Gắn sản xuất với thị trường, đảm bảo chất lượng nông sản xuất khẩu

31/03/2023 - 14:55

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I và một số nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 31/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, mặc dù đã dự báo được sớm từ cuối năm 2022 đến nay cho thấy, năm 2023 sản xuất, xuất khẩu nông sản rất khó khăn nên các đơn vị cần điều hành linh hoạt cùng với đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã giao cho ngành.

Nông dân huyện Thoại Sơn (An Giang) thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh (minh họa): Công Mạo/TTXVN

Nhìn lại giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2023, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, mức độ giảm đã thấp dần. Với giá trị xuất siêu quý I/2023 đạt 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng xu hướng có sự nhích lên đã rõ qua các tháng.

“Thị trường là đầu kéo cho sản xuất. Do đó, phải tập trung đẩy mạnh xuất khẩu để đẩy giá trong nước. Bên cạnh mở cửa thị trường thì sản xuất phải gắn với thị trường để đảm bảo về chất lượng, tiêu chuẩn để thị trường được mở rộng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Nhìn lại quý I/2023, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện kế hoạch trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát. Tuy nhiên, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao. 

Ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm ổn định sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; tăng cường đàm phán mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. 

Nhờ vậy, nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) của khu vực nông, lâm, thủy sản quý I ước đạt  2,52% so với cùng kỳ 2022; trong đó, nông nghiệp tăng 2,43%, lâm nghiệp tăng 3,66% và thủy sản tăng 2,68%. 

Sản xuất trồng trọt vẫn ổn định, sản lượng nhiều loại cây lâu năm chủ lực tăng. Lúa gạo được mùa, được giá. Giá lúa trong nước tăng, giá xuất khẩu cũng tăng.

Dù dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt nhưng chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi vẫn ở mức thấp trong khi giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Sản lượng thịt hơi các loại chính đạt trên 1,9 triệu tấn, tăng 6% so cùng kỳ năm ngoái.

Sản xuất thủy sản trong quý I có nhiều biến động trong bối cảnh thị trường xuất khẩu giảm mạnh ở những tháng đầu năm. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục được các cơ quan chức năng khuyến khích nuôi tôm chất lượng cao và đầu tư kỹ thuật vào sản xuất; mở rộng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá tra, tôm nước lợ. tổng sản lượng thủy sản ước đạt 1,889 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả trên, theo ông Nguyễn Văn Việt, tốc độ tăng trưởng toàn ngành chưa đạt so với kịch bản tăng trưởng đề ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm (giảm 14,4%); thặng dư thương mại giảm so với cùng kỳ năm ngoái. 

Nguyên nhân do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine; tình trạng lạm phát cao tại một số nước trên thế giới đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu. 

Thêm vào đó, do sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhiều nước tái xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường; trong khi ở trong nước, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới năm 2023. 

Để hoàn thành kế hoạch đặt ra, theo ông Nguyễn Văn Việt, các đơn vị sẽ theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Chỉ đạo chăm sóc và thu hoạch lúa vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu sớm; đặc biệt lưu ý đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa tại các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Lĩnh vực chăn nuôi triển khai các kênh theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng tăng đột biến về giá cả. Cùng với đó là theo dõi tình hình dịch bệnh ở các địa phương đặc biệt đối với bệnh nguy hiểm lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục… và dịch bệnh trên các đối tượng nuôi chủ lực như tôm và cá tra để ứng phó kịp thời cũng như đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Theo TTXVN