Theo các tiểu thương, giá thịt heo mảnh tại chợ đầu mối vẫn cao nên giá thịt bán lẻ tới tay người tiêu dùng gần như không giảm. Tại các chợ truyền thống ở 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, giá thịt lợn dao động phổ biến từ 130.000 - 200.000 đồng/kg, tuỳ loại. Ảnh: I.T
Giá heo hơi hôm nay 27-3: 3 miền ít biến động, duy trì mức cao
Theo khảo sát của PV, giá heo hơi hôm nay tại 3 miền Bắc, Trung, Nam hầu như không có biến động và vẫn duy trì ở mức cao. Trong đó, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam từ 75.000 - 80.000 đồng/kg; giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc phổ biến từ 80.000 - 85.000 đồng/kg.
Đơn cử như tại Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên..., giá lợn hơi đang được các thương lái trả ở mức 82.000 đồng/kg. Tại Phú Thọ, giá lợn hơi ở mức 83.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, giá lợn hơi hôm nay tại Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc vẫn đạt trung bình 85.000 đồng/kg, cao nhất cả nước.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam đang chững lại sau đà giảm nhẹ vào vài ngày trước đó. Đơn cử như ở Đồng Nai, giá heo hơi đang dao động quanh mức 78.000 - 81.000 đồng/kg; Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu giá dao động quanh mức 80.000 đồng/kg.
Giá heo mảnh tại chợ Hóc Môn (TP.HCM) cũng chưa có dấu hiệu giảm, theo đó heo mảnh loại 2 khoảng 90.000 - 92.000 đồng/kg, loại 1 khoảng 97.000 - 98.000 đồng/kg, thịt nạc dẻo loại 1 khoảng 110.000 đồng/kg.
Thịt lợn đông lạnh nhập khẩu giá rẻ hơn, song không dễ mua
Bộ NN&PTNT cho biết, hiện Tập đoàn Miratorg (Liên bang Nga) đã chuyển gần 3.500 tấn thịt lợn xuống tàu để xuất sang Việt Nam theo hợp đồng ký kết trước đó. Đến nay, đã có gần 1.500 tấn thịt lợn cập cảng Cát Lái, Hải Phòng và Phước Long; khoảng gần 2.000 tấn thịt lợn trong đơn hàng đợt đầu cũng đang trên đường về Việt Nam.
Tập đoàn Miratorg kỳ vọng năm nay sẽ xuất sang Việt Nam khoảng 50.000 tấn thịt lợn và số lượng sẽ tăng theo nhu cầu thị trường. Cục Thú y cho biết, sẽ có khoảng 15 doanh nghiệp trong nước tham gia tiêu thụ thịt lợn nhập khẩu của Miratorg, trong đó, Công ty TNHH Nhiêu Lộc chiếm số lượng lớn nhất với trên 1.100 tấn.
Trên website của Công ty TNHH Nhiêu Lộc (trụ sở nhà máy tại Bình Dương), các mặt hàng thịt heo đông lạnh nhập khẩu của công ty này là nạc vai heo, chân heo, tim heo và sườn heo. Ngoài ra, Nhiêu Lộc cũng nhập khẩu các mặt hàng thịt bò đông lạnh, thịt gà đông lạnh.
Cùng với doanh nghiệp này, Cục Thú y đã đề nghị hai doanh nghiệp khác của Nga hoàn thiện một số thủ tục, giấy tờ còn thiếu theo quy định của Việt Nam và quốc tế để tiếp tục cấp phép xuất khẩu thịt lợn vào Việt Nam.
Hiện đa phần người tiêu dùng Việt Nam vẫn có thói quen ăn thịt nóng (thịt lợn mới giết mổ), mua tại các chợ truyền thống mà chưa tiếp cận nhiều với thịt lợn mát, thịt lợn đông lạnh. Ảnh minh hoạ: M.H
Theo tìm hiểu của PV, giá thịt lợn đông lạnh nhập khẩu nhập về Việt Nam dao động từ 28.000 - 36.000 đồng/kg (năm 2019); sau khi cộng các khoản thuế, phí kiểm dịch, vận chuyển, chí phí cho các khâu phân phối..., giá sẽ "đội lên" gấp đôi, tuỳ loại.
Đơn cử như bảng giá của AUVIET Foods cho thấy, giá thịt mông sấn nhập khẩu hiện niêm yết ở mức 98.000 đồng/kg; sườn già 77.000 đồng/kg; sườn mềm 89.000 đồng/kg; thịt thăn lõi (lọc da, mỡ) giá 108.000 đồng/kg; thăn chuột giá 116.000 đồng/kg; bắp giò trước, sau giá 69.000 đồng/kg; xương ống 47.000 đồng/kg...
Trao đổi với PV DANVIET, anh Khánh, đại diện của Auviet Foods cho biết, trên đây chỉ mới là bảng giá tham khảo thịt lợn đông lạnh nhập khẩu do công ty đề xuất. Nếu mua số lượng lớn lên tới cả tấn thịt, khách hàng sẽ nhận được mức giá ưu đãi hơn. Mặc dù vậy, anh Khánh cho biết, thực tế công ty chưa đưa thịt lợn đông lạnh nhập khẩu bán ra thị trường.
Ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, do số lượng thịt lợn nhập khẩu còn ít nên hầu như không bán trong siêu thị, chưa tiếp cận rộng rãi với người tiêu dùng mà chủ yếu cung cấp cho các đơn hàng đặt trước (thường ký kết từ 3-4 tháng), hoặc các khu công nghiệp, nhà hàng đã ký hợp đồng.
Việt Nam không giới hạn định mức nhập khẩu thịt lợn, nhưng theo ông Long, muốn nhập thịt đông lạnh bây giờ cũng không phải dễ do dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nhiều quốc gia đang tạm thời ngừng giao thương để phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp thì "án binh bất động". Sản lượng thịt ở nhiều nước giảm do ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi, trong khi Trung Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu thịt lợn số lượng lớn, lên tới hàng triệu tấn. Các doanh nghiệp Trung Quốc thường trả giá mua cao hơn nên Việt Nam muốn nhập khẩu nhiều cũng khó.
"Thủ phủ" chăn nuôi heo Đồng Nai công bố hết dịch tả lợn châu Phi
Tỉnh Đồng Nai vừa công bố hết dịch tả lợn châu Phi khi toàn bộ 137/137 xã, phường, thị trấn (100% các địa phương) trên địa bàn đã qua 30 ngày không tái phát bệnh dịch. Điều này nhằm tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, tiêu thụ heo và sản phẩm từ heo trên địa bàn Đồng Nai và các tỉnh, thành phố trong cả nước; đảm bảo theo quy định của Luật Thú y năm 2015 và theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT.
Từ giữa tháng 4-2019, dịch tả heo châu Phi đã xâm nhập vào Đồng Nai, gây thiệt hại cho 5.371 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh với 450 ngàn con heo bị tiêu hủy. Hiện một số nơi đang tái đàn rất tốt, như huyện Cẩm Mỹ.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ, hiện có 30/55 trại bị dịch tả heo châu Phi đã tái đàn, trong đó, hơn 50% trại tái đàn heo, một số trang trại đang chuẩn bị tái đàn trong tháng tới, số còn lại chuyển sang nuôi gà, vịt, dê tạm thời. Hiện tại tổng đàn heo trên địa bàn huyện này có gần 200.000 con, bằng 80% quy mô đàn thời điểm trước dịch.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa hết dịch, đơn cử như ở Tuyên Quang, mới đây đã phát sinh 2 ổ dịch tả lợn châu Phi mới ở xã Lăng Can (Lâm Bình), Thiện Kế (huyện Sơn Dương).
Hiện Tuyên Quang có 124 xã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới trên tổng số 126 xã có lợn mắc dịch tả lợn châu Phi.
Theo Dân Việt