Giá tiêu xuất khẩu tăng 50%, làm theo cách này giá tiêu còn cao hơn, có bao nhiêu Mỹ, Nga cũng mua hết

09/07/2021 - 08:32

Giá tiêu trong tháng 6 có dấu hiệu tăng do nguồn cung khan hiếm, đặc biệt trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, giá tiêu còn tăng 20% so với canh tác thông thường.

Giá tiêu tăng nguồn cung khan hiếm, trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, giá tiêu còn cao hơn

Tháng 6-2021, giá tiêu tại Việt Nam và một số nước được ghi nhận tăng. Tại Brazil, ngày 28-6-2021, giá tiêu đen xuất khẩu tăng 1,9% so với ngày 31-5-2021, lên 4.000 USD/tấn.

Tại cảng khu vực TP.Hồ Chí Minh, ngày 28-6-2021, giá tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu tăng 2,5% so với ngày 31-5-2021, lên 4.095 USD/tấn và 4.135 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 1,7% so với ngày 31/5/2021, lên mức 5.830 USD/tấn.

Trong khi đó, giá tiêu tại Ấn Độ lại giảm nhẹ, còn giá tiêu tại Malaysia ổn định.

Đáng chú ý, giá tiêu hữu cơ luôn có giá ổn định và cao hơn hạt tiêu thông thường khoảng 20%. Ngày 28-6-2021, giá hạt tiêu đen trong nước tăng từ 4,3 – 5,8% so với ngày 29-5-2021.

Mức tăng mạnh nhất 5,8% ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai; mức tăng thấp nhất 4,3% tại tỉnh Đồng Nai, lên mức 73.000 – 76.000 đồng/kg.

Giá tiêu trắng ở mức 110.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg (tăng 7,8%) so với cuối tháng 5-2021 và tăng mạnh so với 66.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2020.

Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm, xu hướng sản xuất hạt tiêu tại các vùng trồng có sự thay đổi. Thay vì trồng ồ ạt, người dân đã quay trở lại cách trồng thiên về sử dụng các chế phẩm sinh học. 

Tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, đã có 309 ha hạt tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ và VietGAP, 1.204 ha hạt tiêu đạt tiêu chuẩn Rainforrest (tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững). 

Sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, giá tiêu tăng 20%. Trong ảnh: Nông dân xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai sản xuất tiêu hữu cơ với thương hiệu tiêu Lệ Chí. (Ảnh: K.Nguyên).

 Cục Xuất nhập khẩu dự báo, trong thời gian tới, giá tiêu toàn cầu sẽ được hỗ trợ do nguồn cung thiếu hụt tại Việt Nam, Indonesia, Brazil, nhu cầu tiêu thụ tăng khi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nới lỏng giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, xu hướng tăng giá sẽ không nhanh và mạnh như thời gian trước do sản lượng hạt tiêu của Sri Lanca trong năm 2021 được dự báo tăng 25%, do đó khả năng sẽ tràn mạnh vào thị trường Ấn Độ.

Xuất khẩu tiêu tăng 40,6%, giá tiêu đạt 3.216 USD/tấn, tăng 50,7%

Theo Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 6-2021 đạt 34.000 tấn, trị giá 120 triệu USD, tăng 21,6% về lượng và tăng 25,2% về trị giá so với tháng 5-2021, so với tháng 6-2020 tăng 68,5% về lượng và tăng 156,9% về trị giá. 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 155.000 tấn, trị giá 500 triệu USD, giảm 6,7% về lượng, nhưng tăng 40,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam thời gian tới sẽ khá thuận lợi do nhu cầu từ phía đối tác tăng. Giá tiêu có xu hướng tăng do nguồn cung khan hiếm. 

Vụ mùa hạt tiêu năm nay của Việt Nam sản lượng giảm gần 30%, trong khi tình trạng thiếu container rỗng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu khiến hàng đến chậm, gây lên tình trạng thiếu hụt cục bộ. 

Theo ước tính, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 6-2021 đạt 3.529 USD/tấn, tăng 2,9% so với tháng 5-2021 và tăng 52,5% so với tháng 6-2020. 

Tính chung nửa đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu ước đạt 3.216 USD/tấn, tăng 50,7% so với cùng kỳ năm 2020. 

Giá tiêu tăng cao, nhất là tiêu an toàn, tiêu hữu cơ, tạo động lực cho người dân khôi phục sản xuất. (Ảnh: Báo Gia Lai).

Tháng 5-2021, xuất khẩu hầu hết các chủng loại hạt tiêu giảm so với tháng 5-2020, nhưng xuất khẩu hạt tiêu trắng xay tăng mạnh.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giảm về lượng, nhưng tăng về trị giá, trong khi xuất khẩu hạt tiêu đen xay và trắng xay tăng so với cùng kỳ năm 2020. 

Cơ cấu chủng loại xuất khẩu trên cho thấy, ngành hạt tiêu có sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu xuất khẩu, giảm lượng, tăng chất.

Giá tiêu xuất khẩu sang Nga tăng vọt

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, nhập khẩu hạt tiêu của Nga trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 2.600 tấn, trị giá 7,2 triệu USD, giảm 19,7% về lượng và giảm 4,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Nga trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt mức 2.780 USD/tấn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, giá nhập khẩu hạt tiêu của Nga tăng từ Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, nhưng giảm mạnh từ Brazil và Mexico.

Số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu hạt tiêu của Nga từ Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1.430 tấn, trị giá 4,68 triệu USD, giảm 32,9% về lượng và giảm 10,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nga chiếm 55,26% trong 4 tháng đầu năm 2021, thấp hơn so với 66,14% trong 4 tháng đầu năm 2020. 

Qua số liệu phân tích trên có thể thấy, nhập khẩu hạt tiêu của Nga từ Việt Nam giảm về lượng, nhưng giá nhập khẩu bình quân tăng mạnh. 

Mặc dù Nga có sự chuyển dịch về cơ cấu nguồn cung mặt hàng, nhưng lượng nhập khẩu vẫn thấp hơn nhiều so với lượng nhập khẩu từ Việt Nam. 

Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn là nguồn cung hạt tiêu quan trọng cho Nga.

Theo Dân Việt