhận, là niềm tự hào của thành viên lẫn toàn CLB. Đó cũng là động lực để mọi người gắn bó sâu sắc hơn với lan, duy trì ngọn lửa đam mê qua từng ngày.

Câu chuyện về CLB Hoa lan Châu Phú không chỉ dừng lại ở việc đem “đam mê nuôi dưỡng đam mê”, mà còn hướng về cộng đồng. Mỗi thành viên thường xuyên trích lợi nhuận từ kinh doanh lan góp vào quỹ hỗ trợ học sinh nghèo. Số tiền này dùng để mua xe đạp cho các em, dao động từ 40 - 100 triệu đồng/năm. Đó là tấm lòng của CLB dành cho các em, nhân rộng những điều tử tế, nâng cao giá trị tinh thần đằng sau cánh hoa lan.

GIA KHÁNH